Những địa điểm du xuân, cầu may đầu năm lý tưởng gần Hà Nội

Google News

Du xuân là phong tục không thể bỏ qua vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong đó đi chùa đầu năm là hoạt động quan trọng trở thành một nét đẹp văn hoá được gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay.

Chùa Hương, Hà Nội
Chùa Hương ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong những chuyến trẩy hội chùa Hương có lịch sử hàng trăm năm, du khách thập phương thường đi đò xuôi dòng suối Yến để cảm nhận không gian thanh bình của miền đất Phật.
Nhung dia diem du xuan, cau may dau nam ly tuong gan Ha Noi
Lễ hội chùa Hương diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Hành hương đến vùng đất này trong những ngày đầu năm, du khách sẽ được lênh đênh trên dòng suối Yến thơ mộng, ngắm nhìn cảnh núi non trùng điệp với sắc xuân ngập tràn trong từng tán cây, ngọn cỏ. Giây phút ấy, tâm trí của bạn sẽ được gột rửa và trở nên thư thái lạ thường.
Ngoài cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, lý do khiến chùa Hương trở thành điểm hành hương nổi tiếng là bởi tương truyền, đây là nơi Quan Thế Âm Bồ Tát đã ứng hiện tu hành.
Đền Hùng, Phú Thọ
Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa thích hợp là địa điểm du xuân đầu năm. Đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!
Lễ hội chính của Đền Hùng (nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) là ngày 10/3 Âm lịch nhưng người dân đã đi lễ từ những ngày đầu năm mới. Nơi đây là cội nguồn của dân tộc Việt, là nơi các vua Hùng dựng nước.
Người dân đi lễ chùa không đơn thuần chỉ là cầu may, cầu lộc mà còn để du ngoạn, bỏ lại những bộn bề cuộc sống ở phía sau để tận hưởng nơi tĩnh mịch, linh thiêng trong tiết trời mùa xuân.
Đền Trần, Nam Định
Tọa lạc trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đền Trần năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn ngày Rằm tháng Giêng. Nhiều người tin rằng, có Ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp.
Nhung dia diem du xuan, cau may dau nam ly tuong gan Ha Noi-Hinh-2
Tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng Giêng. Vì vậy, hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được Ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm, người dân phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu.
Theo đó, lễ hội đền Trần sẽ được bắt đầu từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá, múa lân, biểu diễn võ thuật…
Chùa Yên Tử, Quảng Ninh
Chùa Yên Tử nằm trên ngọn núi Yên Tử, độ cao 1.068 m, thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Dưới thời vua Trần Nhân Tông, khoảng thế kỷ XIII, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên, với pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Nhung dia diem du xuan, cau may dau nam ly tuong gan Ha Noi-Hinh-3
Đỉnh thiêng Yên Tử xưa nay vẫn luôn nổi tiếng là một trong những khu du lịch tâm linh đẹp và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ sở hữu quần thể chùa chiền rộng lớn, linh thiêng. Mà còn khiến du khách phải mê đắm bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Chính vì vậy tọa độ này thu hút hàng nghìn du khách thập phương lại tìm về mỗi năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán.
Mặc dù có thể tham quan Yên Tử bất cứ lúc nào trong năm. Thế nhưng khoảng thời gian lý tưởng nhất để khám phá nơi đây là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là lúc tại Yên Tử diễn ra những lễ hội cực kỳ đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về tham quan, lễ bái.
Chùa Tam Chúc, Hà Nam
 
Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nằm tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km. Đây là một trong những địa điểm du xuân tâm linh thu hút rất nhiều khách đến tham quan, hành hương để xin tài lộc.
Nhung dia diem du xuan, cau may dau nam ly tuong gan Ha Noi-Hinh-4
Chùa Tam Chúc có vị trí rất đặc biệt, với mặt hướng hồ Lục Ngạn, lưng tựa núi Thất Tinh. Toàn thể Tam Chúc được bao quanh bởi những vùng núi đá vôi hùng vĩ khiến nơi đây lại càng trở nên trác tuyệt. Bởi vậy mỗi năm nhất là vào dịp Tết đến xuân về, Tam Chúc đón hàng nghìn du khách đến đây chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình và cầu may mắn, bình an.
Quần thể du lịch tâm linh chùa Tam Chúc rất rộng lớn, được chia làm 4 khu là Khu tiếp đón, Khu tâm linh và Khu trải nghiệm và Khu bảo tồn thiên nhiên. Cũng như các địa điểm tâm linh khác thời gian lý tưởng để đi vãn cảnh chùa Tam Chúc đẹp nhất là vào mùa thu và mùa xuân bởi khí hậu mát mẻ. Do đó, dịp Tết Nguyên đán 2023 này, chùa Tam Chúc là một địa điểm không nên bỏ lỡ.
Chùa Bái Đính, Ninh Bình
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính ở Gia Viễn - Ninh Bình. Chùa với nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam;
Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á; chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam; Khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam…
Nhung dia diem du xuan, cau may dau nam ly tuong gan Ha Noi-Hinh-5
Với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ, mang đậm bản sắc truyền thống, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của Ninh Bình. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.
Chùa Phật Tích, Bắc Ninh
Ngay gần Hà Nội, Bắc Ninh có rất nhiều ngôi chùa cổ là điểm đến yêu thích của du khách dịp đầu năm. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở đây là chùa Phật Tích ở huyện Tiên Du.
Nhung dia diem du xuan, cau may dau nam ly tuong gan Ha Noi-Hinh-6
Chùa Phật Tích tọa lạc trên bên sườn phía nam của núi Lạn Kha ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 15 km. Để di chuyển từ trung tâm Bắc Ninh đến chùa Phật Tích, bạn có thể đi theo lộ trình Lý Thái Tổ - Nguyễn Trãi - Quốc lộ 38 - đường 295 rồi đi thêm 7 km nữa sẽ tới chùa Phật Tích.
Trong chùa Phật tích có nhiều pho tượng cổ, trong đó tượng Phật A Di Đà làm bằng đá xanh nguyên khối, có niên đại từ thời nhà Lý, được coi là bảo vật.
Hội chính ở chùa Phật Tích diễn ra ngày 4 Tết hàng năm nhưng từ mùng 1, nơi đây đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, lễ bái. Đây là một trong những lễ hội xuân diễn ra với quy mô lớn và sớm nhất của tỉnh Bắc Ninh.
Theo Như Hoa/Suckhoedoisong