Hòn đảo Reunion thuộc Pháp dường như là miền đất hứa của những vĩ nhân sa cơ, như Said-Ali, Quốc vương của đảo quốc Comoros, Nữ hoàng Ranavalo của Madagasgar và gần đây nhất là 2 vị Cựu hoàng An Nam là Thành Thái và Duy Tân, hiện đang sống tại thủ đo St Denis.
|
Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, tức Cựu hoàng Duy Tân, trong căn nhà đơn sơ của mình (Ảnh tư liệu) |
Tôi vốn đã rất tò mò muốn tìm hiểu thêm về đời sống của họ. Ai mà ngờ được công việc nhà báo đã cho tôi cơ hội được trực tiếp gặp cả 2 người họ.
Vị trí đảo Reunion (chấm đỏ phần bản đồ lớn) và thành phố St Denis, nơi 2 vị Cựu hoàng của Việt Nam sinh sống
Vị Hoàng tử "cái gì cũng biết làm"
Một buổi tối khi trở về từ chuyến đi dài mệt mỏi, tôi bị cuốn hút bởi dàn nhạc của Hội người yêu nhạc đang tập luyện vở kịch Peer Gynt trong sảnh khách sạn Hotel de ville. Sau một hồi chăm chú thưởng thức, tôi chú ý đến người đứng cạnh, một người đàn ông gốc Á thanh lịch. Người này sau đó bước lên sân khấu, trò chuyện thân mật với các nhạc công.
Tò mò, tôi nói:
"Anh thích âm nhạc của Grieg, Monsieur à?
"Tôi rất thích", anh ta trả lời. "Bản thân tôi có chơi đàn violin và cũng là thành viên của dàn nhạc này đấy".
"Ồ vậy sao? Vậy chắc anh thuộc vở Peer Gynt kỹ lắm nên mới thấy không cần phải tham dự buổi tập tối nay", tôi hỏi vặn.
"À không, tôi thường tham dự các buổi tập rất chuyên cần, nhưng Chủ nhật tuần trước tôi bị ngã khi tham gia một cuộc đua ngựa. Nhìn này, tôi phải băng bó kín cả tay phải".
"Ồ, tôi xin lỗi, vậy anh vừa là một nhạc công, vừa là một nài ngựa".
"Tôi còn là nhiếp ảnh gia, đoạt giải thưởng của Hội khoa học nghệ thuật. Nhà soạn nhạc yêu thích của tôi là Beethoven, Saint Saens và Gounod. Tôi cũng thích lái xe ô tô nữa".
Ngày càng sửng sốt, tôi tiếp tục nói chuyện với người đàn ông này, người mà dường như việc gì cũng biết làm. Sự tò mò của tôi được giải đáp lúc chúng tôi ra khỏi khách sạn và trao đổi với nhau danh thiếp của mình.
"Hoàng tử An Nam Vĩnh San", tấp danh thiếp đề.
"Ôi lạy chúa", tôi reo lên. "Tôi đang tự hỏi rằng liệu có thể tới thăm ngài được không thì hôm nay lại tình cờ có vinh dự được gặp ngài ở đây".
Một cách rất lịch sự, Cựu hoàng Duy Tân - được biết đến ở Reunion với tên gọi Hoàng tử Vĩnh Sa, cho tôi một cuộc hẹn tại nhà riêng ngay sáng hôm sau.
Không nguôi nỗi nhớ quê nhà
Sáng ngày hôm sau, tôi tới nơi hẹn. Đó là một căn nhà gỗ cấp bốn, có khoảng sân nhỏ xinh nằm trên đường Conseil, quận St Denis - nơi tập trung giới bình dân.
Đón tiếp tôi tại cửa là Hoàng tử Vĩnh San, người nhỏ nhắn, da ngăm đen, mái tóc đen chải chuốt cẩn thận. Ông mặc một chiếc áo khoác màu xám hợp thời trang, tiếp đón tôi một cách thân mật, với nụ cười trên môi.
|
Cựu hoàng Duy Tân trong bộ âu phục trước cửa ngôi nhà riêng của mình (Ảnh tư liệu) |
Hoàng tử Vĩnh San dẫn tôi đi thăm thú căn nhà của mình. Nó chỉ có 3 căn phòng nhỏ nhắn. Ở căn phòng đầu tiên có một chiếc bàn đầy giấy tờ và đồ vật lộn xộn, một chiếc ghế ọp ẹp. Ở căn phòng thứ hai là đầy rẫy những tấm ảnh được để bừa bộn. Căn phòng thứ 3 được chiếm dụng hoàn toàn bởi 2 chiếc giường ngủ.
