Đền Thần Đồng Hà Nội – (tên khởi nguyên là Sơn Thần Đồng Cổ) hiện tọa lạc tại 353 đường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ. Sử cũ ghi vị trí này xưa kia là bên hữu trong Đại thành, sau chùa Thánh Thọ, về sau dân đến ở đông đúc thành làng Đông Xã nay là cụm 4, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Nhà nước, trong đền có thờ vật linh Thần Đồng.
Hội thề Trung hiếu
Đền Thần Đồng và Hội thề Trung hiếu do vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) đặt ra cho các quan đại thần trong triều nhà Lý. Theo lệ đó, ngày nay hằng năm vào ngày (4/4 âm lịch) nhân dân địa phương làng Đông Xã, tức cụm 4, phường Bưởi tổ chức lễ kỷ niệm để tưởng nhớ ngày Hội thề của các triều đại ở Thăng Long xưa.
Trước khi vào lễ tế, một vị trong Ban tổ chức đọc lời thề xưa: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh chu diệt". Tất cả đám hội hô: "Chu diệt" ba lần. Không khí của Hội thề nghiêm trang thành kính, linh thiêng khí thế. Sau phần tế, các dòng họ và các đoàn thể vào dâng hương trước linh vị Thần miếu, nguyện giữ trọn lời thề trung hiếu như người xưa. Lễ hội kéo dài hết ngày 4/4 âm lịch.
Đền được trùng tu lại năm 1952 và năm 2010 nhân đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội thành phố cho tu tạo lại đền với nhà Đại bái và nhà Hậu cung, trước có sân tế, mỗi bên sân có nhà dọc (6 gian) đón khách, đền hướng về phía Bắc. Khuôn viên của đền ngày xưa rất rộng, nay bị lấn chiếm còn lại khiêm tốn.
Lịch sử đền Thần Đồng được các thư tịch của ta ghi lại khá đầy đủ. Sách Việt điện u linh, của Lý Tế Xuyên ghi như sau: “Lý Thái Tông khi còn là thái tử (Phật Mã), phụng mạng vua cha là Thái Tổ đem binh đi dẹp loạn ở phía Nam (1020), đến Trường Châu đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, trong cõi mông lung, Thái tử chợt thấy một dị nhân, thân cao 8 thước, mày râu cứng nhọn, mặc chiến bào, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử sang đánh Phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc, lập chút công nhỏ”. Thái tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh dậy luôn. Hôm sau tiến quân đến đất Chiêm, trận ấy quả nhiên đại thắng. Khi khải hoàn về qua Trường Châu, Thái tử bèn sai quân sửa sang lại miếu, lễ tạ, rồi xin rước thần vị về kinh đô thờ, để làm vị thần giữ nước hộ dân.
Ở kinh đô, đang chọn đất khắp ngoại thành, chưa biết nên lập đền chỗ nào cho tốt lành thì đến đêm, Thái tử lại thấy thần báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong (1) tức là ngôi đền hiện nay.
Thần Đồng Cổ báo mộng cho nhà vua
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm Mậu Thìn (1028) Tiên đế Lý Thái Tổ băng hà, thái tử Phật Mã lên ngôi, tức là Vua Lý Thái Tông, nhân việc mới lên ngôi xuống chiếu phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ. Trước đó là việc trước khi ba vương định làm phản cướp ngôi, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba Vương: Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh sắp làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy vua liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm, cuộc biến đã được dẹp. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty tu sửa lại đền, vua phong cho thần là Minh chủ Chiêu cảm Bảo hựu Đại vưởng và tổ chức Hội thề Trung hiếu cho các quan đại thần trong triều.
Theo lệ, đến ngày đó: Đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo trước thần vị, đọc lời thề rằng: Làm con bất hiếu làm tôi bất trung xin thần minh giết chết. Các quan từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường vào ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch; trong ngày Hội thề ở đền thần Đồng Cổ trai gái kinh thành đi xem chật cả đường (2).
