Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng và gian khổ ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô anh hùng), Sư đoàn 312, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu. Ở tuổi 96, người lính già năm xưa vẫn minh mẫn, giọng nói sang sảng khi kể về một trong những chương bi tráng và vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc, nơi ý chí con người và sức mạnh nhân dân đã viết nên huyền thoại.
 |
Đại tá Nguyễn Hữu Tài bồi hồi kể lại những ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ với PV. Ảnh: Mai Loan. |
Sức mạnh của “chiến tranh nhân dân”
Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho hay, một trong những yếu tố then chốt làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sức mạnh phi thường của nhân dân, điều mà quân Pháp không thể nào lường hết được. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ vô cùng tự tin với lực lượng hùng hậu hàng vạn quân, cùng hệ thống hậu cần hiện đại với hàng trăm máy bay vận tải Dakota. Họ tin chắc rằng, với địa hình hiểm trở và phương tiện thô sơ, Việt Minh không thể nào duy trì được một lực lượng lớn và đảm bảo hậu cần cho một chiến dịch dài ngày tại lòng chảo Mường Thanh.
 |
Đảng ta đã huy động được lực lượng lớn dân công thồ hàng bằng xe đạp phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu/TTXVN phát). |
“Nhưng họ đã lầm. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân ta là ở chính chỗ đó, điều quân địch không ngờ tới. Để nuôi sống hàng vạn bộ đội và hàng vạn dân công, thanh niên xung phong trên mặt trận, nhân dân ta đã huy động tất cả những gì có thể. Từ những chiếc xe đạp thồ được gia cố để chở hàng trăm kg hàng hóa, những chiếc xe ngựa, xe trâu, đến đôi quang gánh trên vai người dân công, và cả những đoàn ô tô vận tải vượt qua mưa bom bão đạn. Đó là một cuộc tổng huy động sức người, sức của chưa từng có”, đại tá Tài nhấn mạnh.
Theo đại tá Nguyễn Hữu Tài, cuộc chiến Điện Biên Phủ tính từ ngày ông và các đồng đội hành quân lên Điện Biên Phủ cho đến khi kết thúc là 143 ngày, chứ không chỉ “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” như trong thơ Tố Hữu. Suốt mấy tháng ròng rã đó, trên khắp các nẻo đường dẫn lên Điện Biên, từ đồng bằng lên miền núi, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong đã ngày đêm bám đường, bám cầu, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, san lấp hố bom, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt.
Những địa danh như ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin đã trở thành huyền thoại về sự hy sinh và lòng quả cảm. Bom đạn địch không chỉ trút xuống tiền tuyến mà còn cày xới ác liệt trên các tuyến đường huyết mạch, gây thương vong không nhỏ cho lực lượng hậu cần. "Không có một hậu phương vững chắc như thế, không có tinh thần của chiến tranh nhân dân như thế, không có sự hy sinh vô bờ bến của dân mình, thì không thể có chiến thắng Điện Biên Phủ”, đại tá Nguyễn Hữu Tài khẳng định.
Kỳ tích kéo pháo vào kéo pháo ra và niềm tin tất thắng
Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho hay, một trong những biểu tượng sáng ngời nhất cho ý chí và sức mạnh phi thường của quân và dân ta chính là cuộc kéo pháo lịch sử
“Việc kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua quãng đường rừng núi 15km, với những con dốc cheo leo, có điểm cao tới hơn 1.000, trong điều kiện phải bí mật và làm đường cấp tốc, là một nhiệm vụ “chưa từng có trong lịch sử”, đại tá Tài nhớ lại.
 |
Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN . |
Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho hay, 12 khẩu pháo được kéo vào trận địa trong 9 ngày đêm liên tục. Lúc đầu, tất cả còn hô ‘Hai... ba... nào! Hai... ba... nào!’. Nhưng sau tất cả khản cổ hết, mới nghĩ ra cách làm cái mõ tre. Tiếng ‘Cốc, cốc, cốc’ vang lên lại nhích được một đợt. Tính trung bình, mỗi giờ đồng hồ, cả một tập thể hàng trăm con người chỉ kéo được khẩu pháo đi hơn 100 mét. Sự căng thẳng và gian khổ là tột độ. Có những con dốc dựng đứng gần 60 độ, bộ đội phải dùng tời để kéo, hình thành nên địa danh "Dốc 7 tời" nổi tiếng. Chính trong cuộc kéo pháo vào gian khổ này, tấm gương hy sinh anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo đã trở thành bất tử.