Trong lúc tôi lắp đặt, tinh chỉnh máy ảnh của mình, Hoàng tử kể cho tôi nghe chuyện đời mình bằng thứ giọng Pháp chuẩn mực nhất có thể:
"Thời gian lên ngôi và trị vì từ năm 1907 đến năm 1916 là quãng đời đẹp nhất của tôi. Sau đó tôi được tiếp cận bởi một số thành viên từ một tổ chức của thanh niên An Nam (Việt Nam Quang Phục Hội), thuyết phục tôi lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 3/5/1916, tôi rời kinh thành Huế để tham gia khởi nghĩa. Mọi chuyện sau đó nhanh chóng bị lộ, và chắc ông cũng biết về chuyện không may đó rồi. Tôi không cần nói thêm nữa".
Tiếp đó Hoàng tử kể về quãng đời lưu vong tại Reunion:
"Tôi tới Pointe des Galets (nằm ở Tây Bắc đảo Reunion) vào ngày 20/11/1916, sau hành trình 17 ngày đêm không ngừng nghỉ.
Vào lúc đó, tôi mới chỉ 19 tuổi. Tôi hoàn toàn mất phương hướng và ban đầu còn gặp khó khăn từ cả việc làm quen với thời tiết ở đây. Tôi thường xuyên bị đau ốm và từng 3 lần bị sốt rét đến tiểu ra máu.
Phải nói rằng tôi rất cảm ơn những người quen biết của mình và cư dân đảo Reunion, họ luôn dành sự quan tâm cho tôi.
Tôi không thể phàn nàn gì về đất nước đáng ngưỡng mộ này cả. Tôi đã đi thăm viếng hầu hết các thắng cảnh trên đảo. Tuy nhiên chúng không thể làm tôi nguôi nỗi nhớ An Nam.
Với chút tiền hỗ trợ ít ỏi từ Toàn quyền Đông Dương, tôi sống như thế này đây, rất đơn sơ, với anh trai tôi, Hoàng tử Vĩnh Chương. Vì lý do cá nhân, tôi không liên lạc với người chú của mình, Cựu hoàng Thành Thái(1).
Tôi đi làm nài ngựa cũng cốt để kiếm thêm chút thu nhập. Ít nhất thì nó cũng giúp tôi có đủ tiền mua chiếc xe hơi nhỏ mà ông đã chụp hình.
Mặc dù vậy, mong ước tha thiết nhất của tôi vẫn là được tới sống ở Paris, Pháp, nơi duy nhất tôi có thể thực sự thưởng thức niềm đam mê của mình với âm nhạc và văn chương".
Sau cùng, vị Cựu hoàng An Nam đưa cho tôi xem một quyển sách mà ông là tác giả, tựa đề "Trois nouvelles", xuất bản tại St Denis năm 1922. Cuốn sách là tuyển tập 2 truyện ngắn và một truyện tiếu lâm có 2 hồi.
Cựu hoàng Thành Thái: Cao ngạo và đầy tự tôn
Kết thúc cuộc hẹn ngắn ngủi với Hoàng tử Vĩnh San, tôi lên đường tìm gặp vị Cựu hoàng còn lại của An Nam đang sống tại Reunion, Cựu hoàng Thành Thái.
Trái với người cháu của mình, Thành Thái không sống chan hòa và được người dân địa phương biết đến nhiều. Khi tôi tìm nhà ông theo địa chỉ được cho, dường như không ai biết đến. Thấy một bé gái đang đứng bên đường, tôi vẫy hỏi:
"Bé ơi, cho bác hỏi nhà của Hoàng tử Bửu Lan với?".
"Ai thế ạ? Hoàng tử Bửu Lan là ai? Cháu không biết", cô bé đáp.
"À, chắc là bác tìm 'ông Vua Trung Hoa' đúng không ạ?", cô bé thốt lên sau giây lát suy nghĩ.
"Đúng, đúng là ông ấy, vị vua Trung Hoa".
