Không có số lùi, tuổi 20 của những nữ lái xe vượt lửa Trường Sơn

Google News

Giữa mưa bom, bão đạn, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn đã hoàn thành hàng nghìn chuyến xe với hàng vạn tấn hàng hóa, vận chuyển hàng trăm ngàn lượt bộ đội và thương binh... góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Giữa tuyến lửa Trường Sơn huyền thoại, nơi "mưa bom bão đạn" tưởng chừng chỉ dành cho những tay lái gang thép, có một đơn vị đặc biệt đã đi vào lịch sử - Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh (sau là Đại đội nữ lái xe Trường Sơn C13) - đại đội nữ lái xe duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khong co so lui, tuoi 20 cua nhung nu lai xe vuot lua Truong Son
Trung tá Nguyễn Thị Hòa (bìa trái) - một trong những "bông hồng thép" của trung đội nữ lái xe Trường Sơn. Ảnh: Mai Loan. 
Những "bông hồng thép" kiên trung, ngày đêm cầm lái những chiếc xe vận tải vượt qua gian khó, trong đó có Trung tá Nguyễn Thị Hòa là biểu tượng sống động về tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần vào đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những "bông hồng thép" trên tuyến lửa Trường Sơn
Con đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ là một tuyến vận tải quân sự đơn thuần. Đó là biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng quả cảm và khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc. Trên con đường huyền thoại ấy, hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, với bom đạn kẻ thù, với sốt rét rừng, với những cung đường cheo leo, vực thẳm để đảm bảo mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tháng 12 năm 1968, giữa lúc chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt, trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh được thành lập tại xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là trung đội nữ lái xe đầu tiên và cũng là duy nhất trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.
Khong co so lui, tuoi 20 cua nhung nu lai xe vuot lua Truong Son-Hinh-2
 Trung đội nữ lái gồm 40 cô gái, được tuyển chọn từ những nữ thanh niên xung phong trẻ tuổi. Ảnh tư liệu.
Không phải văn công, không hậu cần – họ trực tiếp cầm vô-lăng, lái xe vận tải chở hàng, vũ khí, thuốc men băng rừng lội suối, bất chấp hố bom, chất độc da cam, hỏa lực địch. Những chiếc xe Zin 130, Gaz 51, Gaz 69 trở thành người bạn đường thân thiết. Họ lái xe ban đêm, ánh đèn “quả táo” rọi lấp ló dưới gầm – thứ ánh sáng li ti vừa đủ nhìn đường mà không bị lộ vị trí.
Địa danh nào Trường Sơn khốc liệt nhất, họ đều từng đi qua: đường 20 Quyết Thắng, Khe Tang, Cổng Trời, Khe Ve... Một lần, đoàn xe chở đạn phải vượt đèo Cổng Trời giữa mịt mù bom phá. Một cô gái chỉ nặng hơn 40kg, Phạm Thị Phàn, xung phong lái xe mở đường. Trận đó, cả đội thoát hiểm. “Không ai nghĩ con gái mà có thể gan góc đến thế”, một cựu lái xe nam năm xưa kể lại.
Khong co so lui, tuoi 20 cua nhung nu lai xe vuot lua Truong Son-Hinh-3
 Những đoàn xe của bộ đội Trường Sơn nối tiếp nhau tiến vào miền Nam. Ảnh tư liệu.
Trung đội nữ ấy không chỉ lái xe giỏi, họ còn vừa là hộ lý, khiêng cáng thương binh,... không quản ngại bất cứ việc gì, và đặc biệt... vui tính, luôn thể hiện tinh thần lạc quan. Câu nói "Xe em không có số lùi!" đã trở thành truyền thuyết. Mỗi khi gặp khó, mấy cô “kẹt dốc” lại nhờ cánh tài xế nam đẩy hộ, rồi rúc rích cười trong tiếng máy nổ giòn giã.
Sự hiện diện của trung đội nữ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn không chỉ là niềm tự hào của phái nữ mà còn khiến các đồng nghiệp nam vô cùng khâm phục, truyền cảm hứng. Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng từng nói: “Các cô lái xe nhỏ nhưng sức mạnh tinh thần thì lớn lắm. Anh em công binh, tài xế mà văng tục, hễ thấy bóng áo xanh của các cô là im bặt. Các cô truyền cảm hứng cho cả tuyến lửa”.
Một cựu chiến binh chia sẻ, mỗi khi thấy đoàn xe của các “bông hồng thép” đi qua, lòng lại thấy ấm áp, cảm phục. Giữa bom đạn mù mịt, tiếng máy nổ gầm rú, hình ảnh các chị ngồi vững vàng sau vô lăng như tiếp thêm sức mạnh cho anh em. Họ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ vận tải, mà còn là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn trên toàn tuyến.
Nhiều lái xe nam còn học hỏi được ở các chị đức tính cẩn thận, tỉ mỉ trong việc bảo quản, chăm sóc xe. "Xe của các chị lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng hơn xe của cánh đàn ông chúng tôi," một cựu lái xe cười nói.
Từ ngày thành lập cho đến năm 1975, Trung đội “tóc dài” lái xe Trường Sơn đã hoàn thành hàng nghìn chuyến xe – vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa, hàng trăm ngàn lượt bộ đội và thương binh vào Nam, ra Bắc. 
“Người giữ lửa" của đội nữ lái xe Trường Sơn
Trong đội hình những "bông hồng thép" ấy, Trung tá Nguyễn Thị Hòa nổi bật với vai trò là Bí thư Chi bộ và Chính trị viên của Đại đội C13. Bà là người trực tiếp kề vai sát cánh, sẻ chia và truyền lửa cho những nữ chiến sĩ dưới quyền trong suốt những năm tháng gian khổ mà hào hùng.
Đội vận tải mang tên anh hùng Nguyễn Thị Hạnh. Ảnh tư liệu.
Khong co so lui, tuoi 20 cua nhung nu lai xe vuot lua Truong Son-Hinh-4
 
