Nhân vật được nói đến ở đây là Nguyễn An (?-1456), người gốc Việt, một Thái giám triều Minh. Hành trình trở thành Thái giám và phục vụ trong cung đình triều Minh của ông xuất phát từ những biến động dữ dội của lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XV.
Ông được vua Minh Thành Tổ (trị vì 1402-1424) rất thưởng thức, theo tài năng mà xếp cho đảm nhận các công việc liên quan đến kiến trúc, xây dựng của triều đình.
Trổ tài nơi xứ người
Theo sử sách nhà Minh ghi lại, Nguyễn An đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, tu sửa kinh thành Bắc Kinh và công cuộc trị thuỷ đương thời. Những đóng góp ấy có thể tóm tắt như sau:
Tranh minh hoạ thái giám Nguyễn An - kiến trúc sư người Việt góp phần tạo nên Tử Cấm Thành. Ảnh: Sohu.
Thứ nhất, ông đã dự phần tích cực vào việc xây dựng kinh đô dưới thời Minh Thành Tổ. Sử nhà Minh viết rằng: Nguyễn An “phụng mệnh Thành Tổ xây dựng thành trì, cung điện và phủ thự trăm ty ở Bắc Kinh” (Minh sử). Kinh đô Bắc Kinh có từ thời Nguyên, đến thời Minh Thành Tổ đã cho xây dựng lại.Công việc kéo dài từ năm 1406 đến năm 1424 thì cơ bản hoàn thành. Nguyễn An là người mới đến mà đã được tin tưởng giao phó cho việc hệ trọng của vương triều, đủ thấy triều đình nhà Minh đã bị tài năng của ông chinh phục.
Thứ hai, ông là tổng công trình sư phụ trách việc mở mang, trùng tu thành Bắc Kinh dưới thời Minh Anh Tông (trị vì 1435-1449 và 1457-1464).Từ năm 1437, Minh Anh Tông nhận thấy kinh đô còn nhỏ hẹp nên muốn sửa sang và mở rộng thêm. Nhà vua giao toàn quyền cho Nguyễn An. Không phụ sự uỷ thác, Nguyễn An hăm hở bắt tay tiến hành, từ việc thiết kế chi tiết, tính toán nguyên vật liệu đến chỉ đạo thi công đều thân hành thực hiện. Những người dưới quyền chỉ việc nhất nhất thi hành.
Một quần thể cung điện với hai cung, ba điện, nha môn của 5 phủ 6 bộ, 9 cửa đã được tu bổ và tạo dựng. Nội thành xây dựng hai cung (Càn Thanh, Khôn Ninh), ba điện (Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân), năm phủ, sáu bộ và các công thự các ty. Ba điện là tiền thân của các điện Thái Hoà, Bảo Hoà và Trung Hoà ngày nay tại Cố cung Bắc Kinh (tức Tử Cấm Thành). Ngoại thành có cửa Chính Dương, cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triệu Dương, cửa Phụ Thành, cửa Đồng Trực, Tây Trực và cửa Đức Thắng. Cửa Chính Dương có một toà chính lâu và hai toà tả, hữu lâu. Các cửa khác đều có một chính lâu và một nguyệt thành lâu (lầu thành phụ).
Cùng với các công trình xây dựng ấy còn phải đào một hệ thống hào xây gạch thoát nước, làm chín chiếc cầu đá qua hào dẫn vào thành. Các tường thành trước kia mới chỉ được xây gạch ở mặt ngoài, bên trong vẫn đắp bằng đất, thì đến nay đã được xây gạch cả mặt trong. Với thành quả đạt được, Nguyễn An được vua Minh đặc biệt coi trọng, tán dương và ban thưởng hậu hĩnh.
Sơ đồ Tử Cấm Thành Bắc Kinh ngày nay. Trục trung tâm thẳng hướng với Ngọ Môn là các điện Thái Hoà, Trung Hoà, Bảo Hoà và hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh.
Thứ ba, ông còn có công lớn trong việc giúp dân trị thuỷ. Năm 1444, mưa lớn kéo dài khiến đê sông Bồ Cầu bị vỡ hơn 20 chỗ. Nguyễn An và một vị quan trong bộ Công được cử đi chỉ huy việc hàn khẩu. Vài năm sau, ông lại được giao đi xây dựng công trình trị thuỷ trên sông Tái Dương. Ngoài việc đưa ra các mẫu mực tính toán chi tiết khiến bên dưới cứ theo đó mà làm, ông còn tự mình cuốc đất, gánh đất, kéo xích sắt… cùng với dân phu. Bởi vậy, ông được dân phu và nhân dân hết sức quý trọng.Những việc làm của ông trực tiếp đem lại lợi ích cho hàng vạn nhân dân đương thời.
Năm 1456, sông Hoàng Hà xảy ra lũ lụt lớn. Đê bị vỡ. Nguyễn An được phái đi chỉ đạo việc tu sửa. Nhưng chưa kịp đến nơi thì ông mất trên đường đi. Do không rõ năm sinh nên chưa biết khi mất, ông hưởng thọ bao nhiêu tuổi.
Tiếng thơm truyền hậu thế
Nguyễn An không còn nhưng nhân cách và công trạng của ông vẫn mãi được truyền tụng. Ông là một hoạn quan tốt, sống thanh bạch, giản dị, ngày thường không quan tâm đến việc tích luỹ tài sản, khi sắp mất cũng chỉ mong muốn dùng số của cải có được cả đời để cứu giúp nạn dân.
Ông được sử sách các đời đánh giá cao và rất mực ngợi khen.
Sách Minh sử thiết hoạn quan, quyển 3 có đoạn viết: “Có người tên Nguyễn An, có tiếng là thanh bạch, trung thực, được vua yêu mến hơn mọi người. Việc thảo sang Yên Đô của vua (Thành Tổ) là chỉ dùng kế hoạch của Nguyễn An. Ông Nguyễn An giỏi về công trình kiến trúc. Các kiểu mẫu chính của hai cung, ba điện, các nhà, các ty ở phủ bộ thành Bắc Kinh của ông An làm ra cả. Các quan ở bộ Công đều không thể thay đổi được, chỉ việc khoanh tay chịu theo kiểu mẫu đã vạch ra sẵn mà làm theo. Các thứ được vua ban thưởng từ trước tới sau rất nhiều, đều đem góp vào công trình kiến trúc. Của riêng không quá 10 đồng tiền vàng”.
Năm 1947, trên tờ Ích Thế báo có đăng bài viết nhan đề "Thị dân Bắc Kinh nên nên kỉ niệm Nguyễn An, người An Nam, Thái giám nhà Minh – Tổng công trình sư tạo dựng cung điện lầu thành Bắc Kinh thế kỉ XV", tác giả bài viết nhấn mạnh nhân dân Bắc Kinh cần phải nhớ ơn và kỉ niệm Nguyễn An: “Như vậy, đời Minh việc xây dựng Bắc Kinh đời Vĩnh Lạc là thời kì mở mang, quy chế còn nhiều khuyết lược, đến đời Chính Thống là thời kì hoàn thành. Trước sau chủ trì công việc từ đầu đến cuối đều là Nguyễn An, người cống hiến trọn đời cho Bắc Kinh… Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn không được một. Còn An hết lòng vì việc công, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không còn nén vàng trong túi, là một người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An cùng thời với Tam bảo Thái giám Trịnh Hoà ba lần sang Tây Dương (các nước Âu Mỹ), đều là những người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai mờ. Ngày nay tên Tam bảo Thái giám đàn bà, trẻ con đều tỏ tường, còn tên nhà đại kiến trúc Nguyễn An – A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay! Tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà 1 triệu 60 vạn thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỉ niệm, chớ quên”.
Năm 1950, nhà sử học Trương Tú Dân trong bài viết "Nguyễn An nhà kiến trúc thiên tài người Việt Nam đã tham gia công trình kiến thiết đại Bắc Kinh dưới thời Minh" đăng trên Tiến bộ nhật báo đã ca ngợi rằng: “Ông Nguyễn An là người Việt Nam đã đem hết sức thông minh của mình để thâu thái lấy tinh hoa văn hoá Trung Quốc, tích cực phát triển tài năng, rồi lại đem tài năng ấy tận tuỵ với văn hoá Trung Quốc. Ông đã góp phần xây dựng đại thành Bắc Kinh. Cho đến ngày nay bất kì người ngoại quốc nào đã đặt chân lên Bắc Kinh không ai không hết sức ngắm nghía ngôi cổ thành ấy. Toàn thể toà thành vĩ đại và hùng tráng, lại còn lầu son gác tía, của đỏ ngói vàng, hết sức diễm lệ. Ai cũng phải tấm tắc khen ngợi: đó là đại quan của kiến trúc phương Đông… ta lại còn thấy rõ thêm, ngay từ thế kỉ XV, trình độ văn hoá của dân tộc Việt Nam, nhất là về phương diện kiến trúc đã phát triển đến một mức khá cao: Nguyễn An là một đại biểu đích đáng”.
Người xưa có câu: “Đem chuông đi đánh xứ người, Chẳng kêu cũng được một vài tiếng vang”. Ở đây, Nguyễn An dù bị thời thế đưa đẩy, phải sống tha hương trên đất Trung Hoa, nhưng đã biết dốc lòng phát huy tài năng thiên phú và cần mẫn, tận tuỵ thực hiện nhũng nhiệm vụ được giao. Tất cả đều làm lợi cho đất nước và nhân dân Trung Quốc thời bấy giờ. Ông không có điều kiện đem trí tuệ phục vụ nước nhà, nhưng tiếng chuông “tài năng” của ông thì vẫn luôn ngân vang trong sử sách Trung Hoa, khiến trí tuệ Việt được toả rạng nơi xứ người. Con dân nước Việt đời sau cũng vì thế mà thêm trân trọng và tự hào về cha ông. Tiếng thơm của Nguyễn An sẽ sống mãi cùng với dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thanh Tuyền