Số 7: Cổ thị - vợ Lưu Tuấn Nghĩa
Lư Tuấn Nghĩa trúng kế của Ngô Dụng, bị lừa lên Lương Sơn. Trong khi lưu họ Lư ở lại “Bến nước” Tống Giang thả cho gia nô Lý Cố về trước. Thủy hử hồi 60 viết: “Ngô Dụng đón đường Lý Cố nói: Chủ nhân nhà anh đã bằng lòng với chúng ta, nhập đảng, ngồi vào ghế thứ nhì. Trước khi đến đây, đã viết bốn câu thơ ở vách: “Lư hoa phơ phất chiếc thuyền bơi/ tuấn kiệt vui chơi buổi tối trời/ Nghĩa sĩ tay cầm ba thước kiếm/ Phản rồi chém lũ nghịch thần chơi”. Trong bốn câu đó, mỗi câu lấy chữ đầu hợp thành bốn chữ "Lư Tuấn Nghĩa phản". Nay ta tha cho các anh, nhớ phải nói rõ cho mọi người biết Lư Viên Ngoại không về nữa”.
|
Phan Kim Liên bị “mang tiếng’ vì Thủy Hử nhưng nàng không có tên trong Top 7 nữ nhân xấu xa nhất danh tác này như Diêm Bà Tích. |
Sau, khi Lư Tuấn Nghĩa nhất mực đòi về thì có Yến Thanh lên Lương Sơn báo tin: “Chủ Nhân đi độ nữa tháng, một hôm thấy Lý Cố trở về nói với Nương Tử rằng: Chủ Nhân đã quy thuận Tống Giang ở Lương Sơn Bạc, đứng vào hàng Đầu Lĩnh thứ hai.... Đoạn rồi hắn báo với Quan tư, thông đồng với Nương Tử, chiếm hết cả nhà cửa mà đuổi tôi ra ngoài thành”. Cũng theo lời Yến Thanh thì “Lý Cố tư thông với Nương Tử cũng không hay biết đến. Ngày nay hai người đó đã mưu mô với nhau, nhận làm vợ chồng”.
Lư Tuấn Nghĩa không tin, nhất quyết về lại Lư gia trang. Tại đây chàng ta bị cặp đôi Lý Cố - Cổ thị lừa báo với quan quân bắt trói. Và đây là những câu nói “xé lòng” của Cổ thị trên công đường, khi chồng ả - Lư Tuấn Nghĩa bị xét tội: “Việc đó không phải chúng tôi muốn làm hại gì, song nếu không thú ra, thì liên luỵ đến cả chúng tôi thêm khổ? Người ta thường nói: "Một người loạn chín họ bị oan... Đã đành rằng một người làm việc, thì chết cũng cam tâm. Vậy bất nhược thú ngay cho khỏi đòn vọt đến thân”.
Giữa chốn công đường, người đầu gối tay ấp bao năm, từng câu từng chữ nói ra, tuyệt nhiên chỉ mong chồng mình nhận tội (mà là tội phải chết) để không liên lụy đến bản thân. Cổ thị, dù một phần bị hoàn cảnh đưa đẩy, một phần bị ảnh hưởng từ tên gia nô phản phúc Lý Cố, nhưng ả trước sau đúng là phường tiện nhân vậy. Dĩ nhiên kết cục của Cổ thị và Lý Cố sau từng ấy chuyện mà cặp đôi này đã làm, là bi thảm vô cùng: “Lư Tuấn Nghĩa tay cầm đoản đao bước ra quát mắng hai người, khoét lấy ruột giữa, bắt tội tùng xẻo cho chết”.
Cái sự xấu xa của Cổ thị là sau lưng chồng ngoại tình với gia nô, khi chồng gặp nạn chẳng những không cứu mà còn báo quan để tư lợi cá nhân. Đúng là đáng chết vậy!
Số 6: Phan Sảo Vân - vợ Dương Hùng
Phan Sảo Vân xuất hiện cuối hồi 43 Thủy Hử như thế này: “Nguyên người này là con gái Phan Công, sinh giữa mồng bảy tháng bảy nên mới đặt là Sảo Vân. Trước đây đã lấy một người thư lại ở Kế Châu là Vương Áp Ty, được hai năm thì Vương mất, nàng lại mới lấy Dương Hùng chừng được ngót một năm nay”.
Sảo Vân, qua ngòi bút của Thi Nại Am, trong đoạn mời trà “sư huynh” Bùi Như Hải, rõ là một ả đàn bà dâm đãng: “Chị chàng cũng cười tít đi, mà đưa mắt liếc trả lại nhà sư rất là khả ố”. Đôi cẩu nam nữ sau đó hú hý với nhau ở Thủy Lục Đường, nhân ngày làm lễ huyết bồn cho chồng cũ Sảo Vân. Rồi chính ả tự lên kế hoạch để duy trì mối quan hệ bất chính: “Chồng tôi cứ một tháng là có tới hai mươi ngày vào ngủ trong nhà lao, vậy tôi có đứa con ở rất thân, sẽ cho nó đợi ở vườn sau, hễ hôm nào chồng tôi đi vắng, thì kê án thắp hương làm hiệu, bấy giờ cứ lẳng lặng đi vào…”.
Dĩ nhiên cái kim trong bọc dấu mãi cũng phải lòi ra, nữa là chuyện ngoại tình của Sảo Vân với Bùi Như Hải vốn đã bị Thạch Tú ngờ vực ngay từ ban đầu. Sau khi phát hiện được chuyện này, Tú liền “đem chuyện từ khi nhà sư đến làm lễ, cho tới khi ra chùa Báo Ân, cùng là sáng sớm có người niệm Phật, rồi thấy nhà sư ở trong lầu đi ra, thuật hết cho Dương Hùng”.
Đêm ấy, do uống quá say, Dương Hùng trong mơ nói hết ra những lời của Thạch Tú trước mặt Phan Sảo Vân khiến ả chột dạ. Sảo Vân quyết che giấu sự thật bẩn thỉu của mình bằng cách vu oan Thạch Tú từng nhiều lầm sàm sỡ mình. Dương Hùng vốn yêu chiều vợ nên đương nhiên tin lời Sảo Vân mà đánh đuổi Thạch Tú ra khỏi nhà.
Một đêm nọ, Thạch Tú rình chờ gã Bùi Như Hải đến tư thông với Phan Sảo Vân rồi giết chết hắn ngay sau nhà, thu gom đủ nhân chứng vật chứng và nói lại với Dương Hùng lần nữa. Sau đó Dương Hùng và Thạch Tú bày mưu, mượn chuyện “trả lễ” lừa Sảo Vân lên núi Thúy Bình, “lật mặt nạ” ả đàn bà xấu xa.
Tại cổ mộ u tịch ở núi Thúy Bình, Dương Hùng chém chết ả thị nữ giúp Sảo Vân ngoại tình rồi sau đó cắt đứt lưỡi vợ và “đưa dao rạch một nhát từ ngực xuống bụng, moi lấy gan treo lên cây tùng”. Rửa xong nỗi hận, Dương Hùng và Thạch Tú cùng nhau lên Lương Sơn.
|
Phan Sảo Vân – vợ Dương Hùng, tư thông với một nhà sư rồi đặt điều hãm hại huynh đệ Thạch Tú. |
Cái sự xấu xa của Sảo Vân được đặc tả một cách rõ ràng qua lời mắng Dương Hùng dành cho ả trước khi xuống tay: “Đồ hèn mạt nầy, mầy lừa dối ta, xuýt nữa không những là hại đến tình nghĩa anh em, mà sau nầy lại còn bị ngươi giết hại, vậy chắc là tâm, can, phủ tạng của ngươi, khác hẳn mọi người, để ta lấy thử ra xem sao?”
Số 5: Diêm Bà Tích – “vợ hờ” Tống Giang
Tống Giang giúp đỡ Diêm bà mai táng chồng, được trả ơn bằng việc “dâng” cô con gái tài sắc Diêm Bà Tích “kết làm thân quyến”. Tống Giang bằng lòng nhưng chàng không đưa Bà Tích về nhà họ Tống mà thuê một gian nhà gác ở ngõ phố bên tây huyện, sắm các đồ vật cho mẹ con Diêm bà đến ở đó.
“Tống Giang nguyên xưa nay chỉ thích luyện tập võ nghệ, còn về phần mỹ sắc, thì không lấy gì làm đậm đà. Lại nhân Bà Tích là con gái mười tám, đương trạc thanh xuân, tình tứ phong lưu… bởi thế mấy hôm đầu cũng còn vui vẻ với nhau, rồi ngày sau thì thưa nhạt dần đi”.
