Đêm tân hôn, van lạy bố mẹ đừng bắt ngủ cùng với vợ
Đó là chuyện một cậu bé có tên là Ngọc - hiện thân của tác giả trong “Một đời trăn trở” (NXB Thanh niên 1993). 9 tuổi, cái lứa tuổi nơi làng quê vẫn còn tung tăng theo đám bạn chơi khăng, đánh đáo, thả diều… thì bất ngờ một sáng Ngọc “được bố mặc cho bộ quần áo mới để đi hỏi vợ. Một cô gái quê hơn mình 5 tuổi không hề quen biết. Tôi hoảng sợ toan chạy trốn nhưng bà ngoại đã kịp túm tay bảo cháu hãy... chịu khó lấy vợ. Lấy vợ để vợ về đỡ đần bố mẹ. Và tôi chỉ còn biết nghe lời”, nhà văn Trần Ngọc Lân bồi hồi nhớ lại.
|
Nhà văn Trần Ngọc Lân và người vợ tào khang của mình. Ảnh: NVCC. |
Ngày đón dâu, qua nửa chặng đường khá dài, Ngọc sụt sịt đòi ông anh hơn tuổi phải cõng, dọa không cõng... không đi lấy vợ. Khi “cô dâu” về đến nhà, chú rể còn lăn ra đất ăn vạ vì đòi được chơi cái bong bóng lợn của thằng em. Đã thế lại còn bắn một mũi tên tre làm ông chú họ bị chảy máu đầu rồi trốn biệt, mặc cô dâu một mình làm lễ “tơ hồng”. “Đặc biệt nhất là đêm tân hôn chú rể van lạy bố mẹ đừng bắt ngủ cùng giường với vợ vì … “eo ơi con sợ…”, ông Lân kể.
Những năm tháng đói nghèo khủng khiếp của năm Ất Dậu cùng bao hoàn cảnh bất ngờ xô đẩy buộc Ngọc phải xa gia đình, xa người vợ “bất đắc dĩ” trôi giạt vào xứ Huế. Hoà bình 1954, Ngọc vượt tuyến ra Bắc. Sau bao biến cố thăng trầm, những trải nghiệm cuộc đời cay đắng…cậu bé Ngọc năm nào đã trở thành một nhà nhiếp ảnh, một nhà báo đa tài.
Trên một công trường xây dựng Lạng Sơn, anh đã gặp Ngần, một nữ sinh 18 tuổi gốc Hà Nội xinh đẹp, tràn đầy sức sống. Tuổi trẻ cùng với sự đồng điệu về tâm hồn, chí hướng đã nhanh chóng đưa hai người đến với nhau trong mối tình mãnh liệt.
Nhà văn Trần Ngọc Lân bồi hồi: “Tôi cứ ngỡ đã bị vĩnh viễn thui chột tình yêu từ khi tuổi còn lên 9. Nhưng không ngờ đất trời đã đền bù cho tôi một tình cảm vô cùng trân trọng đó là Ngần. Nhưng đồng thời một câu hỏi lớn đặt ra trước mắt: Vậy còn Xuân, người vợ “tảo hôn” chưa từng một lần chung chăn gối do cha mẹ ép buộc, phải làm sao đây?”.
Tấm lòng nhân hậu của “duyên chị tình em”
Sau rất nhiều trăn trở, chàng trai Ngọc quyết định trở về thăm gia đình cùng lá đơn ly hôn viết sẵn. Nhưng một điều khiến kế hoạch của anh đảo lộn, đó là Xuân, “đã chính thức là một thành viên cùng chia ngọt sẻ bùi, đói no ấm lạnh với gia đình nhà bố mẹ chồng trong suốt 15 năm trời anh vắng mặt. Tất cả từ họ hàng đến xóm làng không hề nửa lời chê trách”.
Trong đầu anh lúc đó có suy nghĩ rằng, giá như Xuân xấu, Xuân bị gia đình anh ghét bỏ thì việc ly hôn của anh chẳng có gì trở ngại. Nhưng đằng này với gia đình anh, Xuân thập phần toàn vẹn, đã dốc lòng hy sinh, hiếu thảo... Là người biết suy nghĩ trước sau anh sao nỡ dằn lòng dứt bỏ… Lại nữa, nếu từ bỏ người vợ đã hết lòng vì gia đình mình để lấy Ngần, liệu Ngần có được sự hy sinh chịu đựng như Xuân?
|
Nhân vật Ngần thời trẻ. Ảnh: NVCC. |
Và thế là chàng trai Ngọc đã lựa lời giãi bày hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của mình với người yêu, để cầu mong duy trì một tình bạn chân thành. Còn với Xuân, người vợ so với Ngọc thua thiệt nhiều bề, Ngọc đành dựa vào hình ảnh và tình cảm của Ngần ở nơi xa...“để bù lại những mất mát, những thiệt thòi chênh lệch…nhằm sưởi ấm con tim”.
