Sơ lược về nhân vật Đới Tung
Đới Tung biệt hiệu Thần Hành Thái Bảo (Ông từ đi nhanh), được sao Thiên Tốc Tinh chiếu mạng, là một nhân vật quan trọng trong Thủy Hử của Thi Nại Am. Khi gặp Tống Giang rồi kết nghĩa huynh đệ, Đới Tung làm Tiết cấp – quan cai ngục ở Giang Châu, là cấp trên của Hắc Toàn Phong Lý Quỳ.
Nhân chuyện Tống Giang đề thơ làm phản ở lầu Tầm Dương bị quan phủ Giang Châu bắt giam chịu hình và sai Đới Tung đưa thư đến cho cha là Sái Kinh thái sư ở Đông Kinh báo cáo sự vụ, Đới Tung “lạc” tới Lương Sơn bị bọn Chu Quý chuốc thuốc mê, sau nói rõ sự tình, thì chàng được đưa lên Lương Sơn.
Ngô Dụng biết chuyện, bèn tương kế tựu kế kêu Đới Tung mời Tiêu Nhượng và Kim Đại Triện đến để làm thư giả hồi đáp của Sái Kinh viết rằng đem áp giải Tống Giang tới Đông Kinh sẽ định đoạt, rồi giữa đường Tiều Cái sẽ đem quân Lương Sơn cướp lấy xe tù giải cứu Tống Giang.
Đới Tung vâng mệnh đem phong thư giả về nhưng một sai lầm của Ngô Dụng đã khiến Sái tri phủ phát hiện ra sự giả mạo của bức thứ này. Đới Tung sau đó bị tống giam cùng Tống Giang chờ ngày xử trảm. Kế đến là chuyện Tiều Cái cùng các vị hảo hán Lương Sơn đi cướp pháp trường Giang Châu giải cứu Tống Giang và Đới Tung. Rồi 2 người này chính thức gia nhập Lương Sơn.
Sau khi phân định ngôi thứ Lương Sơn, Đới Tung ngồi ghế đầu lĩnh thứ 20, chuyên đảm trách công việc do thám tình hình quân địch, thư báo. Đới Tung góp công lớn trong các trận Lương Sơn Bạc đánh Chúc Gia Trang, hạ Tăng Đầu thị hay các chiến dịch theo lệnh triều đình dẹp loạn Vương Khánh, Phương Lạp sau này.
Sau khi Tống Giang bị triều đình ép uống rượu độc hại chết, Đới Tung trả lại quan bằng, trở về châu Thái An làm thủ từ, lo việc đèn hương thờ phụng Ngọc hoàng thượng đế và các anh em đầu lĩnh. Một hôm mời đạo hữu đến vĩnh biệt, rồi cười vang mà mất.
Tài Thần hành của Đới Tung
Khi Đới Tung lần đầu xuất hiện ở hồi 37, Thi Nại Am có viết thế này: “Đới Tung có thuật rất kỳ lạ, mỗi khi có văn thư khẩn cấp, thì buộc hai cái giáp mã vào chân làm phép thần hành, thì có thể đi một ngày được năm trăm dặm, nếu buộc bốn cái vào hai chân, thì có thể đi một ngày tới tám trăm dặm, nhân thế người ta gọi là Thần hành Thái Bảo Đới Tung”.
Phép Thần hành của Đới Tung, sau đó được mô tả kĩ hơn nhân chuyện chàng được lệnh mang thư của Quan tri phủ Giang Châu tới Thái sư Sái Kinh: “Bấy giờ Đới Tung từ biệt Tống Giang cùng Lý Quỳ, một mình kíp vội ra về, thay giầy gai, quấn lá đáp, mặc áo vàng. Đổi khăn mới, giắt tuyên bài vào lưng, bỏ thư vào túi, rồi quảy hai cái hòm đi ra ngoài thành. Khi ra đến ngoài thành, chàng liền lấy bốn mảnh giáp mã, buộc vào hai bên chân mỗi bên hai miếng, rồi trong miệng lẩm nhẩm đọc mấy câu thần chú mà vùn vụt đi khỏi Giang Châu. Chiều hôm ấy, Đới Tung vào nghỉ trong hàng, rồi cởi giáp mã ra, mà lấy giấy tiền, đốt khấn cẩn thận, sáng hôm sau cơm nước vừa xong, chàng lại buộc giáp mã quảy hòm ra đi thực sớm. Trong khi đi chỉ nghe tiếng gió thổi vù vù bên tai, sức chạy thực nhanh, không hề dính chân xuống đất”.
