Nghệ nhân Lâm Văn Lù: Người giữ hồn cho điệu xòe trên “Cao nguyên trắng”

Google News

“Không xòe lúa không thành bông, không xòe ngô không ra bắp…”, nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Lù vừa hát, vừa chơi đàn tính say sưa. Hơn 70 năm qua ông đã góp phần giữ hồn cho các điệu xòe trên “Cao nguyên trắng”.

Không xòe quả ngô không sai, lúa không sai…
“Muốn uống rượu ngon thì về Bản Phố. Muốn ăn thắng cố ngon đi chợ Bắc Hà. Muốn xem xòe đẹp thì về Tà Chải, lần theo câu nói của người Bắc Hà, chúng tôi đến thăm nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Lù trong một chiều giá lạnh.
Nghe nhan Lam Van Lu: Nguoi giu hon cho dieu xoe tren “Cao nguyen trang”
 Nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Lù đã có hơn 70 năm gắn bó với cây đàn tính và những điệu xòe của người Tày Tà Chải. Ảnh: Mai Loan.
Ngoài vườn, những nụ hoa mận mới còn đang he hé trên những cành cây khẳng khiu, nhưng bên sườn đồi, đây đó sắc đào đã bung nở thắm. Trong căn nhà sàn gỗ, nghệ nhân Lâm Văn Lù giở cho chúng tôi xem những tấm ảnh gắn với đàn tính, xòe then, say mê nói về mùa xuân, về niềm đam mê của mình.
“15 tuổi tôi đã bắt đầu học chơi đàn tính. Năm nay tôi 86 tuổi, 70 năm gắn bó với cây đàn tính, tôi yêu tiếng đàn như tiếng của tổ tiên, ông bà mình. Cũng từng đó năm, tôi gắn bó với các điệu xòe”, nghệ nhân Lâm Văn Lù chia sẻ.
Nghệ nhân Lâm Văn Lù cho hay, nguồn gốc điệu xòe ở Bắc Hà có từ năm 1926. Khi đó, vua Mèo Hoàng Yến Chao cho con trai nuôi đón thầy từ cao nguyên Mộc Châu về Bắc Hà dạy các điệu xòe cho đội múa, mới đầu là để phục vụ gia đình thống lý và quan tây.
Nghe nhan Lam Van Lu: Nguoi giu hon cho dieu xoe tren “Cao nguyen trang”-Hinh-2
 Nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Lù chơi đàn tính bên hiên ngôi nhà sàn của mình. Ảnh: Mai Loan.
Nhưng rồi, điệu xòe đã vượt ra ngoài gia đình các quan, đến với người dân Tày Tà Chải. Người dân nơi đây đã cải tiến các điệu xòe, biến nó thành di sản văn hóa quý báu của vùng “Cao nguyên trắng” Bắc Hà.
Theo tư liệu nghiên cứu, xòe Tà Chải có 12 điệu, gồm 6 điệu xòe có nhạc đệm trống, chiêng và 6 điệu xòe nhạc đệm kèn, trống. Các điệu xòe có đệm trống, chiêng là tổ hợp của pa nhăm pa (bước dẫm bước), the hiếng hua (nghiêng đầu vai), tặp lăng (đập lưng), nhăm pa (dẫm bước), rộp bưng (dậm sàn), phật khẩu (đập lúa). Các điệu xòe có nhạc đệm kèn, trống là tổ hợp của the tối (xòe đôi), the xí căn (xòe bốn người), the mò pi-a (xòe mò cá), the khăn (xòe khăn), the chúp (xòe nón), the cơ (xòe cờ).
Nghe nhan Lam Van Lu: Nguoi giu hon cho dieu xoe tren “Cao nguyen trang”-Hinh-3
 Nhờ điệu xòe và cây đàn tính, ông đã gặp được người bạn đời của mình. Bà chia sẻ, rất mê tiếng đàn của ông. Ảnh: NVCC. 
Điểm đặc biệt của xòe Tà Chải so với xòe ở những nơi khác là nó vừa có nét phóng khoáng, dân dã của đồng bào vùng cao, vừa có chút nhẹ nhàng, lãng mạn của điệu Valse cổ điển của người Pháp.
Từ những điệu xòe cổ ban đầu, người Tày nơi đây lại tiếp tục sáng tạo nên những điệu xòe mới, như xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè, xòe mời rượu...
Ngay từ mùng 1 Tết âm lịch, mọi người đã bắt đầu các điệu xòe, cho đến tận tháng 2. Nếu đến Tà Chải vào dịp này, du khách sẽ được chứng kiến những điệu xòe dập dìu, rộn rã. Sau khi thầy cúng làm lễ cầu khấn, tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, nam nữ cùng nắm tay nhau, hoà mình vào những điệu xòe truyền thống trong tiếng đàn tính, tiếng kèn...