"Nhưng nhà ông ấy không phải trên đường St Denis mà là đường Ste-Anne, nhà thứ 10. Ồ, mà ông ấy kìa, vị vua Trung Hoa!".
|
Vua Thành Thái trong bộ Hoàng bào (Ảnh tư liệu) |
Quay theo hướng nhìn của cô bé, tôi thấy một người đàn ông nhỏ con nhưng đậm người, mặc bộ đồ kaki và đội một chiếc mũ xám, đang đi chợ về, trên tay là một giỏ đầy hoa quả. Đi cạnh ông là một người phụ nữ An Nam xinh đẹp, duyên dáng trong tà áo dài vải ren màu đen và quần lụa trắng.
Một cách lịch sự, tôi tiến về phía họ và nhận thấy ông ấy nhìn mình bằng ánh mắt khó chịu, môi bặm lại. Tôi chưa kịp mở lời thì ông đã lên tiếng trước:
"Ông nhầm rồi! Tôi không phải là nhà vua An Nam đâu!".
"Tôi biết ngài không còn là nhà vua nữa", tôi nhẹ nhàng đáp.
Một người qua đường nghe thấy màn đối thoại kỳ lạ của chúng tôi, quay lại nhìn với ánh mắt đầy băn khoăn.
Có lẽ ông thấy niềm tự hào của mình bị tổn thương vì bị tôi bắt gặp trong bộ đồ tuềnh toàng, hay thậm chí ông muốn quãng đời còn lại của mình chìm trong bí mật, tước hiệu "vua Trung Hoa" - ra đời có lẽ vì thế. Ông không muốn hình ảnh của mình được công bố, ít nhất là trong trạng thái không mặc lễ phục khi ấy.
Ông trả lời tôi, giọng cộc cằn:
"Ông đừng tỏ ra ngạc nhiên thế chứ. Muốn gặp tôi thì buổi chiều quay lại".
"Chao ôi, tôi không thể rồi, tôi phải quay lại bến cảng sớm để đáp chuyền tàu tới Dumbea. Cháu trai của ngài, Hoàng tử Vĩnh San, rất hiểu điều này, ngài ấy đã rất vui vẻ cho tôi được chụp hình sáng nay", tôi đáp lai, tiếp tục giữ thái độ lễ độ của mình.
"À, nó hả, nó chỉ thích thế thôi, nhưng tôi...tôi không giống thế".
Điều bất ngờ đến khi tôi trao cho Cựu hoàng Thành Thái tấm danh thiếp làm bằng gỗ Nhật của mình, thái độ cao ngạo của ông bỗng chốc biến mất.
"Tấm danh thiếp của ông làm tại Nhật Bản! Vậy là ông biết nước đó à?", ông nói giọng đầy ngạc nhiên
"Vâng, tôi biết nước Nhật gần 20 năm nay, và rất yêu quý nước Nhật. Ngài cũng vậy sao?".
"Ồ, tôi đi hết cả trong Nam ngoài Bắc rồi, tôi đã tới đủ các thành phố lớn, Tokyo, Kyoto, Kobe. Tôi sống ở đó 3 năm trong vai trò đội trưởng đội kỵ binh!".
Cuộc trò truyện của chúng tôi nối dài ngay sau đó. tôi cùng với Cự hoàng Thành Thái chia sẻ cảm xúc về nước Nhật, chia sẻ những kỷ niệm về nơi ấy.
"Được", cuối cùng ông cũng chịu mềm giọng với tôi, "Bởi ông không thể quay lại, và vì tôi không muốn ông ra về tay trắng, chờ một lát, tôi sẽ tặng ông bức chân dung của mình".
Một lát sau đó, trong căn nhà của ông, tôi được đích thân ông trao tặng bức ảnh chụp ông trong bộ lễ phục An Nam truyền thống, với huân chương "Bắc đẩu Bội tinh" danh giá trên cổ.
Và chúng tôi giã từ nhau, như những người bạn tốt.
Tôi đã hy vọng rằng trong suốt cuộc trò chuyện vui vẻ, người bạn mới quen sẽ cho tôi được chụp hình ngay tại chỗ, nhưng ông lịch sự từ chối, nói rằng ông không cho phép ai làm như vậy.
Và bởi vì lý do đó, thưa các bạn, tôi không thể chia sẻ với các bạn bức ảnh về ngôi nhà của ông, Cựu hoàng Thành Thái!
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh