Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước hiện tượng nhiều người dân đổ xô tìm đến khu mộ "Bà ăn mày" ở thôn La Hà (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) để thắp hương thờ cúng, quỳ lạy một cặp rắn được "phong thần" xuất hiện trên ngôi mộ kể trên từ những ngày trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Đáng nói, sau khi cặp rắn được cơ quan chức năng đưa đi và thả về tự nhiên thì dòng người cuồng tín đến u mê vẫn tìm đến mộ "Bà ăn mày" để thắp nhang. Để làm sáng rõ về sự linh thiêng của mộ "Bà ăn mày" cùng cặp "rắn thần" tôi đã tìm về thôn La Hà đã tìm hiểu về nguồn gốc của ngôi mộ này.
Mộ 'Bà ăn mày' ở vùng 'Tứ bút châu nghiên'
Từ Lệ Sơn xuôi dòng sông Gianh về đến bến đò cửa Hác sẽ gặp một bãi nổi khá lớn. Đó là nơi tọa lạc của làng La Hà (xã Quảng Văn).
Trong hệ thống các cồn bãi giữa dòng sông Gianh thì bãi La Hà là bãi lớn nhất có hình con cá chép đang bơi ngược dòng sông Gianh với 4 nhánh sông phụ đổ vào La Hà. Vì có hình dáng đặc biệt như vậy nên dân gian gọi vùng đất này là “Tứ bút châu nghiên”.
Những cư dân đầu tiên đến khai phá vùng đất này là những người mang họ Dương và họ Nguyễn. Năm Lê Thánh Tông thứ 16, nhà vua cho lập làng và lấy tên là La Hà Xã với ý nghĩa là làng bao bọc bởi sông nước với địa thế “Tứ bút Châu nghiên”.
|
Toàn cảnh mộ "Bà ăn mày" nơi xuất hiện 2 con rắn được dân phong "thần" ở Quảng Bình. (Ảnh: Hải Long). |
Làng La Hà đã được liệt vào một trong tám "bức tranh văn vật" của Quảng Bình: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”. Trong nhân gian đã truyền tụng: “Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết quan”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, La Hà là một trong những làng chiến đấu nổi tiếng: “Cự Nẫm anh hùng, Cảnh Dương anh dũng, La Hà chiến thắng”. Người dân La Hà đã bắn cháy nhiều ca nô, diệt nhiều quân giặc xâm lược. Ở giữa cánh đồng làng La Hà có một ngôi mộ mà dân địa phương vẫn thường gọi là mộ “Mệ ăn mày”.
Người dân địa phương chẳng biết tên tuổi, quê quán của “Mệ ăn mày” và chỉ truyền miệng câu chuyện từ bao đời rằng: “Mệ ăn mày không có bà con họ hàng, không biết từ đâu đến nhưng thường đi xin ăn khắp các chợ ở trong vùng.
Một ngày nọ, trên đường từ Chợ Mới về Chợ Mai, do không được ăn lâu ngày cộng với thời tiết lạnh giá mệ đã mất khi vừa qua làng Cồn Vượn. Vì không có họ hàng, không ai quen biết nên dân làng đã bàn bạc và cùng nhau chôn cất mệ trên bờ Hói Bông”.
Khi “Mệ ăn mày” được chôn cất, mỗi người dân đi qua đều đặt lên mộ mệ một cục đất hoặc một hòn đá. Vì thế, mộ “Mệ ăn mày” ngày càng được tôn cao trên mặt đất. Những năm lũ lụt lớn, nước sông Gianh chảy cuồn cuồn, cuốn trôi gần hết đất đá trên mộ, thế nhưng chỉ vài tháng sau mộ mệ lại được dân làng đắp cao.
"Rắn thần" trên nấm mộ hoang
Có lẽ mộ của "Bà ăn mày" không rõ quê quán, chết đường chết chợ vì đói được người dân thương tình đắp cho nấm mộ đá sẽ cứ bình lặng tồn tại ở vùng được mệnh danh là "Tứ bút châu nghiên" nếu không có sự xuất hiện đột ngột của cặp "rắn thần".
