TS Phan Thanh Hải: Tết là bản sắc… nhất định phải giữ

Google News

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế, Tết cổ truyền không chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ, mà là văn hóa, chu trình, vòng quay của tự nhiên... để mỗi người nhìn nhận lại chính mình, gắn bó, sum vầy...

Có thể hòa nhập mọi thứ, nhưng văn hóa thì phải giữ
Với nhiều người Việt Nam, Tết cổ truyền mang một ý nghĩa đặc biệt, thiêng liêng. Tuy nhiên, không ít người lại sợ Tết, ngại Tết, cho rằng việc ăn Tết â, đã không còn phù hợp. Suy nghĩ của ông thế nào, thưa TS Phan Thanh Hải?
TS Phan Thanh Hai: Tet la ban sac… nhat dinh phai giu
 TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế. Ảnh: Mai Loan.
Theo tôi, cần phải giữ Tết cổ truyền, bởi nó là kết tinh của văn hóa truyền thống. Cuộc đời của con người luôn luôn có những vòng quay, như sinh lão, bệnh, tử… còn Tết là chu trình, vòng quay của tự nhiên, đồng thời cũng là chu trình sinh học của con người.
Sau một năm, mỗi người cần có sự nhìn nhận lại, xem chúng ta đã làm được gì, chuẩn bị được cho năm tới thế nào… Tết không đơn giản chỉ là một kỳ nghỉ ngơi, mà còn có ý nghĩa đặc biệt như thế.
Còn một điều nữa, Tết là dịp để sum vầy, gắt kết mối quan hệ của cộng đồng, gia đình, dòng tộc. Điều này hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Bởi nếu không có sự gắn kết, mọi mối quan hệ sẽ dần dần tách rời.
Liệu chúng ta có nên chuyển sang ăn Tết Dương lịch như một số nước, nhất là khi Tết Tây cũng vẫn giữ được ý nghĩa đoàn viên, chu trình sinh học, tự nhiên... mà lại hội nhập với thế giới, thưa ông?
Tôi cho rằng, những người nào đề xuất bỏ Tết cổ truyền là không hiểu gì về văn hóa và rất sai lầm. Người ta có thể hòa nhập mọi cái, nhưng riêng văn hóa thì phải giữ bản sắc. Cũng giống như trang phục, tại sao Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế lại chủ trương mặc áo dài, khôi phục quốc phục dân tộc? Bởi vì chúng ta càng hội nhập, lại càng cần phải có cái riêng trong nhận diện.
Tết cũng thế. Nhưng Tết còn có cấp độ cao hơn rất nhiều, bởi nó là biểu trưng văn hóa của một dân tộc. Nếu chúng ta bỏ cái Tết cổ truyền để ăn Tết Dương lịch thì sẽ mất đi cái riêng của chính mình, hòa tan, không có ý nghĩa.
Ngoài ra, Tết cổ truyền còn gắn với hoa đào, hoa mai, mưa xuân… những thay đổi của thời tiết phù hợp với chu trình sinh học của con người, mang tính triết lý sâu xa. Nếu chúng ta ăn Tết Dương lịch thì sẽ không có điều đó.
Có thể thay đổi theo quy luật tự nhiên, nhưng cái gì cần giữ phải giữ
Ngày nay, nhiều phong tục, lễ nghi đã thay đổi. Chẳng hạn, trong dịp Tết, không ít gia đình đã chọn đi du lịch thay vì ở nhà… Dù không muốn, nhưng quy luật phát triển vẫn tự điều chỉnh những gì phù hợp, kể cả văn hóa, thưa ông?
TS Phan Thanh Hai: Tet la ban sac… nhat dinh phai giu-Hinh-2
 TheoTS Phan Thanh Hải, những thứ thuộc về bản sắc văn hóa thì nhất định phải giữ. Ảnh: NVCC.
Mọi cái đều có thể biến đổi theo quy luật phát triển. Nhưng cần phải tinh tường nhìn ra, cái gì cần phải giữ, cái gì có thể điều chỉnh. Như Tết cổ truyền, gắn với hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh tét… là những cái thuộc về bản sắc văn hóa của Việt Nam. Là bản sắc thì nhất định phải giữ.
Còn việc có thể cùng nhau đi chơi, đi du lịch, chứ không nhất thiết phải ở nhà tất cả các ngày Tết… thì có thể tùy hoàn cảnh mà thích nghi cho phù hợp.
Trong ký ức của ông, điều nào khiến ông nhớ nhất khi nghĩ về Tết?
Tết ở Huế thì có cái rất nhiều cái đáng nhớ với nhiều phong tục đẹp. Một trong những điều tôi nhớ nhất về Tết là sự sum họp: những bữa cơm đông đủ cả nhà, không khí rộn ràng, náo nức trước Tết khi cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa, dựng cây nêu, chuẩn bị các món ăn…
Cả năm mỗi người một công việc, đi tha hương, chỉ có Tết mới trở về họp mặt. Nó đem lại cảm giác về sự ấm áp của tình cảm gia đình và ý thức về nguồn cội. Tôi cho rằng, đây vẫn là điều rất cần đối với con người Việt Nam hiện đại.
Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối trước những vẻ đẹp của Tết xưa – cái Tết truyền thống chỉ cách đây vài chục năm còn in đậm nhiều nét văn hóa đẹp. Ông có buồn, tiếc trước những thay đổi của Tết hiện đại?