Một hôm Tống Giang dắt người Thiếp Thư là Trương Văn Viễn cùng đến uống rượu ở nhà Tích Bà. Người này, thường được gọi là Trương Tam, cùng làm phòng Áp Ty với Tống Giang, mặt mũi khôi ngô, hình dung dón dả, bình sinh thích du đãng, lại học được đủ mọi ngón phong lưu. Tích Bà vốn là một tay ca xướng xuất thân, trông thấy Trương Tam thì trong lòng có chiều ưa thích, mà để ý đến luôn. Còn Trương Tam cũng là một phường tửu sắc ăn chơi, cho nên trông thấy thì lòng hiểu, mà đầu mày cuối mắt, đôi bên để ý cùng nhau.
|
Tống Giang và Diêm Bà Tích. |
Về sau mỗi khi Tống Giang đi vắng, thì họ Trương lại giả vờ đến gọi Tống Giang; rồi Tích Bà lại mời giữ vào chơi nói chuyện, lâu la sớm mận tối đào, mà mưa Sở mây Tần. Dần dà từ đó tấm lòng yêu thương của Tích Bà đối với họ Trương càng ngày càng đằm thắm. Một đôi khi Tống Giang có về đến nhà, thì Tích Bà lại gây chuyện nọ kia. Tống Giang tuy thế mặc lòng, cũng không hề lấy mỹ sắc làm quan tâm, năm chừng mười họa, mới trở về nghỉ một lần, vì thế cái dây thân ái của Trương cùng với Tích Bà càng ngày càng thêm khắng khít.
Sau Tống Giang cũng nghe tin phảng phất như vậy, hồ đồ bán tín bán nghi, vả trong bụng lại tự nghĩ rằng: "Người ấy không phải là một người vợ cái con cột, không có lệnh cha mẹ cưới xin gì mà phải quan tâm cho lắm. Nếu nó không có lòng trung thành với mình, thì cũng mặc thây nó cho rảnh, can chi nói đến thêm phiền!".
Một buổi chiều nọ, Lưu Đường tìm đến gửi cho Tống Giang một bức thư tạ ơn và 100 lượng vàng vì đã cứu nhóm huynh đệ Tiều Cái thoát khỏi vụ án Sinh thần cương. Vừa chia tay Lưu Đường thì Tống Giang bị Diêm bà ép về gặp Bà Tích. Tối hôm đó, Diêm Bà Tích phát hiện ra túi chiêu văn của Tống Giang có bức thư của Tiều Cái, bèn giấu đi. Đây là đoạn viết rất đắt của Thi Nại Am, ở hồi thú 20, về tâm trạng của ả đàn bàn này lúc đó:
“Ta đương muốn cùng với Trương Tam kết làm phu phụ, chỉ tại vì có mầy ngăn trở hóa không xong, phen này có lẽ khó lòng mà tránh khỏi tay ta được! Nguyên mày thông đồng với tụi cướp Lương Sơn, cho nên nó mới đưa trăm lạng vàng đến để biếu đây... Được rồi, để bà tiêu khiển cho mày một dạo. Hãy xem phong thư và tiền nong để cả túi này, mày có tài thánh cũng không đến đây mà lấy lại được nữa”!
Tống Giang quên túi chiêu văn nên quay lại lấy thì không thấy đâu, Diêm Bà Tích nói rằng ả đã giấu và ra ba điều kiện phải làm thì mới trả lại: “Điều thứ nhất: Từ hôm nay phải đem tờ văn tự mua tôi dạo trước, trả lại cho tôi; mà viết thư cho tôi cải giá với Trương Tam. Điều thứ hai: Các đồ tôi gài giắt trên đầu, đồ tôi mặc ở mình, cùng các thứ khí dụng trong nhà, phải viết một bức thư trao cho tôi. Còn điều thứ ba: cái món tiền một trăm lạng vàng của Tiều Cái ở Lương Sơn Bạc đưa đến đây, phải giao cho tôi, rồi tôi tha cho...”
Tống Giang chấp nhận 2 điều đầu nhưng điều thứ ba thì chàng chịu chết vì “một trăm lạng vàng ấy, thì tôi không nhận của họ, nếu có thì tôi xin đưa nàng ngay lập tức bây giờ”. Dĩ nhiên phường đàn bà tiện nhân ấy đâu hiểu được lòng quân tử, cứ nhất mực cho là Tống Giang lừa mình: “Không lẽ nào nó đưa tiền cho người ấy, mà không nhận bao giờ? Anh đừng nói những câu buồn cười như thế? Mèo nào là mèo không biết ăn mỡ, của vua Diêm Vương bao giờ có tha quỷ về không?”
Đôi bên lời qua tiếng lại, Tống Giang bị ả dồn ép đến mức “bừng bừng tức giận… tay tả nắm chặt lấy Bà Tích, rồi tay hữu giơ dao cho một nhát vào giữa thái dương phọt máu tươi ra như suối chảy”. Mới hay: “Anh hùng khi đã ra tay/ Trời kia cũng chuyển đất này cũng tan/ Huống chi một gái dâm ngoan/ Ngựa dày voi xé dễ còn ai thương/ Bây giờ giống lưỡi không xương/ Phỏng còn ngoắt ngoéo trăm đường nữa chăng?”
Theo Thanh Xuân/Dân Việt