|
Binh sĩ quân đội Syria ở mặt trận Jobar, gần Thủ đô Damascus ngày 24/8.
|
Ngày 30/8, giới chức Mỹ tuyên bố có thể hành động đơn phương, tấn công Syria mà không cần đến sự hỗ trợ của đồng minh thân thiết nhất là Anh sau khi Nghị viện nước này bác kiến nghị đánh Syria.
Đêm 29/8, Nghị viện Anh biểu quyết bác bỏ kiến nghị can thiệp quân sự vào Syria.
Cùng ngày 29/8, 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) kết thúc ngày họp kín thứ 2 về vấn đề Syria sau khi Anh đề xuất một dự thảo nghị quyết cho phép phát động chiến dịch quân sự chống lại chế độ Assad nhưng không có sự đồng thuận. Nga và Trung Quốc cương quyết bác bỏ việc sử dụng vũ lực.
Ngày 28/8, các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu Tổng thống Obama giải thích chi tiết và có cơ sở về tính cấp bách lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột quân sự mới. Bức thư có chữ ký của 116 hạ nghị sĩ.
Ngày 27/8, các quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố có thể mở cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria, “sớm nhất là bắt đầu từ ngày 29/8”.
Ngày 26/8 Nga “lấy làm tiếc” về việc Mỹ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Nga về khủng hoảng Syria.
Ngày 26/8, các thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc bắt đầu điều tra về vụ tấn công hóa học tại Syria.
Ngày 25/8, Syria chấp thuận để cho phép các thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc điều tra về vụ tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21/8.
Ngày 24/8, phe đối lập Syria kêu gọi sự giúp đỡ của thế giới.
Ngày 21/8, phe đối lập Syria cáo buộc, 1.300 dân thường thiệt mạng trong vụ tấn công hóa học của quân đội.
Các sự kiện lớn ở Syria kể từ năm 2011
Tháng 3/2011, Syria lâm vào tình trạng bất ổn khi những người biểu tình kêu gọi thả các tù nhân chính trị đã bị giết chết ở Damascus và Daraa .
Tháng 4/2011,chính phủ thả một số tù nhân chính trị xoa dịu người biểu tình hòng giải tán các cuộc biểu tình và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ban hành trước đó.
Tháng 5/2011, các xe tăng quân đội chính phủ tiến vào Daraa, Homs và vùng ngoại ô Damascus để trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Tháng 7/2011, quân đội chính phủ đưa quân đến thành phố Hama, nơi các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra. Phe đối lập Syria thống nhất.
Tháng 10/2011, Hội đồng Quốc gia Syria mới thành lập tuyên bố, họ đã thành lập một mặt trận thống nhất ở bên trong Syria và cả ở nước ngoài.
Tháng 11/2011, Liên đoàn Arập treo chức thành viên của Syria. Những người ủng hộ chính phủ Syria tấn công các đại sứ quán nước ngoài.
Tháng 12/2011, Syria được chấp nhận trở thành quan sát viên của Liên đoàn Arập nhưng đến tháng 1/2012 thì bị đình chỉ do khủng hoảng chính trị leo thang ngày càng tồi tệ.
Tháng 8/2012, Liên Hợp Quốc kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Một số quan chức cấp cao trong nội các của ông Assad đào ngũ. Tổng thống Mỹ Obama ra cảnh báo Syria không được phép vượt qua “giới hạn đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học.
Tháng 11/2012, vài nhóm đối lập hình thành Liên minh Quốc gia của Các lực lượng đối lập và cách mạng Syria, sớm giành được sự công nhận của Liên đoàn Arập.
Tháng 12/2012, Mỹ chính thức công nhận Liên minh Quốc gia. Sau đó Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh cũng lần lượt công nhận tổ chức này.
Tháng 3/2013, Mỹ và Anh cung cấp viện trợ phi quân sự cho phe đối lập Syria. Anh và Pháp đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu đối với Syria.
Tháng 5/2013, Liên minh EU quyết định không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, mở đường cho việc vũ trang cho phe đối lập Syria .
Tháng 6 và tháng 7/2013, ban lãnh đạo phe đối lập Syria thay đổi. Quân đội chính phủ giành được nhiều thắng lợi trên các chiến trường trong hai tháng này. Lợi thế bắt đầu nghiêng hẳn về phía quân đội chính phủ Syria.
Bạch Dương (Theo ChinaDaily)