Lý Quỳ có sức khỏe vô địch, giỏi võ nghệ, thường sử dụng 2 cây bản phủ (rìu sắt cán ngắn lưỡi to), là một chuyên gia đánh bộ. Lý Quỳ tính tình hung hăng lỗ mãng nhưng được coi là biểu tượng bậc nhất của sự ngay thẳng trung thành, tín nghĩa.
Nhưng Lý Quỳ, trong những nghiên cứu đời sau của giới sử học Trung Quốc, lại là cái tên bị chỉ trích rất nhiều. Lỗ Tấn từng viết “Tôi rất quý Trương Phi thẳng thắn, không biết sợ cái gì... nhưng tôi căm thù Lý Quỳ, tưởng giống Trương Phi mà không phân biệt trắng với đen và là kẻ sẵn sàng chặt đầu hàng loạt bằng cây rìu của mình". Trong một nghiên cứu của mình, giáo sư Lương Duy Thứ bình luận thế này: “Không thể coi một kẻ giết người như nghóe, manh động, thô bạo và thiếu lý trí như Lý Quỳ, là hình tượng điển hình có tinh thần cách mạng kiên định nhất của nhân dân lao động".
|
Hắc Toàn Phong Lý Quỳ: Hảo hán gì kẻ giết người biến thái? |
Xuất hiện với đầy tính xấu
Và nếu đọc thật sâu, thật kĩ Thủy Hử của tác gia Thi Nại Am, chúng ta hoàn toàn có thể nhận chân được con người Lý Quỳ. Và “Hắc toàn phong”, một kẻ lấy việc chém giết làm thú vui, giết cả trẻ con, ăn cả thịt người, chắc chắn không thể và không bao giờ xứng đáng với hai chữ “hảo hán”. Lý Quỳ ấy được coi là kẻ trung thành, nhưng thực tế gã chỉ “trung” với Tống Giang. Trong mắt Lý Quỳ, chỉ có Tống Giang, ngoài ra tuyệt nhiên không có ai hết. “Thế thiên hành đạo” – tôn chỉ của nghĩa quân Lương Sơn, với gã chỉ là đồ bỏ.
Lý Quỳ hiện ra qua lời kể của Đới Tung với Tống Giang ở hồi 37 thế này: “Người này là một cai ngục trong lao tiểu đệ; họ Lý tên Quỳ, người huyện Nghị Thủy đất Nghi Châu, thuộc Bách Thượng. Anh ta có một tên lạ là Hắc Toàn Phong (Gió lốc đen) Lý Quỳ, và người làng anh ta thường gọi là Thiết Ngưu Lý Quỳ, sau có tội đánh chết người, phải trốn đi nơi khác; Nay dẫu được ân xá, song vẫn lưu lạc giang hồ, mà vẫn chưa về được cố hương. Anh ta tính hay chè rượu, thường dùng hai cái búa để đánh nhau, các ngón côn quyền cũng giỏi, hiện đương theo việc ở đây”.
Rồi: “Hắn ta dẫu là người trung trực nhưng tính ham uống rượu, thích đánh bạc, còn có bao giờ có được một đĩnh bạc mà đổi ra, cái đó hắn nói dối đấy. Bây giờ đi vội đi vàng thế, tức là đi đánh bạc... Hắn ta võ nghệ cũng khá, chỉ có một điều là tính thô mật lớn, không cần gì ai, ở đất Giang Châu này, mỗi đám tù tội, thì lại đánh đập tất cả đám coi ngục, làm cho tôi nhiều phen cũng liên lụy đến hắn... Giữa đường thấy sự bất bình là thế nào cũng đánh cho những bọn cường ngạnh, vì thế khắp trong thành Giang Châu ai ai cũng sợ”.
|
Lý Quỳ sức khỏe vô địch, tinh thông võ nghệ, tính ngay thẳng nhưng là kẻ lỗ mãng, hung hăng nhiều tật xấu. |
Chỉ riêng trong hồi 37, Thi Nại Am đã có nhiều đoạn viết lột tả tính xấu của Lý Quỳ. Một kẻ vô đạo, chỉ cần không vừa ý mình là gây chuyện đánh người. Đầu tiên vay tiền chủ quán rượu không được liền gây rối tại đó. Sau mang tiền Tống Giang cho đi đánh bạc, đánh 2 tiếng mỗi tiếng 5 lạng bạc, thua cả 2, thì đánh người cướp bạc. Rồi đến lúc uống rượu với Tống Giang, Đới Tung chỉ vì tiểu nhị nói về chuyện “thị dê thịt bò” mà vung bát rượu ném thẳng vào mặt người ta. Kế đến tới chuyện ra bến mua cá tươi cho Tống Giang, rồi gây sự đánh người ở làng chài sau bị Trương Thuận lừa xuống nước cho một trận thất điên bát đảo.
