Một quan chức Mỹ cho biết các nhà điều tra an toàn hàng không, trong đó có các nhà điều tra của Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, đã xác định mảnh vỡ trôi dạt vào đảo Reunion là một khúc cánh của máy bay Boeing 777. Chuyên gia an toàn hàng không John Goglia, một cựu thành viên của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ nói: “Mảnh vỡ chỉ xác nhận rằng máy bay đang ở dưới biển… Chúng tôi không bị mất bất kỳ chiếc Boeing 777 nào khác”.
“Đây là bằng chứng thực tế đầu tiên cho thấy, một bộ phận của chiếc máy bay Boeing 777 trong chuyến bay MH370 mất tích hồi tháng 3/2014 có thể đã được tìm thấy. Vẫn quá sớm để đưa ra nhận định đó nhưng rõ ràng, đây thực sự là một phát hiện quan trọng”, Bộ trưởng Giao thông Australia Warren Truss, phát biểu.
Được biết, Australia đang là nước dẫn đầu trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 duy nhất bị rơi xuống biển từ trước đến nay.
Mảnh vỡ được phát hiện lần này dài khoảng hai mét nhưng trên đó không có số serie hay số đăng ký nào.
|
Mảnh vỡ được phát hiện trên bãi biển ở Saint-Andre, đảo La Reunion, ngày 29/7/2015.
|
Theo một quan chức Pháp thân cận với cuộc điều tra, đội điều tra nước này đã có mặt tại Reunion, trong khi các nhà điều tra Mỹ đang kiểm chứng bức ảnh chụp mảnh vỡ này.
Phần cánh phụ mới được phát hiện có thể giúp các nhà điều tra hình dung chiếc máy bay bị rơi như thế nào. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa rõ liệu nó có thể giúp đội tìm kiếm tìm được phần xác máy bay còn lại hay không.
Chiếc máy bay mang số hiệu MH370 bay qua biển Andaman, cách thành phố Penang, Malaysia, 370 km về phía Tây Bắc, trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Đảo Reunion cách thành phố Penang khoảng 5.600 km về phía Tây Nam và cách khu vực tìm kiếm hiện tại khoảng 4.200 km về phía Tây.
Cũng có thông tin rằng, sau khi máy bay “biến mất”, nếu có bất kỳ mảnh vỡ của chiếc phi cơ xấu số nổi lên thì cuối cùng nó sẽ trôi về bờ biển phía đông Châu Phi, theo chuyên gia an toàn hàng không John Goglia – cựu thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ.
Các nhà chức trách Reunion đã đề nghị cơ quan điều tra hàng không Pháp (BEA) phối hợp với các nhà điều tra quốc tế, nhất là Malaysia và Australia, để tìm ra nguồn gốc mảnh vỡ này.
Robin Beaman, một nhà địa chất hàng hải đến từ Đại học James Cook của Australia, kể lại, năm ngoái, một con thuyền bị lật và mất tích ở ngoài khơi bờ biển miền tây Australia. Song 8 tháng sau, người ta phát hiện con thuyền trên hòn đảo Mayotte của Pháp, phía Tây Madagascar, cách nơi nó biến mất 7.400 km.
"Tôi nghĩ, chúng ta không nên loại trừ bất cứ khả năng nào", Beaman nói.
Beaman tin rằng, các chuyên gia có thể phân tích các dòng hải lưu để xác định vị trí máy bay, cho dù thời gian đã trôi qua khá lâu và phạm vi tìm kiếm rộng lớn.
Nếu bộ phận này của chiếc máy bay mang số hiệu MH370, nó có thể cung cấp manh mối quan trọng cho các nhà điều tra đang cố gắng xác định nguyên nhân khiến chiếc phi cơ biến mất, Jason Middleton - một giáo sư hàng không tại Đại học New South Wales ở Sydney, nói. Họ cũng có thể xác định chiếc phi cơ đã phát nổ giữa không trung hay đâm xuống nước.
Ngoài ra, những con hàu bám trên mảnh vỡ cũng có thể giúp các nhà sinh học biển xác định khoảng thời gian bộ phận này ở dưới nước.
Trong 16 tháng qua, nhiều lần thông tin tìm được các vật thể nghi của máy bay mất tích xuất hiện như: Vật thể được phát hiện qua ảnh vệ tinh, nhiều vật dụng nổi trên mặt biển và trôi dạt vào bờ biển miền tây Australia hay vết dầu loang,… Tuy nhiên, tất cả đều không liên quan gì đến chiếc Boeing 777 trong chuyến bay MH370.
Ngày 29/7, mảnh vỡ mới được phát hiện nghi là cánh phụ của chiếc phi cơ mất tích hồi tháng ba năm ngoái lại khiến người thân của các nạn nhân hồi hộp chờ đợi kết quả.
Và, hy vọng mong manh về khả năng người thân còn sống sót có thể đều tan biến nếu mảnh vỡ trên được xác nhận là của chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 chở 239 người mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8/3/2014.
Thiên An (Theo AP)