Giáp mã của Đới Tung, chính là một loại bùa. Bùa thời cổ đại, công năng và cách sử dụng khác biệt nhất là ở phần Phù Lục. Trong Phù Lục chia thành 7 phép cơ bản: Hóa Pháp (bùa dùng để đốt), Bội Pháp (gấp gọn, đeo kín trên người), Thiếp Pháp (dán trực tiếp lên cơ thể người hoặc vật), Ngật Pháp (đốt thành tro, pha vào nước uống), Chử Pháp (sắc cùng với thuốc uống), Sát Pháp (đốt rồi thoa lên người) và Tẩy Pháp (hòa với nước để tắm).
Có thể thấy bùa thần hành của Đới Tung thuộc Thiếp Pháp – dán trực tiếp lên cơ thể. Công năng của Thiếp Pháp là loại đạo bùa phong bế hoặc khai phóng, chắn khí âm, mở khí dương hoặc phá khí âm, hấp khí dương. Hiểu một cách đơn giản, người dùng bùa dạng này có thể gia tăng công lực, phát huy tối đa tiềm năng của cơ thể. Với Đới Tung, dán bùa lên chân, đó chính là việc giúp chàng một ngày có thể chạy hàng trăm dặm không biết mệt.
Đi kèm với bùa Thần hành dạng Thiếp Pháp này là khẩu quyết – thần chú, thứ mà chỉ mình Đới Tung biết, để muốn nhanh, muốn chậm muốn dừng đều kiểm soát được cả. Đới Tung có thể dán giáp mã lên đùi người khác giúp người đó cũng thần hành được như mình. Như lần chàng cùng Lý Quỳ đi tìm Công Tôn Thắng mời về giúp Lương Sơn ở hồi 52-53 Thủy Hử: “Nói đoạn lấy bốn miếng giáp mã, buộc vào hai bên trái đùi Lý Quỳ, mà dặn rằng: - Anh đến hàng rượu đâu đó, mà đợi tôi nhé? Nói xong lại đọc mấy câu thần chú, thổi lên trên chân Lý Quỳ, rồi Lý Quỳ rảo cẳng bước đi, vù vù như gió vậy”.
Đới Tung chạy có nhanh bằng… Usain Bolt?
Theo mô tả của Thủy Hử, thì với việc dán 4 miếng giáp mã lên người (cụ thể ở đây là phần chân), Đới Tung 1 ngày có thể chạy tối đa 800 dặm. Hệ thống đo lường cổ đại Trung Quốc có một số sai khác ở việc thống nhất 1 dặm là bao nhiêu mét. Thời Hán đổ về trước, 1 dặm được tính là 415,8m. Nhưng đến thời Nguyên và Mãn Thanh sau này, 1 dặm lại lên tới 576m. Còn theo chuẩn hóa của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20, thì 1 dặm được tính tròn là 500m.
Như vậy, một ngày 24 giờ, Đới Tung, với 4 miếng giáp mã, có thể chạy một quãng đường tối đa 400.000 m. Tức một giờ, Đới Tung chạy được 16.6667 m. Tiếp tục tính toán, thì Đới Tung ngốn một quãng đường khoảng 277,8 m trong 1 phút. Và một giây, chàng chạy được 4,63m. Tốc độ này nhanh đến mức nào, chúng ta thử làm phép so sánh với các kỉ lục Thế giới của môn điền kinh xem sao.
Tính đến thời điểm hiện tại, kỷ lục chạy 100m đang thuộc về Usain Bolt với 9,58 giây. Tức 1 giây, huyền thoại sống người Jamaica chạy được tới 10,43m. Nhanh hơn rất nhiều so với Đới Tung. Tiếp tục một phép so sánh khác với kỷ lục gia người Kenya – Eliud Kipchoge nội dung chạy “full Marathon – 42,195km”. Kipchoge chạy hết quãng đường nêu trên với thành tích 2 giờ, 1 phút, 39 giây. Tức 1 phút, Kipchoge chạy được 345m và 1 giây anh vượt qua được 5,76m. Như vậy, kỷ lục gia “full Marathon” Kipchoge cũng chạy nhanh hơn Đới Tung (4,63m/giây).
So về tốc độ, rõ ràng Đới Tung không bằng những “siêu nhân” đệ nhất thời hiện đại của bộ môn Điền kinh. Nhưng tất nhiên, cái phép Thần hành của chàng không đặt nặng ở vấn đề tốc độ mà là sức bền và việc chạy liên tục, hàng trăm dặm trong hàng chục giờ. Đấy là thứ mà Bolt hay Kipchoge sao có thể so sánh được với nhân vật hư cấu sở hữu giáp mã và bùa phép của Thi Nại Am.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt