Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 và mất năm 1822, là con gái của cụ đồ Hồ Phi Diễn (1704 - 1786), một người con của làng Quỳnh Đôi, nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Dù xuất thân từ xứ Nghệ, Hồ Xuân Hương lại trưởng thành trên đất Thăng Long. Tại đây, bà đã tiếp thu và hòa quyện những tinh hoa văn hóa của hai vùng đất lớn. Chất khảng khái, cương trực của xứ Nghệ cùng sự mềm mại, tinh tế của Kinh Bắc đã tạo nên một nữ sĩ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, sâu sắc và nhân văn.
Nữ sĩ duy nhất được UNESCO vinh danh
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 và mất năm 1822, là con gái của cụ đồ Hồ Phi Diễn (1704 - 1786), một người con của làng Quỳnh Đôi, nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Dù xuất thân từ xứ Nghệ, Hồ Xuân Hương lại trưởng thành trên đất Thăng Long. Tại đây, bà đã tiếp thu và hòa quyện những tinh hoa văn hóa của hai vùng đất lớn. Chất khảng khái, cương trực của xứ Nghệ cùng sự mềm mại, tinh tế của Kinh Bắc đã tạo nên một nữ sĩ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, sâu sắc và nhân văn.
Có nhiều ghi chép và nghiên cứu khác nhau về sự nghiệp sáng tác của bà. Trước đây, các nhà nghiên cứu văn học sử cho rằng Hồ Xuân Hương sống và sáng tác vào nửa cuối thế kỷ XVIII, chủ yếu dưới thời Tây Sơn. Tuy nhiên, một số tài liệu mới phát hiện cho thấy bà chủ yếu sáng tác dưới triều Nguyễn, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX.
|
Ảnh minh họa. |
Trước kia, Hồ Xuân Hương được biết đến là tác giả của những bài thơ Nôm độc đáo và đặc sắc. Tuy nhiên, theo phát hiện công bố năm 1964 của nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại, bà không chỉ sáng tác thơ Nôm mà còn viết cả thơ chữ Hán. Tập thơ "Lưu Hương ký" của bà là một tác phẩm kết hợp cả hai ngôn ngữ, tạo nên một áng thơ vừa chữ Hán vừa chữ Nôm.
Hồ Xuân Hương nổi tiếng với trí thông minh xuất chúng nhưng không được học hành nhiều và cuộc đời tình duyên của bà lại gặp nhiều trắc trở. Theo truyền thuyết, bà từng trải qua hai cuộc hôn nhân. Theo học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), trong một bài viết công bố trên Tập san Khoa học Xã hội, Paris, số 12/1983, bà từng làm vợ Trần Phúc Hiển, con trai một công thần nhà Nguyễn, khi ông giữ chức Tham hiệp trấn Yên Quảng từ khoảng năm 1815 đến 1818, trước đó ông từng làm Tri phủ Vĩnh Tường.
Hồ Xuân Hương cũng là nữ sĩ duy nhất trong số bảy danh nhân văn hóa Việt Nam từng được UNESCO vinh danh. Đại hội đồng UNESCO đã thống nhất kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của bà, khẳng định giá trị văn học nghệ thuật cùng tư tưởng về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ mà bà để lại. Hồ Xuân Hương xứng đáng là một danh nhân văn hóa toàn cầu, một thi hào có tầm vóc lớn. Những đóng góp của bà về tư tưởng giải phóng con người, đặc biệt là phụ nữ trong thời đại phong kiến, được coi là tiên phong và có giá trị vượt thời gian.
‘Ngôi sao lạ’ của văn học Trung đại Việt Nam
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được coi là một "ngôi sao lạ", một thiên tài hiếm hoi trong văn học Trung đại Việt Nam. Cái đẹp trong thơ của bà tựa như một đặc quyền của phụ nữ, bởi khi nói đến phụ nữ là nói đến cái đẹp. Hồ Xuân Hương khẳng định vẻ đẹp toàn diện của người phụ nữ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong thơ bà, khát vọng được sống là chính mình, được công nhận vẻ đẹp và tài năng của mình, hiện rõ qua những câu thơ táo bạo và chân thực: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn" (Bánh trôi nước), "Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/Chị cũng xinh mà em cũng xinh... Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh" (Tố nữ). Hồ Xuân Hương không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của nữ giới như một sản phẩm của tạo hóa mà còn thể hiện tinh thần phản kháng, chống lại những quan điểm phong kiến. Vì lẽ đó, bà được ví như tác giả Phục Hưng của văn học Việt Nam thời Trung đại.
Sáng tác của Hồ Xuân Hương được lưu truyền đến nay thông qua hai nguồn chính. Đầu tiên, hơn 50 bài thơ Nôm của bà đã được truyền tụng từ thời bà còn sống, với nhiều dị bản khác nhau, được chép hoặc khắc in bằng chữ Nôm. Thứ hai là nguồn còn lại trong thư tịch cũ mà tác giả Trần Thanh Mại đã phát hiện, chủ yếu là tập thơ Lưu Hương ký - được chép chung với nhiều văn bản khác trong tập Du Hương Tích động ký. Tập thơ gồm 24 bài thơ chữ Hán và 26 bài thơ chữ Nôm.
Tuy nhiên, do tồn tại qua nhiều thế hệ bằng hình thức truyền miệng, các bài thơ của Hồ Xuân Hương đã trải qua nhiều biến đổi, khác xa so với nguyên bản ban đầu. Trong quá trình truyền tụng, việc thêm bớt từ ngữ là điều không tránh khỏi, khiến cho việc khôi phục lại nguyên bản trở nên khó khăn do quá nhiều dị bản xuất hiện. Thêm vào đó, một số bản gốc đã thất lạc hoặc bị lẫn lộn với tác phẩm của những người khác.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương không chỉ được đánh giá cao tại Việt Nam mà còn nhận được sự ngưỡng mộ quốc tế. Rabindranath Tagore từng ca ngợi bà, và sau này, nhà thơ nổi tiếng người Pháp Jan Rixtal cũng tôn vinh bà trong lời tựa của bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp, coi bà là “một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam và không thể nghi ngờ, là một trong những nữ sĩ hàng đầu của châu Á”.
Tính đến năm 2021, thơ của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 13 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Trong đó, tiếng Việt qua thơ của bà trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật đa nghĩa, đầy hàm ý, sắc sảo, độc đáo và tài hoa, thách thức không nhỏ đối với các “tài tử” và “văn nhân” đương đại khi chuyển ngữ tác phẩm của bà sang tiếng nước ngoài.
Theo Chất lượng và Cuộc sống