Giữa núi rừng bát ngát hương xuân, hoa mận, hoa mơ nở trắng, hoa đào hồng tươi như đôi má người con gái đương độ chín, những cái nắm tay thật chặt, bước chân thật dẻo, ánh mắt rạo rực trao nhau… tất cả đều như quyện hòa, cầu cho một mùa màng bội thu, cây lúa tốt tươi.
“Không xòe lúa không thành bông, không xòe lúa không ra bắp, không xòe hạt lúa không chắc, không xòe quả ngô không sai, lúa không sai, mận đào cũng không sai. Có xòe trời mới cho mưa, có xòe trời mới cho nắng, có xòe thì đất mới tốt, có xòe thì bông mới sai, cá đầy suối, gà đầy sân, chim thú cũng đầy rừng đấy”, nghệ nhân Lâm Văn Lù vừa đàn vừa hát bằng tiếng Tày, rồi dịch nghĩa sang tiếng Kinh, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Khó nhất là tình yêu…
Trong các điệu xòe của người Tày, xòe then luôn có mặt trong những ngày lễ hội, ngày trọng đại. Xòe then thể hiện sức mạnh tập thể, sự gắn kết cộng đồng của người Tày Tà Chải.
Nghe nhan Lam Van Lu: Nguoi giu hon cho dieu xoe tren “Cao nguyen trang”-Hinh-4
 Ngoài đàn tính, nghệ nhân Lâm Văn Lù còn chơi được các nhạc cụ khác. Ảnh: NVCC. 
Gắn với xòe then, là âm thanh rộn ràng của cây đàn tính. Chỉ với một cây đàn tính, người chơi đàn đã có thể tạo nên những giai điệu náo nức, khỏe khoắn, khi dồn dập, mạnh mẽ, dứt khoát, khi bổng khi trầm dìu dặt làm thổn thức biết bao trái tim các cô gái, chàng trai. Đây cũng là đặc trưng của xòe then người Tày so với xòe của người Thái.
Ngoài xòe then, cây đàn tính cũng gắn với những điệu múa dân gian. Những chàng trai tay chơi đàn, chân bước đi những bước dứt khoát mà uyển chuyển. Ngay cả khi lăn, tay người múa vẫn ung dung gẩy đàn, đầu và đàn không được chạm đất. Vẻ đẹp của điệu múa là sự căng tràn sức trẻ, sức xuân.
Nghệ nhân Lâm Văn Lù cho hay, cho đến giờ, ông vẫn còn giữ được 3 cây đàn tính. Ông cũng đã tặng cho nhiều những nghệ nhân ở nhiều vùng cây đàn này để mong bản sắc dân tộc được giữ gìn.
Tất cả những đàn tính đều do ông tự làm. Để làm được được cây đàn tính, phải chọn quả bầu to, tròn.
“Đây là loại bầu đắng, không ăn được, chỉ dùng làm đàn và muôi múc nước. Để làm được một cây đàn tính tốt phải học, có sự am hiểu, nhưng khó nhất vẫn là tình yêu. Không có tình yêu với đàn, với xòe thì không thể làm được đàn”, nghệ nhân Lâm Văn Lù chia sẻ.
Nghe nhan Lam Van Lu: Nguoi giu hon cho dieu xoe tren “Cao nguyen trang”-Hinh-5
 Ông Lâm Văn Lù được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ảnh: Mai Loan. 

Nghe nhan Lam Van Lu: Nguoi giu hon cho dieu xoe tren “Cao nguyen trang”-Hinh-6
 Bằng khen của tỉnh Lào Cai cho những thành tích xuất sắc. Ảnh: Mai Loan.
Nghệ nhân Lâm Văn Lù cho hay, đã có những lúc các điệu xòe ở đây tưởng như bị mai một. Nhiều năm nay, ông đã truyền dạy những điệu xòe cho lớp trẻ. Điều quan trọng nhất là làm sao để các thế hệ nối tiếp hiểu được giá trị, và có được tình yêu với điệu xòe của dân tộc mình. Từ đó, mới có thể giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xòe của người Tày Tà Chải này.

Tháng 3/2015, nghệ thuật xòe của người Tày Tà Chải đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, vinh dự của người dân nơi đây, và cũng là nét đẹp, hấp dẫn mời du khách đến với mảnh đất “Cao nguyên trắng” tươi đẹp này.

Mời quý độc giả xem video: Nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Lù chơi đàn tính. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.



Mai Loan