Ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, trong các triều đại phong kiến, thái giám là những người giúp việc không thể thiếu trong cung cấm. Trước khi được tuyển vào cung, các vị thái giám - còn được gọi là hoạn quan - là những người đàn ông tự nguyện “thiến” (hoạn) hoặc họ là những người bẩm sinh đã không phải là nam và cũng không phải là nữ. Họ thường sinh hoạt trong Đại nội, nhất là trong Tử cấm thành. Họ làm những việc hầu hạ, phục vụ nhà vua, đặc biệt là liên hệ với các cung phi mỹ nữ. Một số khác được cử lên các lăng tẩm để hầu hạ các vương phi đang chịu tang. Rất ít thái giám trở thành trụ cột triều đình như Lê Văn Duyệt.
Các thái giám có cách ăn mặc với y phục riêng và theo quy định của từng triều đại để dễ phân biệt với văn võ bá quan triều đình. Thường thường họ mặc áo xám hoặc áo xanh có một bông hoa ở trước ngực (gọi là bào thụ) bên ngoài khoác áo quốc thụ. Mũ đội của các quan thái giám cũng khác các quan. Vì cơ thể không như bình thường, nên giọng nói, dáng điệu, cử chỉ, tính tình của họ cũng đổi khác. Bước chân họ đi thoăn thoắt, giọng nói mang âm sắc như phụ nữ. Có nhiều người thì gầy như bộ xương khô, nhưng lại cũng có người mập phù nhưng da thịt thì nhão nhoẹt.
Trong lịch sử phong kiến ở Trung Quốc ngày xưa đã xảy ra chuyện do tuyển chọn không kỹ, nên cũng có một vài thái giám... dỏm. Nghĩa là những vị thái giám này vẫn còn khả năng... truyền giống! Vì vậy mà sinh ra nhiều chuyện gian dâm trong thâm cung bí sử. Ví như chuyện thái giám Lao Ái với thái hậu Triệu Cơ - mẹ của Tần Doanh Chính, tức vua Tần Thủy Hoàng vào thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Giai thoại về các vị quan thái giám ngày xưa thì ở nước nào cũng có. Ví như ở nước ta vào thời nhà Nguyễn có chuyện kể về quan Thái giám Lê Văn Duyệt như sau: Khi đang làm Tả quân thời vua Gia Long, một hôm Lê Văn Duyệt được mời đến xem diễn tuồng, trên sân khấu có hai tên hề đang bông lơn với nhau. Tên này đố tên kia: Ta đố mi, vật gì vừa đực lại vừa cái?
Nghe thế Lê Văn Duyệt nghĩ là nó lỡm mình là một hoạn quan, ông bèn sai tên lính cầm gươm nhảy lên sân khấu nạt rằng: Nếu mi không giải được câu đố thì sẽ bị chém đầu.
Thế nhưng tên hề vẫn tỏ ra bình tĩnh và bông lơn tiếp: Ta đố dễ thế mà mi không trả lời được à? Nó là “con thằn lằn” vừa con, vừa thằng, rứa không phải là vừa đực vừa cái là chi nữa (Vì giọng của người Huế khi nói chữ “thằn” nghe giống như “thằng”).
Nghe vậy, Tả quân Lê Văn Duyệt phì cười mà tha tội.
Các vị thái giám đều ái nam ái nữ, nhưng họ vẫn có những tình cảm yêu thương như mọi người. Họ vẫn có ý thức về nỗi cô đơn, cô độc trong đời, nhất là khi nghĩ về già thiếu người bạn đời bên cạnh. Vì vậy, cũng có những đôi “uyên ương thái giám” để bầu bạn tâm sự, hoặc họ xin con nuôi để mai sau có người phụng thờ hương khói. Tả quân Lê Văn Duyệt khi còn tại vị đã nhận một người làm con nuôi là Lê Văn Khôi.
Lời bàn:
Mặc dù văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa có rất nhiều tương đồng, tương cận nhưng tại Việt Nam hầu như ít có những thái giám khuynh loát triều chính như ở Trung Quốc ngày xưa, trái lại còn có khá nhiều danh thần xuất thân từ hàng yêm hoạn. Người hoạn quan thứ nhất nổi danh trong lịch sử Việt Nam là Đại tướng quân Lý Thường Kiệt đời nhà Lý với chiến công “phá Tống bình Chiêm”. Người thứ hai cũng rất tiếng tăm đó là Hắc nha tướng công Hoàng Ngũ Phúc làm quan dưới đời vua Lê Hiển Tông. Người thứ ba là Tả quân Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, là bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Và còn rất nhiều người khác, như: Triều quan hành khiển Phạm Ứng Mộng, Thiếu bảo Trần Hùng Thao, Thái giám nhạc quận công Bùi Sỹ Lân, Hiệp quận công Hoàng Công Phụ, Khê trung hầu Chu Xuân Hán... Họ đều là những người tài giỏi, vừa là trung thần vừa là những người yêu nước thương dân và có công với xã tắc.
Thế mới hay rằng, đã là con người sinh ra trên cõi đời này, nếu ai biết sống vượt lên hoàn cảnh, biết trọng lẽ phải và đạo lý ở đời thì ắt sẽ thành công. Vẫn biết thái giám là sản phẩm vô lý, hà khắc và vô cùng ích kỷ của chế độ phong kiến. Song, cuộc đời và sự nghiệp của những danh thần kể trên đáng để hậu thế phải suy ngẫm với câu hỏi: Tại sao trong hoàn cảnh và cuộc sống như vậy, nhưng họ vẫn trở thành danh tướng, danh nhân để lại tiếng thơm đến hôm nay và mai sau?
Theo Kim Ngọc/Báo Bình Phước