Người dân làng La Hà bảo, ngày 28 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhiều người dân đi ngang qua khu mộ của "Bà ăn mày" thì phát hiện một cặp rắn (một to, một nhỏ). Hễ trời tối thì cặp rắn chui vào những khe đá ở mộ để ngủ, sáng ra lại chui lên nằm ngay trên mặt mộ "Bà ăn mày".
|
Trong số 2 con rắn xuất hiện trên mộ "Bà ăn mày" thì một con đã chết có thể là do không chịu được mùi khói hương quá nhiều. (Ảnh: Hải Long). |
Nhiều người thấy thế tò mò ra xem nhưng cặp rắn chẳng bỏ đi khiến họ nghĩ đó là sự lạ và phong cho cặp rắn là "thần" do "Bà ăn mày" hiển linh. Vì thế, nhiều người dân trong làng La Hà đã mua hương hoa đến cúng tiến cho cặp rắn.
Lúc đầu số lượng người biết và tìm đến mộ “Bà ăn mày” chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng bắt đầu từ ngày mồng 9 tháng Chạp khi đã ăn Tết xong xuôi, dòng người tìm về để được mục sở thị “rắn thần” ngày càng đông.
Chẳng biết là do người đến thắp hương quá đông hay vì lý do nào khác mà ngày 27/1 (tức 12 tháng Chạp) con rắn nhỏ bỗng dưng răn ra chết. Những người dân La Hà thấy thế liền mang xác rắn đi hoả táng và chôn ngay chỗ mộ "Bà ăn mày”.
Tuy rắn nhỏ chết nhưng con rắn to cũng không bỏ đi, hằng đêm nó vẫn chui vào hốc đá nghỉ ngơi và ban ngày lại chui ra để nhận hương hoa, nước… của dòng người kéo đến cúng tiến.
|
Người dân lập hòm công đức, đặt nhiều bát nhang ở mộ "Bà ăn mày" kể từ khi có sự xuất hiện của cặp rắn. (Ảnh: Hải Long). |
Những câu chuyện linh thiêng xoay quanh mộ "Bà ăn mày" cứ thế được thêu dệt. Chẳng ai có thể chứng minh được sự linh thiêng của mộ "Bà ăn mày" nhưng những người u mê tìm đến cúng bái "rắn thần" hễ được hỏi lại khẳng định: "Ngôi mộ này linh thiêng lắm, mấy người họ bảo nhau ai cầu gì ở đây đều được mệ giúp đỡ cả".
Thế nhưng, khi được hỏi khu mộ linh thiêng ở điểm nào và chỉ những người đến mộ "Bà ăn mày" cầu xin và được bà giúp đỡ thì họ chẳng chỉ ra được. Ấy thế mà dòng người đông như kiến cỏ cứ kèo về quỳ lạy thắp nhang cặp rắn ở nấm mộ hoang khiến cho chính quyền địa phương được phen vất vả khi đi giữ trật tự và tuyên truyền tránh mê tín dị đoan.
Nói chuyện với tôi, ông Trần Văn Trọng - Chủ tịch UBND xã Quảng Văn tỏ ra mệt mỏi khi dòng người u mê cứ kéo về mộ "Bà ăn mày" đến quỳ lạy "rắn thần". Ông Bảo, chính quyền địa phương có khi muốn cắt điện, rỡ rạp thờ và đưa rắn đi nơi khác thì lại bị người dân ngăn cản.
Khi rắn nước được phong 'thần'
Tôi gọi điện cho Giáo sư Ngô Đắc Chứng (Đại học Huế, chuyên gia nghiên cứu về loài bò sát) để hỏi thông tin về cặp rắn xuất hiện trên mộ "Bà ăn mày" ở Quảng Bình, được người dân cứ ùn ùn kéo đến để thờ vì cho đó là "thần" thì Giáo sư Chứng phì cười, lắc đầu ngao ngán.
Ông giải thích, nếu chỉ nhìn qua ảnh thì không thể phân biệt cặp rắn xuất hiện trên mộ "Bà ăn mày" thuộc loại rắn nào. Tuy nhiên, theo Giáo sư Chứng, việc rắn xuất hiện ở các vùng hoang dã, đền miếu và nghĩa địa, mồ mả là điều rất bình thường, không có gì lạ mà người dân phải đổ xô đến thờ cùng.
|
Con rắn xuất hiện trên mộ "Bà ăn mày" đã được chứng minh chỉ là loài rắn nước bình thường. (Ảnh: Hải Long). |
"Rắn thì ở đâu mà chả có, ở vùng ít người, hoang sơ, hoang dã thì có rắn chứ có chi đâu mà phải thờ cúng. Việc rắn xuất hiện ở các hốc cây, am, miếu và đặc biệt là ở mồ mả, nghĩa địa là bình thường. Cần phải giải thích cho dân hiểu đó là điều bình thường và đừng quá mê tín rồi đâm ra mệt mỏi", Giáo sư Ngô Đắc Chứng nói.
Đến một người dân bình thường như ông Trần Văn Hạnh (53 tuổi, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) khi trả lời báo chí cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi nói về sự u mê của dòng người ùn ùn kéo đến mộ "Bà ăn mày" để quỳ lạy cặp rắn.
Ông Hạnh khẳng định, cặp rắn xuất hiện trên mộ "Bà ăn mày" thực chất chỉ là cặp rắn nước. Con đực hiện đã chết còn con cái đang mang thai cũng đang rất yếu. "Người dân không nên mê tín về đây cúng bái, tránh bị kẻ xấu nhân danh thánh thần lừa đảo", ông Hạnh nói.
Khi sự cuồng tín của người dân đã đi quá giới hạn, lực lượng chức năng thị xã Ba Đồn và xã Quảng Văn đã đến khu mộ và kiên quyết để đưa "rắn thần" đi nơi khác và cắt điện, tháo dỡ rạp thờ, giải tán đám đông.
Sau khi đưa con rắn khỏi mộ "Bà ăn mày", lực lượng kiểm lâm xác định con rắn dài 0,8m, nặng 230g, theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là loài rắn nước thông thường, người dân dễ nhận biết.
Con rắn không nằm trong danh mục bảo tồn nên Hạt Kiểm lâm Ba Đồn quyết định thả về môi trường tự nhiên. Theo thông tin do đại diện Hạt kiểm lâm Ba Đồn cung cấp, khi được thả về môi trường nước, con rắn bơi đi rất nhanh.
Từ khi con rắn được đưa đi cuộc sống cứ trôi đi mà chẳng có "sự lạ" nào xảy ra và chứng tỏ việc người dân phong thần cho cặp rắn nước là điều hết sức phi lý. Nhưng lạ là, khi con rắn được đưa đi, nhiều người không rõ vì quá cuồng tín hay vì mục đích gì khác mà vẫn kéo đến mộ "Bà ăn mày" để thắp nhang khấn vái.
|
Dù cơ quan chứng năng đã chứng minh con rắn chỉ là rắn nước và mang nó thả về tự nhiên nhưng dòng người vẫn tìm về mộ "Bà ăn mày" để quỳ lạy thắp nhang để cầu tài lộc. (Ảnh: Hải Long). |
Viết đến đây, tôi chợt nhớ về câu chuyện "cá chép thần" ở Nghệ An khiến dư luận được phen phì cười. Chuyện kể là, ở huyện Đô Lương (Nghệ An) xuất hiện con cá chép cứ bơi vòng quang trên mặt ao do bị chích điện. Thế nhưng, nhiều người lại cho đó là sự lạ và bảo đó là "cá thần" rồi đua nhau khấn vái. Mãi đến khi một người dân không chịu nổi sự cuồng tín đến u mê của đám người này bèn mang lưới bắt con cá lên và đem đi om dưa ăn thì mọi chuyện mới kết thúc.
Đáng nói chuyện cặp rắn trên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình hay chuyện con cá chép bị chích điện ở Nghệ An hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học nhưng lại bị những người cuồng tín thần thánh hoá lên. Phải chăng, sự dễ dãi trong văn hoá tín ngưỡng đang bị nhiều kẻ lợi dụng và biến nó thành mê tín dị đoan?.
Theo Nguyễn Vương/VTC