Sang đời Trần, vua Trần Thái Tông (1226 - 1258), năm Đinh Hợi [Kiến Trung] năm thứ 3 (1227), tuyên bố: Các điều khoản về lễ Minh thệ ở đền thần Đồng Cổ vẫn theo như lệ cũ của triều Lý. Nghi thức lễ đó như sau:
Hằng năm vào ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch, tể tướng và trăm quan đến trước cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần Đồng Cổ họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiềm chính tuyên đọc lời thề: Làm tôi tận trung,làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Hội thề Trung hiếu ở đền thần Đồng Cổ kéo dài đến khi nhà Minh sang xâm lược nước ta mới ngừng hoạt động.
Phải chăng, từ xa xưa thời Hùng Vương vật linh này được phát tán hoặc chuyển mẫu sang đúc ở các nước (Đông Nam Á) cổ, kể cả vùng Lưỡng Quảng của Trung Quốc ngày nay? Nhưng chỉ vùng Lưỡng Quảng coi nó là trống đồng đưa ra biểu diễn, còn các nước Đông Nam Á, theo sách Lịch sử nghiên cứu trống đồng ở châu Âu của nhà Bác học Pháp L. Bezacier (1972) thì các nước Đông Nam Á đều đặt vật linh này thờ chung trong các đền (Bản dịch Tạp chí Khảo cổ học, số 20 - 1974). Riêng nước ta, từ thời Hùng Vương đã lập đền thờ Ngài trên núi Khả Lao, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và tên ban đầu là Thần Đồng (xem bài Ý nghĩa hoa văn “Thần Đồng” Ngọc Lũ Báo KH&ĐS, số 122 Thứ 6 - 10/10/2014).
Giá trị của Thần Đồng trong truyền thống dân tộc
Thần Đồng, vị Thần linh thiêng từng giúp tướng lĩnh và phò vua ở ngoài mặt trận, còn ở trong nội cung thần thường báo mộng cho nhà vua biết để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước. Cho nên chỉ nước ta mới có đền thờ vị thần này và cũng vì thế, mà chỉ ở nước ta mới có loại cổ vật nhỏ gọi là minh khí làm Bùa hộ mệnh đeo vào cổ, hoặc để đầu giường nằm.
Một hiện vật biểu tượng văn hóa mà bốn lần thay đổi tên: Từ “Thần Đồng”, đổi thành “đồng cổ”, rồi “Thần Đồng Cổ” và “trống đồng”: Mỗi tên gọi như thế là thể hiện sự ứng xử của xã hội đối với hiện vật biểu tượng ấy. Đó là nền chính trị mỗi giai đoạn của tên gọi đó.
Khi gọi “Thần Đồng” là vật linh Ấn tín của thời đại Hùng Vương - Âu Lạc. Khi gọi “đồng cổ” là ngàn năm Bắc thuộc, kẻ đô hộ đã biến “Thần Đồng” Ấn tín thành thứ nhạc cụ, cho vùng Lưỡng Quảng biểu diễn là nhằm đánh mất tính tâm linh của hiện vật Ấn tín, vì đất nước của chúng ta đã bị họ cai trị.
Khi gọi “Thần Đồng Cổ” là thời kỳ dân tộc ta giành lại được quyền tự chủ - thế kỷ thứ X, Nhà nước tự chủ phục hồi lại vị trí “thần linh” cho Thần Đồng, coi đó là vị thần bảo quốc hộ dân - vị “Thần” chứng giám Hội thề Trung hiếu của các quan đại thần của Triều đình Thăng Long.
Khi gọi “trống đồng” là thời kỳ thập kỷ 60 của thế kỷ XX giai đoạn “bao cấp”, mang tư tưởng vô thần, chỉ nói hiện thực, nên bỏ chữ “thần” trong thần Đồng Cổ, chỉ còn “đồng cổ” dịch là “trống đồng”. Đã trống là đánh, kèn là thổi, đem nó ra giã là vỡ mặt, bị các nhà khoa học phê phán. Nên chúng tôi đề xuất phục hồi lại tên khởi nguồn là “Thần Đồng”.
Thần Đồng Ngọc Lũ - hiện vật văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia từ: Văn Lang - Âu Lạc - Đại Cồ Việt - Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam dân chủ cộng hòa - Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là kiệt tác có một không hai của nhân loại cần được tôn vinh.
Nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn
Nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn (nhà nghiên cứu Dân tộc học Âm nhạc)