Thần Đồng (trống đồng) của Việt Nam khởi nguyên là vật linh (ấn tín) hay nhạc khí? Để trả lời được câu hỏi này, cần làm rõ một số vấn đề sau: Về nguyên tắc thì hợp kim của một loại nhạc khí là phải có 17% kim loại thiếc và không có kim loại chì: Thiếc có âm thanh đẹp, trong cứng, còn chì sẽ làm câm tiếng. Do đó, hợp kim đồng thau đúc Thần Đồng của Việt Nam kim loại thiếc chỉ có 0,5% tạo độ cứng, còn kim loại chì đến 25% - chì làm câm tiếng lại, nhưng chì mềm điền đầy các họa tiết hoa văn. Vậy Thần Đồng của Việt Nam không phải loại nhạc khí mà là Ấn tín của thời đại Hùng Vương.
Vật linh ấn tín biểu tượng vương quyền
Mỗi dân tộc trong thời tiền sử thường có một vật linh biểu tượng quyền uy của vị đứng đầu một tôn giáo hoặc tù trưởng: Có tộc, vật linh là chiếc gậy, có tộc vật linh là chiếc mũ. Vật linh ấy nếu kèm theo một câu Thần chú thì tạo nên sự linh nghiệm vô song như chiếc “Gậy”, cái “Nón” của Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Về sau chiếc gậy, cái nón ấy là cây Vương trượng và chiếc mũ Niệm: Khi bị lột mũ Niệm, cất cây Vương trượng thì người đó không còn uy quyền gì nữa. Đó là giá trị của vật linh biểu chương Vương quyền.
Đến thời cổ đại, có tổ chức Nhà nước thì xuất hiện loại vật linh Ấn tín của nhà vua như Đỉnh đồng của nhà Thương Trung Quốc và Thần Đồng - Ngọc Lũ của vua Hùng nhà nước Văn Lang. Đến thời đại có chữ viết thì vật linh của các tôn giáo là Sử thi nói về lịch sử của tôn giáo đó, như đạo Phật có Kinh Phật, đạo Cơ Đốc có Kinh Thánh, đạo Hồi có Kinh Koran...
Sự ra đời của mỗi loại vật linh ấy là kết tinh – hệ quy chiếu về nền văn hóa tư tưởng của mỗi Tôn giáo và Nhà nước đó. Đặc biệt, hoa văn Thần Đồng - Ngọc Lũ từ thời chưa có chữ viết, bằng những ký hiệu mật mã tạo nên bản Sử thi của dân tộc Kinh - Giao Chỉ biểu đạt về khởi nguyên và tiến trình vòng đời của con người: Đồng thời qua đó, mà hình dung về lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc từ khởi thủy cho đến ngày vua Hùng tuyên bố thành lập nước Văn Lang (xem bài Ý nghĩa hoa văn “Thần Đồng” Ngọc Lũ Báo KH&ĐS số 122 - Thứ 6 (10/10/2014).
Vào thời đại Hùng Vương, khi đội ngũ các “nhà khoa học”: Phù thủy, chiêm tinh, thầy bói phục vụ trong triều đình Văn Lang đã hoàn thành sứ mệnh, đúc vật linh Ngọc Lũ: Một hiện vật biểu tượng văn hóa mang tính quốc gia - kiệt tác có một không hai của nhân loại – hiện vật tâm linh, gọi là hèm. Hèm là từ khóa; kiêng dè, cấm kỵ, húy tiếng quốc tế gọi là Tapu, tiếng Thái ở Tây Bắc gọi là căm dam: linh thiêng, huyền bí, bí hiểm, điều không được nói ra động đến thánh thần, không phải dễ, ai cũng biết, muốn biết phải thông qua thần chú của thầy mo - khi đúc xong vật linh thì có lễ “hô thần nhập tượng” nên vật linh đã trở thành “thần”.