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, bà Hòa xúc động nhớ lại những năm tháng tuổi hai mươi cháy bỏng nơi tuyến đường khói lửa. “Ngày đó, cán bộ chính trị rất ít người được đào tạo chuyên môn. Tôi cũng vậy, lúc đầu chưa biết lái xe. Nhưng sau này, tôi đã học lái từ chính các chị em trong đội. Các chị em không chỉ là chiến sĩ, mà còn là người thầy đầu tiên của tôi trên vô lăng và giữa rừng Trường Sơn,” bà kể.
Bà Hòa cho hay, những cung đường nơi các nữ lái xe đi qua đều được Bộ Tư lệnh Công binh đánh dấu để lên phương án bảo vệ. Trong 45 chị em, có 40 người trực tiếp cầm lái, 5 người là thợ sửa chữa. Bà và đồng đội chỉ học 45 ngày là đã ra cầm vô lăng thực chiến. Vậy mà từ năm 1968, có đôi bàn tay con gái lái xe vòm xuyên rừng, vượt suối, chạy trên những cung đường bom đạn dày đặ.
“Cuối năm 1968, chiến tranh bước vào thời kỳ ác liệt, chúng tôi bắt đầu tham gia chiến dịch. Chị nào vững tay lái thì một người một xe, chị nào còn yếu thì ghép hai người một xe, thay nhau hỗ trợ. Cứ thế, từng chuyến xe nối nhau lăn bánh vào chiến trường”, bà Hòa nhớ lại.
Để thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự trong điều kiện khắc nghiệt, tinh thần kiên cường của người phụ nữ Trường Sơn là điều không thể đo lường. Trên đường đi chiến trận, nam giới đã vất vả, nữ giới còn vất vả gấp bội. Ngày nghỉ, đêm đi. Đường sá thì bom rơi đạn nổ, đầy hố bom và vết cháy. Bà và đồng đội phân công nhau, chị em khỏe thì trực tiếp lái, người yếu thì ở lại hậu cứ làm lốp, làm nhíp, sửa xe, không ai đứng ngoài cuộc.
Những ngày tháng ấy, các cô gái đều ở tuổi thanh xuân phơi phới, nhưng lại luôn ở lằn ranh, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Trong đó, có trọng điểm 050 ở Quảng Bình – nơi mà “Khi xe chúng tôi chuẩn bị vượt điểm 050, tiểu đội có bốn chị đi trước. Trước khi đi, chúng tôi làm lễ truy điệu sống – coi như chết trước, để nhẹ lòng. Ấy thế mà, đợt đầu ấy chúng tôi đã thực hiện trót lọt hai chuyến xe thành công. Các chị em lúc đó còn bé bỏng lắm, lực lượng thì mỏng, nhưng lòng thì không hề mỏng. Ai cũng cháy rực một ngọn lửa của tuổi trẻ, của lòng yêu nước”, bà Hòa nhớ lại.
Cũng như bao người lính sau chiến tranh, hành trình về đời thường của các chị em không dễ dàng. “ Sau giải phóng, năm 1975, chúng tôi còn có 36 chị, thì 19 chị là thương binh, 1 chị là chất độc da cam, 18 chị lấy chồng, 1 chị lấy chồng không có con, 2 chị đến giờ chưa có chồng. Về xuất ngũ phục viên, chị em không được chế độ hưu nên chị em rất khổ.
Sau này, khi báo chí đưa lên, cả nước biết đến, câu chuyện về Đại đội nữ lái xe Trường Sơn được viết thành sách, được xuất bản song ngữ. Chị em chúng tôi vẫn gắn bó và rất yêu thương nhau”, Trung tá Nguyễn Thị Hòa xúc động.

"Chúng tôi không làm nên chiến thắng, chỉ góp một phần nhỏ trên đường ra trận. Nhưng chúng tôi đã sống trọn tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Không tiếc, không ân hận", Trung tá Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.

Mai Loan