Một kẻ coi việc giết người như thú vui
Nhưng cái sự khát máu của Lý Quỳ mới thực sự khủng khiếp. Hồi 49, nhân chuyện nghĩa quân Lương Sơn và Tôn Lập nội ứng ngoại hợp đánh hạ Chúc Gia Trang, tác gia họ Thi đã liên tiếp có những đoạn miêu tả về cái thú vui giết người của Lý Quỳ. Một kẻ cứ thấy người là vung rìu chém, không phân biệt địch ta, già trẻ trai gái, quân lính hay người thường.
“Chúc Long bèn quay ngựa trở lại mà chạy về mạn bắc, bỗng đâu gặp Lý Quỳ cầm song phủ chém con ngựa ngã lăn ra, rồi sấn vào chém đứt Chúc Long làm hai đoạn. Chúc Bưu thấy trang khách đến báo, biết không trở về được, liền vỗ ngựa chạy thẳng đến Hổ Gia, bị Hổ Thành sai trang khách trói lại, rồi đem giải đến Tống Giang. Vừa giải đến giữa chừng gặp Lý Quỳ giơ song phủ chém luôn một nhát, rồi trang khách chạy tan đi hết. Lý Quỳ lại vác phủ xông đánh Hổ Thành, Hổ Thành thấy thế lực hùng dũng không sao đánh nổi, liền phóng ngựa bỏ cửa bỏ nhà, mà chạy sang phủ Diên An... Bấy giờ Lý Quỳ đang thuận tay thích chém, thẳng đến Hổ Gia Trang, đem toàn gia họ Hổ bất cứ trẻ già đều chém chết hết cả, rồi gọi tiểu lâu la dắt lấy cả ngựa, thu lấy của cải, rồi cho một mồi lửa đốt cháy trang viện, khi trở về dâng nộp Tống Giang”.
|
Trong mắt Lý Quỳ chỉ có Tống Giang, đa số các huynh đệ đầu lĩnh khác hay tôn chỉ Lương Sơn Bạc với gã chẳng là gì. |
Rồi: “Chợt thấy người báo, Hắc Toàn Phong đốt Hổ Hoàng Tín chém đầu người đem đến nộp. Tống Giang nghe báo liền nói: - Hổ Thành bữa trước đã đến xin hàng, ai bảo nó đến chém giết người ta, và đốt cả nhà người ta như thế? Vừa nói dứt lời thì thấy Lý Quỳ mình đã máu me, lưng dắt song phủ thẳng đến trước mặt Tống Giang, dạ mà nói rằng: - Chúc Long chúng tôi giết rồi, Chúc Bưu cũng bị tôi giết nốt, Hổ Thành thì chạy mất, còn cả nhà Hổ Thái Công đều bị giết sạch cả, xin đến để dâng công… Tôi chém đương sướng tay, toan chạy vào Hổ Gia Trang, gặp ngay người anh nàng Nhất Trượng Thanh giải Chúc Bưu ra, bèn chém cho một nhát bửa sọ làm đôi, chỉ còn tiếc Hổ Thành chạy mất, không làm sao đuổi được. Nhà hắn thì tôi cũng giết cả rồi, không còn sót một người nào cả.
Tiếp đến là đoạn đối thoại giữa Lý Quỳ và Tống Giang: “Tống Giang liền thét lên rằng: - Đừng thoăng thoắng nói xấc ở đây. Bắt sống được mấy người tất cả? Lý Quỳ nói: - Ối chào! Ai phiền phức thế, nó có sống nữa cũng chém chết cho xong... Tống Giang nói: - Ngươi trái quân lệnh của ta lẽ phải chém, nhưng nghĩ công ngươi bắt được Chúc Long, Chúc Bưu thì hãy xóa đi cho, lần sau nếu trái lệnh, tất là không tha nữa. Lý Quỳ nói: - Thôi, dẫu không có công lao gì, nhưng chém cũng sướng tay đã...”
Hảo hán đây sao? Anh hùng đây sao? Hay là kẻ chỉ khoái chém giết, coi việc đầu rơi máu chảy làm sự vui thú cho bản thân!
|
Lý Quỳ giết nhiều tướng địch, lập công không ít nhưng số người vô tội do gã lạm sát còn nhiều hơn gấp bội. |
Giết trẻ con, ăn cả thịt người
Chuyện Lý Quỳ mỗi lần đánh trận cứ thấy người là giết, bất kể nam phụ lão ấu đã đành một nhẽ, bởi dù sao hắn cũng nhân chuyện chiến đấu mà lạm sát. Nhưng ngay những đứa trẻ vô tội như cậu ấm con quan Tri phủ Thương Châu, Lý Quỳ cũng chẳng tha. Hồi 50 Thủy Hử, nhân chuyện Tống Giang sai Lôi Hoành, Ngô Dụng, Lý Quỳ xuống mời ân nhân Chu Đồng lên Lương Sơn, Thi Nại Am đã viết chuyện “Hắc Toàn Phong” giết chết cậu ấm của Quan Tri phủ thế này.