Vì thế, vật hèm Thần Đồng Ngọc Lũ đó là biểu tượng quyền uy, Ấn tín và là báu vật truyền ngôi của thời đại Hùng Vương. Tương truyền, trong những lần Vua Hùng cầm quân đi dẹp loạn bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của nước Văn Lang, Thần Đồng đã hiện hình giúp nhà Vua thắng trận. Vì vậy, vua Hùng đã phong cho Thần là Đại vương, và lập đền thờ Ngài trên núi Khả Lao, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - còn gọi là “núi Thần Đồng” - nơi tìm ra kim loại đồng đầu tiên.
Kẻ thù thay đổi tên của ấn tín
Người xưa cho rằng, cống nạp Ấn tín là tỏ lòng thuần phục, dùng sức mạnh đánh cướp Ấn tín là nước đó không còn Vua – mất Chủ, hoặc thay đổi tên của Ấn tín thì dù cư dân của nước đó có chôn giấu Ấn tín thì cũng không còn giá trị nữa. Vì thế, Mã Viện trong lần đưa quân sang Giao Chỉ đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 - 43) biết giá trị của Ấn tín cho nên y gọi là “đồng cổ” – (trống đồng) thứ nhạc cụ. Chủ trương thâm hiểm đó của kẻ thù đã được chúng thực hiện thành công. Về sau này, khi chúng ta đào được Thần Đồng thì đều gọi là “đồng cổ” (trống đồng) thứ nhạc cụ, chứ không ai nghĩ đó là Ấn tín của thời đại Hùng Vương nữa.
Tuy nhiên, để thực hiện được ý đồ xóa tinh thần Ấn tín, kẻ thù còn phải dùng một loạt biện pháp tiến hành triệt để nữa - tức là trong một ngàn năm Bắc thuộc, giới thống trị đã cho viết trên 40 đầu sách rêu rao, quảng bá thứ đồng cổ - trống đồng, và cho dân vùng Lưỡng Quảng biểu diễn tiết mục đánh trống đồng, nhưng phải kiên trì, lâu dài. Bởi lẽ, khi gọi hiện vật “đồng cổ” - (trống đồng) của Giao Chỉ là thứ nhạc cụ là mới mẻ quá, chưa đi vào nhận thức của cư dân ở vùng đó, cho nên nhà hào trưởng khi đúc trống đồng xong không dùng dùi đánh thử, để nghe tiếng kêu mà đặt trống đồng giữa sân, mở tiệc rượu mời đồng loại đến mừng. Người đến chật nhà, con trai con gái nhà hào phú dùng vàng bạc đúc thành thoa (hoa tai) dùng thoa gõ vào trống đồng rồi để lại cho nhà chủ - chỉ dùng thoa “gõ” thôi chứ không dùng dùi đánh thử (sách Quảng Châu ký của Bùi Thị khoảng năm 420 - 488). Phải đến sách Cựu Đường thư (940 - 946) mới xuất hiện việc đánh trống đồng và coi đó là một nhạc cụ. Từ giữa thế kỷ thứ X trở đi vùng Lưỡng Quảng mới chính thức đánh trống đồng thành tiết mục biểu diễn.
Nghĩa là kể từ khi Mã Viện gọi thứ vật linh hèm Ấn tín của người Kinh - Giao Chỉ là “đồng cổ” thứ nhạc cụ thì sau 900 năm, sử của Trung Quốc mới chính thức gọi thứ vật linh hèm ấy là thứ nhạc cụ, đưa ra hai tiêu chí về đánh trống đồng cho vùng Lưỡng Quảng thực hiện.
(còn tiếp)
GS H.Loofs - Wwiosowa người Australia, gốc Đức, từng ở trong đội quân viễn chinh Pháp có nhiều hiểu biết về văn hoá Việt Nam, với thuyết Biểu chương vương quyền coi Trống Đồng là vật tượng trưng cho quyền lực hợp pháp. Ông cho rằng, có một quyền uy tôn giáo tồn tại ở Bắc Việt Nam trong thời cổ, tương tự với quyền uy của giáo hoàng phương Tây. Theo ông các tù trưởng bộ lạc ở nhiều vùng Đông Nam Á đã cử sứ bộ đến Bắc Việt Nam để xin ban các Trống Đồng mà với chúng, họ có thể làm vua hợp pháp.
Nhạc sĩ, Nhà nghiên cứu Dân tộc học Âm nhạc Dương Đình Minh Sơn