Tôi hỏi ông, sống cùng một người chồng “đồng sàng dị mộng” vậy người vợ không ghen sao, ông trầm ngâm: “Sau khi tôi lấy vợ, Ngần bùi ngùi, thất vọng rồi “lỡ bước sang ngang”, chúng tôi xa nhau từ đó. Xuân dù biết chồng ngày đêm thương nhớ một người vẫn không hề trách móc, hờn giận vì coi đó chỉ như mơ của những giấc mơ”.
Nhưng không ngờ, sau 10 năm cách biệt chẳng hiểu duyên trời đưa đẩy thế nào Ngọc và Ngần gặp lại”. Điều đó khiến cho Xuân rất khổ tâm, và không tránh được sự bất bình vì người đàn bà thứ hai kia bấy lâu những tưởng ở một nơi rất xa mà nay bỗng dưng xuất hiện.
Tuy nhiên vì muốn giữ uy tín cho chồng, sự êm ấm cho đàn con, đặc biệt với tấm lòng hy sinh nhân hậu Xuân đã coi Ngần như một đứa em gái nghèo nàn tội nghiệp đã chịu nhiều bất hạnh (Ngần lúc đó đã ly hôn và không có con). Xuân cũng cầu mong Ngần có một đứa con với người chồng hợp pháp của mình.
Ông Lân kể: “Chính sự nhân hậu, tấm lòng bao dung tuyệt vời ấy của Xuân đã khiến Ngần cảm động, tự nhận ra rằng “trong tình yêu không nên có kẻ thứ ba”. Ngần nghẹn ngào nói với tôi: Giá như chị Xuân cứ lồng lộn đánh ghen thì em cũng sẵn sàng nghênh chiến để độc chiếm người thương”. Ngần đã buông “vũ khí” vô điều kiện, và ngậm ngùi thấy mình quá mức tầm thường, chỉ như sợi dây của cây tầm gửi. Và Ngần đã dằn lòng từ biệt Ngọc.
Còn với Ngọc, khi anh quyết định ở lại với cuộc hôn nhân chỉ là vì tình thương, chữ nghĩa với người vợ đã trót trao gửi cả tuổi trẻ, số phận cho mình. Nhưng dần dần, cách cư xử, những phẩm chất đáng quý ở vợ, đặc biệt là sau những năm tháng cùng vợ chia ngọt sẻ bùi, vượt qua trăm ngàn khó khăn đã làm ông nảy sinh tình cảm với người bạn đời gừng cay muối mặn. Nhà văn gọi đó là thứ tình cảm của “chữ thương hòa quyện chữ yêu”, lặng lẽ mà đằm sâu, bền chặt. Đặc biệt, ngay cả Ngần, “tình địch” cũng phải thừa nhận vị trí không gì thay thế được của bà Xuân với “người thương” của mình.
Tôi có may mắn được gặp nhân vật Ngần trong một lần tới thăm nhà văn. Ở tuổi 70 bà vẫn giữ được nét xinh đẹp, duyên dáng. Ngắm nhìn bức ảnh bà Xuân quây quần cùng cháu con treo trên tường, môi bà Ngần thoáng nở nụ cười: “Trong cuộc đời tôi, nếu nói về cái nghĩa cái tình với anh Ngọc thì tôi không có gì đáng kể, mà phải là chị Xuân, người vợ tào khang anh luôn khẳng định: “Cả một đời thủy chung trăn trở, Tôi thành danh là bởi có bà”. Điều đó khiến tôi và anh, sau 40 năm gặp lại, dù chị ấy mất rồi thì thương nhớ có bất chợt hiện về, cũng chỉ là dĩ vãng mà thôi”.
Nhà văn, nhà báo Trần Ngọc Lân quê gốc Hà Nam - được độc giả biết đến qua nhiều đầu sách viết về đề tài gia đình. Trong đó cuốn “Một đời trăn trở” được coi là tác phẩm tự truyện, được đánh giá cao, tái bản tới lần thứ 6.
Mời quý độc giả xem video: Nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Lù chơi đàn tính. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan