Chiến tranh bất đối xứng, hay Chiến tranh phi đối xứng là một chiến lược trong nghệ thuật quân sự, là chiến lược sử dụng các trang bị, vũ khí, phương tiện và các phương pháp quân sự một cách có hiệu quả nhằm chống lại, phòng thủ, làm giảm hiệu quả các thiết bị, trang bị, phương pháp tổ chức, chiến lược quân sự của đối phương có trang bị, vũ khí, phương tiện, kĩ thuật, số lượng quân sự vượt trội. Phương thức này thường áp dụng cho các nước nghèo, yếu hơn về tiềm lực kinh tế, kĩ thuật, quân sự, chưa có khả năng đối địch trực tiếp với đối phương.

Ảnh: Đội Du kích Ba Tơ tại căn cứ Nước Sung tháng 5/1945.
Trong chiến tranh hiện đại, giai đoạn chuẩn bị cho chiến tranh, chiến lược Chiến tranh bất đối xứng được thể hiện qua việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất, sử dụng các thiết bị, trang bị, vũ khí, kĩ thuật làm giảm hiệu quả, chống lại các thiết bị, trang bị, vũ khí kĩ thuật hiện đại của đối phương, như: Các thiết bị làm nhiễm, các thiết bị làm mù, lệch hướng điều kiển; trang bị các vũ khí loại nhỏ, rẻ tiền nhưng có khả năng tiêu diệt, phá hủy các thiết bị đắt tiền hiện đại (ví dụ như tên lửa chống tăng để diệt xe tăng, tên lửa chống tàu để diệt tàu chiến...); các vũ khí sinh hóa học có mục tiêu phòng thủ, chống xâm nhập. Nghiên cứu, áp dụng các phương pháp tác chiến hiệu quả đối với các thiết bị, vũ khí, kĩ thuật, trang bị hiện đại của đối phương. Tăng cường khả năng răn đe đối với kẻ thù.
Trong giai đoạn tiến hành chiến tranh, chiến tranh bất đối xứng bản chất là chiến tranh du kích. Bên chủ động áp dụng chiến tranh bất đối xứng tránh đối đầu trực tiếp, hạn chế các cuộc tấn công quy mô lớn, quân số nhiều, chiến trường rộng, mà chỉ tổ chức các cuộc tấn công nhỏ, với không gian chiến trường hẹp, quân số ít và thời gian hạn chế, đánh nhanh rút nhanh, với mục đích chính là tiêu hao sinh lực địch.
Là một quốc gia nhỏ, trong toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc, Việt Nam đã rất nhiều lần phải đối mặt với những đế quốc xâm lăng giàu mạnh hơn, tới mức tinh thần chống xâm lăng đã trở thành truyền thống dân tộc. Kinh nghiệm, các kỹ năng tiến hành chiến tranh vệ quốc, cụ thể là chiến tranh du kích đã trở thành nghệ thuật quân sự. Ví dụ như thời nhà Trần, vó ngựa của quân Mông Cổ đã làm cho châu Âu khiếp sợ, nhưng chúng đã thất bại khi tới Việt Nam. Vua tôi nhà Trần khi đó đã tiến hành chiến tranh du kích, rút lui về những vùng hiểm trở để bảo toàn lực lượng, sử dụng chiến thuật “vườn không, nhà trống”, phát động những trận đánh bất ngờ, đánh vào chỗ yếu, tránh chỗ mạnh, tiêu hao quân địch, phát huy được ưu thế về thủy chiến, làm cho quân địch phải bao phen khốn đốn. Tương tự như thế, nhiều triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc đã có những cuộc chiến tranh vệ quốc làm nên những chiến công vang dội bằng lối đánh du kích.
Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh du kích, một hình thái cơ bản của chiến tranh nhân dân đã được đúc kết trở thành nghệ thuật quân sự và phát huy hiệu quả cao độ. Trước tính hiệu quả của nghệ thuật quân sự độc đáo này, rất nhiều nước trên thế giới đã học hỏi, áp dụng kiểu tiến hành chiến tranh du kích của Việt Nam một cách có hiệu qủa.
Nghệ thuật lãnh đạo, tổ chức chiến tranh du kích của Việt Nam được phát triển lên đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðiều này được khẳng định cụ thể trong Nghị quyết Ðại hội lần thứ IV của Ðảng: "kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng". "Nhìn chung, chiến tranh du kích có nhiệm vụ thực hiện việc tiêu hao rộng rãi quân địch về chiến lược, giữ vững lực lượng của nhân dân và do đó làm suy sụp ngụy quân, ngụy quyền từ cơ sở, kìm chế giam giữ lực lượng của địch, buộc chúng ngày càng phải đi vào phân tán, bị động, làm giảm sút nghiêm trọng lực lượng cơ động của địch và sức tấn công của chúng... Chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị phối hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, đều có tác dụng quyết định đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng".
Và chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh dấu bằng ngày 30/4/1975 chính là kết quả của nghệ thuật quân sự độc đáo này của Việt Nam.