Khi Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra quyết định lịch sử: thay đổi phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc", nhiệm vụ kéo pháo ra lại được đặt ra. Lần này, theo Đại tá Tài, còn gian khổ và nguy hiểm hơn gấp bội. Đường kéo pháo đã bị lộ, máy bay và pháo binh địch liên tục bắn phá ác liệt. "Đơn vị chúng tôi chịu thương vong như một trận chiến đấu", ông nhớ lại. Tuy nhiên, bộ đội ta vẫn hoàn tất việc đưa pháo ra và bố trí lại trận địa sẵn sàng nổ súng.
Phân tích quyết định thay đổi phương châm tác chiến, đại tá Tài cho rằng, Điện Biên Phủ thực sự là một cái bẫy mà quân Pháp giăng ra để tiêu diệt chủ lực Việt Minh. Quân Pháp, với hệ thống công sự kiên cố, hỏa lực pháo binh cực mạnh với 24 khẩu 105mm, 4 khẩu M114 155mm, 20 khẩu cối 120mm cùng ưu thế về không quân và xe tăng, nếu ta giữ nguyên phương án "đánh nhanh, thắng nhanh", bộ đội và pháo binh còn dàn trên mặt đất với công sự sơ sài, thì "đúng là rơi vào cái bẫy của địch thật". Khi đó, uy lực pháo binh và không quân địch sẽ phát huy tối đa tác dụng, gây tổn thất nặng nề cho ta.
Việc chuyển sang "đánh chắc, thắng chắc", dù kéo dài thời gian và đòi hỏi nỗ lực chuẩn bị phi thường, lại là một nước cờ thiên tài. Bộ đội và pháo binh được đưa vào ẩn nấp trong hệ thống hầm hào, giao thông hào chằng chịt. Việc đào hàng trăm km giao thông hào, từ rừng núi vào tận sát cứ điểm địch, giúp bộ đội di chuyển, chiến đấu an toàn, bảo toàn lực lượng và vô hiệu hóa phần lớn ưu thế hỏa lực của địch. Chính hệ thống trận địa vững chắc này đã khiến viên chỉ huy pháo binh Pháp Charles Piroth phải bất lực và cuối cùng tự sát. "Sự hay đổi quyết tâm từ đánh nhanh giải quyết nhanh sang đánh chắc thắng chắc là ở chỗ ấy. Một là ta bị vào bẫy của nó, hai là ta đập tan cái bẫy ấy", đại tá Tài đúc kết.
Đại tá Tài chia sẻ, khi nhận lệnh kéo pháo ra ngay sau khi vừa gian khổ kéo vào, cũng có một số cán bộ, chiến sĩ thoáng chút hoang mang. Nhưng nhờ công tác chính trị tư tưởng vững chắc, với niềm tin tất thắng cùng 3 “quyết tâm”: Quyết tâm tiêu diệt địch không thay đổi, Tin tưởng tuyệt đối vào cấp trên, và Tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, mọi người đã vượt qua, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ mới, dù gian khổ, hy sinh gấp bội.
