Sau đây là hành trình 16 tháng tìm kiếm máy bay MH370:
• 8/3/2014: Một máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines số hiệu MH370 cất cánh từ một sân bay ở Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào lúc 12h41 (giờ địa phương). 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn có mặt trên khoang máy bay lúc đó. Lúc 2h14 là thời điểm cuối cùng radar quân đội phát hiện chiếc máy bay đang thẳng hướng tới phía tây eo biển Malacca trên màn hình theo dõi. Nửa giờ sau, hãng hàng không thông báo mất liên lạc với chiếc Boeing 777 này.
|
Mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân vụ MH370.
|
• 9/3/2014: Hành trình tìm kiếm máy bay MH370 chính thức bắt đầu từ đây. Các đội tìm kiếm tập trung ở Vịnh Thái Lan. Nhiều suy đoán rằng, vụ mất tích máy bay số hiệu MH370 này có dính dáng tới các phần tử khủng bố khi cảnh sát tìm ra hai hộ chiếu giả được hành khách trên chuyến bay này sử dụng. Tuy nhiên, giới chức trách đã khẳng định, tất cả hành khách trên
chuyến bay MH370 không liên quan tới bất cứ nhóm khủng bố nào.
• 11/3/2014: Các đội tìm kiếm tập trung mọi nỗ lực để tìm ra tung tích máy bay Malaysia mất tích bí ẩn này gần vùng biển Việt Nam, Biển Đông và Vịnh Thái Lan sau khi một máy bay quân sự của Việt Nam thông báo đã nhìn thấy một cánh cửa máy bay rơi ở bờ biển phía tây nam nước này. Tuy nhiên, việc tìm kiếm ở khu vực biển Andaman đã không cho kết quả nào. Dựa trên các manh mối, nhà chức trách bắt đầu cho rằng, máy bay này có thể đã bay về hướng tây sau khi mất liên lạc với các kiểm soát viên không lưu.
• 15/3/2014: Các tín hiệu vệ tinh cho thấy, máy bay Malaysia mất tích đã bay tới Ấn Độ Dương. Nhà chức trách lục soát nhà của hai phi công lái chuyến MH370 này là Zaharie Ahmad Shah và Fariq Abdul Hamid. Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố, các bằng chứng chỉ ra rằng, máy bay đó đã cố tình chuyển hướng và tiếp tục bay trong hơn 6 giờ sau khi biến mất khỏi màn hình radar.
• 18/3/2014: Thông tin mới chỉ ra, các thay đổi trong lộ trình chuyến bay đã được lập trình trong máy tính ở buồng lái. Điều này làm dấy lên các nghi ngờ rằng, phi công lái máy bay Malaysia có dính líu tới vụ việc. Các nhà điều tra cố gắng phục hồi lại các file dữ liệu từ một mô hình bay giả ở nhà cơ trưởng Shah vốn bị xóa chưa đầy một tháng trước khi vụ máy bay mất tích xảy ra.
• 24/3/2014: Thân nhân các hành khách trên chuyến MH370 biểu tình ở Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh sau khi giới chức trách kết luận, chiếc máy bay mất tích đã rơi ở Ấn Độ Dương.
• 7/4/2014: Một tàu quân sự Australia đã phát hiện những tín hiệu trùng khớp với tín hiệu phát ra từ hộp đen máy bay. Chỉ huy trung tâm phối hợp tìm kiếm Angus Houston gọi đây là manh mối “triển vọng nhất” trong cuộc tìm kiếm.
• 24/4/2014: Các đội tìm kiếm đã vớt được một mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370 trôi dạt vào bờ biển tây Australia. Một vài ngày sau, chiến dịch tìm kiếm MH370 chuyển sang giai đoạn tìm máy bay ở dưới mặt biển với việc huy động một xe tự hành dưới nước. Lúc này, khu vực tìm kiếm được thiết lập có diện tích dài 430 dặm và rộng 50 dặm.
• Ngày 26/6/2014: Chính quyền Australia công bố báo cáo sơ bộ cho thấy, có thể máy bay MH370 đã bay ở chế độ bay tự động sau khi phi công mất tỉnh táo có thể do thiếu oxy.
• Ngày 17/7/2014: Một máy bay khác của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu Mh17 trên hành trình từ Amsterdam về Kuala Lumpur đã bị bắn hạ ở miền đông Ukraine. Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng. Cho tới nay, nguyên nhân và thủ phạm vụ việc vẫn đang còn là một dấu hỏi lớn.
• Ngày 28/8/2014: Phó Thủ tướng Australia Warren Truss cho biết, máy bay mất tích MH370 “có thể đã quay trở lại phía nam sớm hơn một chút so với chúng ta nghĩ trước đây”. Phát biểu trên được đưa ra sau khi các chuyên gia nhận thấy, các nhân viên hãng Malaysia Airlines đã cố gắng liên lạc với phi công bằng điện thoại vệ tinh sau khi nó biến mất khỏi màn hình radar.
|
Cảnh sát khiêng mảnh vỡ nghi của máy bay MH370 được tìm thấy ở đảo Reunion, lãnh thổ thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương.
|
• 19/8/2014: Sau thời gian tạm lắng chừng bốn tháng, nhà chức trách thông báo tiếp tục mở cuộc tìm kiếm dưới lòng biển vào cuối tháng 9.
• Tháng 1/2015: Cơ trưởng từng nhiều năm lái Boeing 777 Simon Hardy cho rằng, vị trí máy bay Malaysia mất tích cuối cùng nằm ở Ấn Độ Dương, nằm ngay ngoài rìa phía tây nam của khu vực tìm kiếm chính.
• Ngày 28/1/2015: Cục Hàng không Dân dụng Malaysia chính thức tuyên bố vụ việc là một tai nạn sau khi kết luận máy bay mất tích đã hết nhiên liệu khi bay “trên một khu vực xác định ở phía nam Ấn Độ Dương”.
• Ngày 7/3/2015: Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết, dữ liệu máy bay mất tích sẽ được xem xét lại. Một kế hoạch mới sẽ được vạch ra nếu không tìm thấy nó vào cuối tháng 5.
• Ngày 29/7/2015: Các phương tiện truyền thông thế giới đồng loạt đăng tải tin tức về việc tìm thấy một mảnh vỡ dài 2 mét nghi là thuộc bộ phận cánh của máy bay Malaysia mất tích ở đảo Reunion. Mảnh vỡ này hiện được đưa tới Pháp để các chuyên gia kiểm tra trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Thanh Nga (theo The Guardian)