|
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa Tomahawk.
|
Thông báo trước cho phe đối lập Syria
Một số nguồn tin tham dự cuộc họp ở Istanbul ngày 26/7 giữa các nhà lãnh đạo phe đối lập Syria và các nhà ngoại giao đến từ Washington - cũng như từ một số thủ đô phương Tây khác - nói với Reuters rằng phe đối lập hãy chờ đợi một “hành động quân sự” và cần sẵn sàng đàm phán hòa bình.
Một nguồn tin cho biết: “Phe đối lập đã được thông báo rất rõ ràng rằng những hành động (quân sự) ngăn chặn chế độ Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học có thể diễn ra trong vài ngày tới và họ vẫn phải chuẩn bị cho các cuộc hòa đàm tại Geneva”.
Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria, Ahmad Jarba, đã gặp phái viên đến từ 11 quốc gia thuộc “Nhóm những người bạn của Syria” - trong đó có Đại sứ Mỹ tại Syria, Robert Ford, tại một khách sạn ở Istanbul.
Tuy nhiên, do sự phản đối của Nga và Trung Quốc cũng như do các cử tri phương Tây phản đối cuộc chiến chẳng hề đem lại lợi lộc gì cho họ, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể chưa “khai hỏa” ngay lúc này. Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi quốc hội trở lại làm việc và nhóm họp về Syria vào ngày 29/8 tới.
Đối mặt với vấn đề làm thế nào để kết thúc cuộc can thiệp quân sự, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande có lẽ sẽ chọn phương án không kích có giới hạn. Các bị lãnh đạo nói trên cũng phải cân nhắc câu hỏi liệu họ có nguy cơ trao quyền quân nổi dậy Hồi giáo chống phương Tây, nếu ông Assad bị lật đổ.
|
Tên lửa phóng từ tàu ngầm...
|
Sự hiện diện của các chuyên gia Liên Hợp Quốc tại Damascus có thể là một yếu tố khiến cho phương Tây khó có thể bắt đầu hành động quân sự ngay lúc này.
Nhật báo The Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết một cuộc tấn công Syria có thể sẽ kéo dài không quá 2 ngày, trong đó các tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến - hoặc có thể từ máy bay – nhắm vào các mục tiêu quân sự nổi bật không trực tiếp liên quan đến vũ khí hóa học.
Ngày 27/8, các quan chức cấp cao ở Washington nói với hãng NBC News rằng Mỹ có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria "sớm nhất vào ngày 29/8" và "ba ngày" tấn công sẽ giới hạn về phạm vi và nhằm gửi một thông điệp đến chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ từ phía các quốc gia Arập, Liên đoàn Arập đã ra tuyên bố cáo buộc chính phủ Assad phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc tấn công hóa học ở gần thủ đô Damascus.
Phản ứng của Syria, Iran và Trung Quốc
Cuộc xung đột Syria đã phân hóa Trung Đông thành nơi xung đột giáo phái. Iran của người Hồi giáo Shiite đã hỗ trợ ông Tổng thống Assad và “đồng đạo” Alawite của ông chống lại quân nổi dậy chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni vốn nhận được sự ủng hộ của các “đồng đạo” từ các nước Vùng Vịnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Irran cho biết: "Chúng tôi mạnh mẽ phản đối mọi cuộc tấn công quân sự (của phương Tây) vào Syria vì nó chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm đối với khu vực. Các hậu quả tai hại này sẽ không chỉ giới hạn ở Syria. Chúng sẽ nhấn chìm toàn bộ khu vực”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Damascus, Ngoại trưởng Syria Moualem tuyên bố Syria “sẽ đánh lại nếu bị tấn công”. Ông nói: “Chúng tôi có phương tiện tự vệ và chúng ta sẽ khiến cho kẻ thù bất ngờ trong trường hợp cần thiết. Nếu phải đối mặt với hành động xâm lược,...chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng mọi phương tiện sẵn có…”.
|
...hoặc từ máy bay chiến đấu ở bên ngoài không phận Syria.
|
Chỉ có điều, chính quyền Assad đã phản ứng rất yếu ớt và không kịp trở tay trước ba cuộc tấn công bằng máy bay của Israel hồi đầu năm nay nhằm ngăn chặng việc Iran chuyển giao tên lửa hiện đại cho phong trào Hezbollah ở Lebanon.
Cùng với Nga phủ quyết các biện pháp chống lại Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng phản đối việc phương Tây sử dụng vũ lực can thiệp vào “công việc nội bộ của các nước khác”.
Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã ngày 27/8 đã đăng một bài bình luận nhắc lại việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 với lý do nước này sở hữu vũ khí giết người hàng loạt bị cấm và đó là những thứ vũ khí mà Mỹ không bao giờ tìm thấy ở Iraq sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ.
Bài bình luận đăng trên Tân Hoa Xã có đoạn viết: “Hàng loạt các cuộc tham vấn gần đây giữa Washington và các đồng minh chỉ ra rằng phương Tây đã đặt mũi tên trên dây cung và sẽ bắn, ngay cả khi không có sự chuẩn thuận của Liên Hợp Quốc. Đó sẽ là vô trách nhiệm và nguy hiểm”.
Lê Chân (theo Reuters)