“Ngô Dụng nói: - Người anh em đi với chúng tôi, họ không biết thế nào, chắc lại ẵm cậu ta ra chỗ chúng tôi trọ hẳn? Được, ngài cứ đến đó tôi xin trả ngay. Chu Đồng hỏi: - Người đi với các ông là ai? Lôi Hoành nói: - Tôi cũng chả biết là người nào, chỉ thấy vẫn gọi là Hắc Toàn Phong xưa nay. Chu Đồng cả kinh mà hỏi rằng: - Có phải anh Lý Quỳ, giết người ở đất Giang Châu đó chăng? Ngô Dụng đáp: - Chính anh ta đó. Chu Đồng nghe nói dẫm chân lên kêu rằng: - Nếu vậy thì khổ rồi...”. Rõ ràng cái tiếng giết người như nghóe của Lý Quỳ, là chẳng ai không biết.
“Lý Quỳ nói: - Lúc nãy tôi đánh thuốc mê cho cậu ta, rồi mới cõng ra ngoài thành được. Bây giờ đương nằm ngủ ở trong thành kia. Ca Ca đến mà xem. Bấy giờ trời đương sáng trăng vằng vặc, Chu Đồng liền đi thốc vào rừng cây, tìm quanh tìm quẩn, mãi sau mới thấy cậu ấm nằm vật ở trên bãi đất. Chu Đồng giơ tay đỡ cậu ấm dậy thì đã thấy đầu đi một nơi, mình đi một nẻo, mà nằm chết sõng soài ở đó”. Hảo hán gì, anh hùng gì, mà đang tâm ra tay với một đứa trẻ, theo cách dã man đến vậy?
|
Trẻ con cũng giết, thịt người cũng ăn, độ biến thái của Lý Quỳ đúng là… siêu cấp. |
Còn chuyện Lý Quỳ ăn thịt người, như “nhậu” thịt gà thịt vịt, thì chúng ta ngược dòng trở lại với hồi 42, nhân chuyện “Hắc Toàn Phong” về quê nhà đón mẹ lên Lương Sơn thì gặp “Lý Quỳ giả”, đánh cho một trận thấy chàng kia than nghèo kể khổ nói dối chuyện “mẹ già 90 tuổi” thì tha chết, còn cho thêm một đĩnh bạc. Sau nghe được chuyện Lý Quỷ và nhân tình bàn mưu bỏ thuốc mê mình nhằm cướp tiền bạc và giao nộp cho quan phủ, “Hắc Toàn Phong” mới ra tay tàn độc.
“Lý Quỳ dằn Lý Quỷ xuống, tuốt dao nhọn dắt ở trong mình ra, cắt xọet lấy đầu, rồi quay lại tìm chị đàn bà. Khi ra tới ngoài không thấy chị đàn bà kia đâu nữa, chàng bèn quay vào trong… rồi lại ra chỗ xác Lý Quỷ, lần lấy đĩnh bạc cho hắn lúc nãy, bỏ vào khăn gói cẩn thận. Đoạn rồi lần đến bếp, thấy nồi cơm đã chín, không còn có một chút gì để làm thức ăn. Chàng dở cơm ra ăn mấy miếng, rồi nom ra cái xác chết mà cười nói rằng: - Mình ngu xuẩn thực! Thịt bỏ đây kia, mà không ăn là nghĩa lý gì? Nói đoạn liền xăm xăm vác dao ra cắt mấy miếng thịt đùi Lý Quỷ, lấy nước rửa sạch, rồi đem vào đống than lửa vừa nướng vừa ăn, ăn một lúc no nê rồi đem xác Lý Quỷ vất vào giữa nhà, mà châm một mồi lửa đốt lên, rồi đem dao khoác gói ra đi”.
Có oán báo oán là chuyện thường thời phong kiến, nhất là đối với gã Lý Quỷ mà “Hắc Toàn Phong” đã tha chết lại còn cho tiền. Nhưng đến mức xẻ thịt moi gan kẻ mình vừa giết để làm mồi nhậu thì Lý Quỳ đúng là kẻ “hiếm có” vậy. Cái “khoái cảm” giết người của Lý Quỳ thậm chí đã đạt tới mức biến thái cực độ!
Theo Thanh Xuân/Dân Việt