Tam Quốc (220 – 280) diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại là cuộc đua vương quyền đầy sôi nổi giữa 3 thế lực lớn là Tào Nguỵ - Thục Hán – Đông Ngô. Tuy hỗn loạn nhưng thời thế luận anh hùng. Tam Quốc cũng là thời kỳ sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt, mưu sĩ kỳ tài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Đặc biệt, bên cạnh tuấn mã, vũ khí được coi là người bạn đồng hành không thể thiếu của những võ tướng trên chiến trường Tam Quốc.
Trong Tam Quốc có rất nhiều loại vũ khí nổi tiếng, nhưng một trong số ít thứ nổi bật hơn cả chính là Phương Thiên Họa Kích. Đây là vũ khí từng gắn liền và làm nên tên tuổi của Lã Bố .
Thậm chí, Phương Thiên Hoạ Kích còn từng được ca ngợi là "vua" của vũ khí lạnh thời cổ đại.
Phương Thiên Hoạ Kích – vũ khí trứ danh
Lã Bố, tự Phụng Tiên, là võ tướng nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán. Nhắc đến vị tướng này, người đời thường dùng câu "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" để nhắc đến võ tướng đứng đầu và ngựa quý có một không hai trong Tam Quốc.
Cùng với chiến mã Xích Thố và cây kích nổi tiếng, Lã Bố tham gia không ít trận chiến và khiến cho nhiều kẻ địch khiếp sợ.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", chỉ cần nhắc đến Phương Thiên Hoạ Kích, ngay lập tức nhiều người liên tưởng tới hình ảnh "chiến thần" Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm binh khí nổi tiếng này tung hoành khắp thiên hạ.
Phương Thiên Hoạ Kích là loại vũ khí đòi hỏi người dùng phải có trình độ tương đối cao và phải vô cùng thành thạo thì mới có thể phát huy hết uy lực và sức sát thương của nó. Nhiều người cho rằng, Lã Bố đã luyện tập sử dụng Phương Thiên Hoạ Kích rất thành thạo và góp phần quan trọng làm nên tên tuổi cho cây kích này.
Kích được biết đến là một trong những vũ khí cổ xưa nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đây còn là một vũ khí hạng nặng và khó sử dụng hơn so với thương, mâu và giáo. Trọng lượng nặng cùng với việc sở hữu nhiều đòn thế phức tạp, kích đòi hỏi chủ nhân sử dụng phải có bản lĩnh và sức khoẻ hơn người. Chỉ có như vậy mới phát huy được ưu điểm của loại vũ khí này.
Trong thời Tam Quốc, kích là vũ khí chủ yếu được bộ binh sử dụng, chuyên làm nhiệm vụ câu móc chân ngựa của phía kỵ binh trên chiến trường. Ngoài ra, người sử dụng kích có thể dùng cán của nó để tấn công đối phương, tấn công bằng phần lưỡi phẳng để kẻ địch ngã khỏi ngựa.
Cuộc đời của Lã Bố và Phương Thiên Họa Kích
Theo ghi chép của "Đãng Khấu chí", Phương Thiên Họa Kích của Lã Bố nặng khoảng 20kg. Phần đầu của loại vũ khí này có mức sát thương rất lớn khi đâm trực diện về phía đối phương.
Theo ghi chép trong "Tam Quốc chí", "Ngụy Thư", ngay từ khi còn nhỏ, Lã Bố đã là một đứa trẻ có sức mạnh phi thường, võ nghệ cao cường và rất hiếu thắng. Lã Bố được gia đình cho học cả cầm, kỳ, thi, thư và luyện võ. Nhưng ông có sở thích với cung tên, đao kiếm...
Trong khi đó, theo Tam Quốc diễn nghĩa, Lữ Bố đươc mô tả là đánh bại đại lực sĩ giỏi nhất của dòng tộc khi mới 11 tuổi. Lớn lên thì vô cùng dũng mãnh khi đối đầu với vạn quân địch mà không hề mảy may run sợ, thậm chí từng một mình chấp cả ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.
Từ những ghi chép trong lịch sử và các câu chuyện dân gian, có thể thấy tài năng và sức mạnh phi thường của mãnh tướng này.
Tuy nhiên, trong cuộc đời tranh hùng thiên hạ, dù dũng mãnh nhưng đáng tiếc Lã Bố không có tầm nhìn chiến lược, tráo trở và còn mang danh vong ơn phụ nghĩa khi quay lưng với nhiều người như Đinh Nguyên, Đổng Trác... nên cuối cùng bị Tào Tháo đánh bại và mất mạng.
Nhiều người vẫn nghi ngờ sự tồn tại của Phương Thiên Họa Kích, nhưng thú thật loại vũ khí được ví như bảo bối này thực sự là mảnh ghép bất ly thân cho Lã Bố trong Tam Quốc diễn nghĩa.
Theo Dân Việt