Theo trang History, ý tưởng về việc xây dựng một kênh đào Panama, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đã có từ thế kỷ 16.
Vào năm 1513, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Vasco Nunez de Balboa trở thành người Châu Âu đầu tiên phát hiện ra rằng eo đất Panama chỉ là một cây cầu đất hẹp ngăn cách Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, "châm ngòi" cho cuộc tìm kiếm tuyến đường thủy tự nhiên nối liền hai đại dương này. Tuy nhiên, khi đó, những người khảo sát quyết định rằng việc xây dựng một kênh đào cho tàu đi qua là không thể.
|
Kênh đào Panama. Ảnh: Getty. |
Trong suốt những năm 1800, Mỹ, vốn muốn có một kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương vì lý do kinh tế và quân sự, coi Nicaragua là một địa điểm khả thi hơn Panama.
Tuy nhiên, quan điểm đó đã thay đổi một phần nhờ nỗ lực của Philippe-Jean Bunau-Varilla, một kỹ sư người Pháp. Philippe-Jean đã thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ rằng Nicaragua có núi lửa nguy hiểm, khiến Panama trở thành lựa chọn an toàn hơn.
Theo trang marlintravel, Pháp bắt đầu xây dựng kênh đào này vào năm 1881, nhưng tiến độ bị dừng lại do các vấn đề về kỹ thuật và tỷ lệ công nhân tử vong cao.
Năm 1903, Hiệp ước Hay - Bunau - Varilla được Mỹ và Panama ký kết, cho phép Mỹ có quyền xây dựng và sử dụng kênh đào Panama. Mỹ tiếp quản dự án vào năm 1904 và hoàn thành kênh đào Panama vào năm 1914 với chi phí 400 triệu USD, bao gồm cả 10 triệu USD trả cho Panama và 40 triệu USD trả cho Pháp (vì những công trình xây dựng ban đầu).
Đã có tổng cộng 75.000 người làm việc trong dự án xây dựng kênh đào. Thời kỳ cao điểm, có 40.000 nhân công làm việc trên các công trường cùng một lúc. Hơn 25.000 người đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng kênh đào Panama. Những người xây kênh đào phải đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm địa hình hiểm trở, thời tiết nóng ẩm, lượng mưa lớn và các bệnh nhiệt đới hoành hành.
|
Ảnh: Reuters. |
Khoảng từ thập niên 1930, Mỹ đã tăng khoản chi cho Panama, đồng thời xây dựng một cây cầu bắc qua kênh, cũng như ban hành các quy định về điều kiện làm việc bình đẳng giữa người lao động Panama và người Mỹ.
Khi Thế chiến II bùng nổ, kênh đào Panama nhanh chóng trở thành thủy lộ huyết mạch của Mỹ và phe đồng minh. Điều này buộc Mỹ phải tăng cường lực lượng quân sự bố phòng nhưng bị sự phản đối của người dân Panama.
Sau năm 1945, Jose Antonio Remon, Tư lệnh cảnh sát quốc gia Panama, thắng cử Tổng thống năm 1952, muốn đàm phán với Mỹ nhằm giảm quyền kiểm soát của Mỹ với kênh đào và tăng tiền phải trả cho Panama. Tuy nhiên, ông bị ám sát năm 1955.
Đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh lạnh sau Thế chiến II, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường vũ khí ở Panama. Năm 1958, phong trào sinh viên Panama thực hiện "Chiến dịch chủ quyền" bất bạo động cắm thành công 75 quốc kỳ Panama vào Canal Zone, vùng kênh đào mà Mỹ xem như "lãnh thổ" của mình.
Cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Vào tháng 1/1964, căng thẳng leo thang khi học sinh Mỹ ở Trường trung học Balboa và những người Mỹ sống trong vùng kênh đào không chấp nhận cho treo cờ Panama. Vài nghìn người đã biến cuộc hỗn chiến thành một cuộc bạo loạn khiến hơn 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Panama đổ lỗi cho người Mỹ, cắt đứt quan hệ và yêu cầu bồi thường. Ngược lại, Mỹ bác bỏ các cáo buộc và buộc tội Panama kích động cuộc bạo loạn.
Cho đến năm 1977, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Jimmy Carter và lãnh đạo Panama Omar Torrijos đã ký kết một hiệp ước chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào Panama từ Mỹ sang Panama. Hai nước cùng quản lý công trình trong nhiều thập kỷ. Các buổi lễ chuyển giao mang tính biểu tượng được tổ chức vào ngày 14/12/1999 và vào ngày cuối cùng của năm 1999, Panama chính thức nắm quyền kiểm soát hoàn toàn kênh đào.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Siêu tàu Ever Given rời Kênh đào Suez, kết thúc 4 tháng bị "giam cầm"
Nguồn video: Vietnam Plus
An An (Tổng hợp)