Đúng là so với thời tôi còn nhỏ, Tết đã thay đổi rất nhiều. Nhưng là một người học sử, tôi hiểu quy luật phát triển, sự vận động của lịch sử, và biết rằng, với những thứ không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, thì có tiếc cũng không thể níu kéo được. Tuy nhiên, bên cạnh việc chấp nhận quy luật khách quan, thì chúng ta cần phải có những chính sách định hướng về văn hóa, điều này rất quan trọng.
TS Phan Thanh Hai: Tet la ban sac… nhat dinh phai giu-Hinh-3
Nấu bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Mai Loan. 
Chẳng hạn, cách đây nhiều năm, khi cấm đột pháo, cũng có nhiều ý kiến cho rằng sẽ làm mất đi một đặc trưng của Tết cổ truyền, rất là buồn. Nhưng rồi cũng quen dần, và ủng hộ… Hay có những quy định nghiêm ngặt về uống rượu bia khi tham gia giao thông… Còn với những phong tục đẹp như nấu bánh chưng, bánh tét thì cần phải giữ.
Nhưng giữ như thế nào, cũng là vấn đề đáng bàn, thưa ông?
Đúng vậy. Tôi không hiểu vì sao cứ phải làm những kỷ lục như bánh chưng to nhất mà không tổ chức lại các cuộc thi nấu bánh chưng như thời vua Hùng ngày xưa, điều đó rất ý nghĩa. Bởi nó gợi nhắc nguồn cội, làm cho mọi người nhớ tới tổ tiên mình…
Phục dựng lại văn hóa Huế, con người Huế
Ở cương vị là người đứng đầu ngành văn hóa của tỉnh, ông có những định hướng văn hóa như thế nào?
Chúng tôi sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có tuyên truyền cho người dân về truyền thống văn hóa của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, hiện nay Sở VHTT&DL đang phối hợp với Hội Khoa học lịch sử thực hiện một đề tài về văn hóa Huế, con người Huế. Theo đó, sẽ nghiên cứu và xác định rõ, những gì là đặc trưng, bản sắc thì giữ gìn, bảo tồn, cái gì có thể điều chỉnh, loại bỏ.
Cùng với việc triển khai đề tài này, chúng tôi cũng đồng thời đề xuất với chính quyền tỉnh, thành phố và các ngành phục hồi lại việc dựng cây nêu ngày Tết. Hiện nay, việc dựng cây nêu đã lan tỏa tới hệ thống chùa của Huế và rất nhiều gia đình cũng bắt đầu khôi phục lại phong tục này.
TS Phan Thanh Hai: Tet la ban sac… nhat dinh phai giu-Hinh-4
 Tác giả và nhân vật.
Việc này rất nhỏ, đơn giản nhưng lại rất đẹp, ý nghĩa. Trẻ em, người lớn khi nghe kể lại câu chuyện về dựng nêu, sẽ ý thức về truyền thống văn hóa, gắn kết mối quan hệ cộng đồng.
Còn một việc nữa, đó là chúng tôi chủ trương phục hồi áo dài truyền thống, áo dài ngũ thân Huế và đang được người dân ủng hộ. Đó chính là định hướng văn hóa.
Còn trong gia đình, ông dạy các con thế nào về truyền thống?
Hai con tôi đi học ở nước ngoài, cháu nào cũng mang theo mấy bộ áo dài, để khi tham gia các buổi giao lưu, các diễn đàn, vẫn thể hiện rằng "tôi là người Việt Nam". Ngoài ra, các cháu cũng được dạy nấu một số món ăn của Việt Nam, nhất là những cái món gắn liền với ngày Tết.
Đặc biệt, các con tôi đều được kể câu chuyện về gia đình, gốc gác, về ông bà, cha mẹ... Những câu chuyện đó thấm dần vào trong tâm hồn, suy nghĩ của các con, sau này các con lại truyền lại cho thế hệ tương lai. Tôi cho rằng, mỗi gia đình có ý thức giữ gìn văn hóa, thì sẽ có cộng đồng văn hóa.
Nhìn rộng ra các nước, họ làm thế nào, thưa ông?
Ngày nay, thế giới hội nhập, có điều kiện tiếp xúc, đi nhiều nơi, nhiều người cho rằng, những gì gắn với phương Tây thường văn minh hơn, muốn học theo. Nhưng rồi, khi đất nước phát triển, đến một lúc nào đó, ta sẽ thấy hẫng hụt khi mất hết các cái giá trị truyền thống.
Câu chuyện của người Nhật là một bài học điển hình. Nhật là một dân tộc rất văn minh, hiện đại, nhưng họ từng có giai đoạn sai lầm, giờ đã quay lại giữ các giá trị truyền thống, 
Có rất nhiều vấn đề về văn hóa mà khi càng hội nhập chúng ta càng thấy sự cần thiết, sâu sắc của nó.
Có một thời kỳ chúng ta gần như là chối bỏ và đã thấy sự khủng hoảng rất lớn về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội. Giờ là lúc chúng ta cần phải nhận diện rõ và quay trở lại. Làm được điều đó, chúng ta sẽ vững vàng khi hội nhập, không lo bị hòa tan, và đủ sức mạnh và năng lực để tiếp thu những tinh hoa của nhân loại.
Trân trọng cảm ơn ông!

Tôi nhớ có lần Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói rằng, bây giờ nông thôn phát triển hơn, nhưng con người dường như lại xa nhau hơn. Tôi thấy điều đó đúng. Người ta xa nhau khi những giá trị cố kết, cộng đồng, làng xóm không còn. Giờ phải khôi phục điều đó. Và vai trò của định hướng văn hóa rất quan trọng.

 
Mời quý độc giả xem video: TS Phan Thanh Hải, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế chia sẻ về "Tết xưa". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan (thực hiện)