Giờ G điểm hẹn Him Lam: Khúc tráng ca bất tử
Ngày 13-3-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng những loạt đạn, pháo như sấm rền, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam, được người Pháp mệnh danh là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm trong hệ thống Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
 |
Bộ đội ta xông lên chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13-3-1954. Ảnh tư liệu/TTXVN. |
Ngày lịch sử này cũng mãi in dấu trong ký ức đại tá Nguyễn Hữu Tài với âm hưởng hào hùng, đầy tự hào. Ông kể lại trước trận đánh, dưới chiến hào, các chiến sĩ tập trung lắng nghe "Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ" của Bác Hồ. Từng lời căn dặn, động viên của Bác như tiếp thêm nguồn sức mạnh vô biên. Tiếp đó là mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, khẳng định tầm vóc lịch sử của trận đánh và kêu gọi toàn quân "tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch".
"Cảm xúc trong chúng tôi dâng trào", đại tá Tài xúc động nhớ lại. Như một lời thề quyết tử, các chiến sĩ tự tay viết hai chữ "Quyết chiến Quyết thắng" lên báng súng, vành mũ. Rồi đến nghi lễ trao lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Bác Hồ cho đơn vị xung kích mở màn, với nhiệm vụ cắm lá cờ này lên cứ điểm Him Lam. Lá cờ thiêng liêng được giao cho Tiểu đội trưởng Trần Can, một chiến sĩ thi đua quả cảm (sau này là Anh hùng LLVTND, hy sinh trong chiến dịch).
 |
Cờ chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13-3-1954. Ảnh tư liệu: TTXVN. |
Khi những loạt đạn pháo đầu tiên của ta chính xác rót vào Him Lam, phá vỡ sự im lặng căng thẳng, cũng là lúc yếu tố bí mật không còn cần thiết. Quân ta từ các chiến hào đồng loạt hô vang xung phong, ào lên như vũ bão. Đặc biệt, hình ảnh đội văn công xung kích của đại đoàn, ngay tại một góc chiến hào, tấu lên bài hát "Chiến sĩ Việt Nam" ngay giữa chiến trường khói lửa đã gây xúc động mạnh, đi thẳng vào trái tim đại tá Nguyễn Hữu Tài khi đó.
"Là trang nam nhi, quyết chiến sa trường, sống chết coi thường…", ông nghẹn ngào hát lại giai điệu hào hùng năm xưa. "Giữa mịt mù khói lửa, tiếng súng, tiếng đại bác rền vang, quân ta ào lên tiến công. Tiếng đàn, tiếng hát hòa lẫn âm thanh chiến trường… Một cảnh tượng hào hùng, duy nhất trong đời chiến đấu tôi được chứng kiến", đại tá Nguyễn Hữu Tài xúc động.
Sau hơn 5 giờ chiến đấu kiên cường, Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ Him Lam, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch tại đây. Chiến thắng mở màn vang dội này có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ đập tan một trung tâm đề kháng mạnh nhất của địch mà còn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần toàn quân, khẳng định niềm tin tất thắng. Nó chứng minh rằng "pháo đài bất khả xâm phạm" Điện Biên Phủ hoàn toàn có thể bị công phá.
“Chiến thắng rồi, chỉ muốn ngủ trên mặt đất một đêm, sau bao nhiêu ngày đêm phải ở dưới hầm”, đại tá Tài nhớ lại niềm hạnh phúc giản dị.
Ở tuổi 96, với 77 năm tuổi Đảng, 47 năm cuộc đời quân ngũ, người lính già Nguyễn Hữu Tài vẫn giữ vẹn nguyên khí phách và niềm tự hào. Ông tâm sự, trải qua bao gian khổ, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, ông càng thấu hiểu giá trị của hòa bình. "Cuộc đời tôi có thể nói như thơ Nguyễn Du là ‘Trời còn để có hôm nay’," ông nghẹn ngào. Niềm hạnh phúc và tự hào lớn nhất của ông là được làm người lính Cụ Hồ, được chiến đấu dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chiến dịch lịch sử vĩ đại, góp phần nhỏ bé vào bản hùng ca bất tử của dân tộc. Những hồi ức của ông không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà còn là chứng nhân lịch sử, thắp sáng mãi tinh thần Điện Biên Phủ anh hùng.
Mời quý độc giả xem video Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng chia sẻ về cảm xúc chiến thắng Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mai Loan