Trừ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, năm thành viên còn lại trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị dự kiến sẽ nghỉ hưu vào cuối năm.
Khó có thể nói ai sẽ vào thay các chỗ trống này. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là đó hẳn phải gồm những người thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau đây là một số gương mặt được trông chờ rộng rãi là sẽ nắm các vị trí quan trọng trong đảng cầm quyền.
Trần Mẫn Nhĩ - "cộng sự thân thiết" của Chủ tịch Tập Cận Bình
|
Ông Trần Mẫn Nhĩ - "cộng sự thân thiết" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS |
Ông Trần Mẫn Nhĩ năm nay 56 tuổi, được bầu vào làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh thay cho ông Tôn Chính Tài, người đang bị điều tra tham nhũng.
Ông Trần Mẫn Nhĩ trải qua những năm đầu của sự nghiệp chính trị của mình tại quê hương Chiết Giang - nơi ông xây dựng mối quan hệ khăng khít khi làm việc dưới quyền ông Tập từ năm 2002 đến 2007 tại Ban Tuyên huấn tỉnh Phúc Kiến.
Kể từ đó, sự nghiệp của ông có vẻ khởi sắc và ăn khớp chặt chẽ với từng bước tiến của ông Tập tới vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông Trần làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu năm 2012, Chủ tịch tỉnh năm 2013, trước khi được thăng tiến lên chức Bí thư, vị trí cao tỉnh năm 2015.
Được cho là người thân tín của ông Tập, ông Trần gần như chắc chắn có một chân trong Thường vụ Bộ Chính trị tới đây.
Hồ Xuân Hoa - Bí thư Quảng Đông
|
Hồ Xuân Hoa - Bí thư thành ủy Quảng Đông. Ảnh: REUTERS |
Trước khi đảm nhận vị trí Bí thư Quảng Đông, một tỉnh có thế mạnh về kinh tế ở miền nam Trung Quốc, ông Hồ Xuân Hoa trải qua nhiều vị trí tại Tây Tạng, Hà Bắc và Nội Mông.
Ông lên làm Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng Sản Trung Quốc, cánh tay phải phụ trách thanh niên của Đảng, vào năm 2006.
Năm nay 54 tuổi, ông Hồ vào Bộ Chính trị hồi 2012, trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của cơ quan quyền lực gồm 25 thành viên chỉ đứng sau Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Hồ nằm trong "thế hệ thứ sáu" giới lãnh đạo Trung Quốc, ra đời trong thập nên 1960.
Cùng với Trần Mẫn Nhĩ, ông Hồ được coi là ứng viên có khả năng thay thế ông Tập Cận Bình, truyền thông độc lập của Hong Kong tường thuật.
Lật Chiến Thư – “đồng minh quyền lực” của Chủ tịch Tập
|
Lật Chiến Thư – “đồng minh quyền lực” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh GETTY IMAGES |
Ông Lật Chiến Thư là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và là người xử lý các hoạt động hàng ngày của ông Tập.
Năm nay 67 tuổi, ông thường tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du trong và ngoài nước, mà gần đây nhất là chuyến thăm của lãnh đạo Trung quốc tới Nga hồi tháng 7.
Ông Lật được đánh giá là người có kỹ năng quản ly tốt, từng giữ các chức vụ ở tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây. Ông vào Bộ Chính trị hồi năm 2012.
Ông cũng được cho là đồng minh quyền lực nhất của ông Tập, chỉ sau người đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng là Vương Kỳ Sơn, và là một người bạn thân thiết của Chủ tịch Tập kể từ đầu thập niên 1980 tới nay.
Vương Hỗ Ninh – “Kissinger của Trung Quốc”
|
Vương Hỗ Ninh – “Kissinger của Trung Quốc”. Ảnh: GETTY IMAGES |
Ông Vương Hỗ Ninh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và thường xuyên tháp tùng ông Tập Cận Bình trong các chuyến công du nước ngoài.
Vị cựu học giả 61 tuổi này từng nắm vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quan hệ giữa Bắc Kinh và Hong Kong trong thời gian gần đây.
Ông Vương có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực xây dựng chính sách khi làm việc dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Tờ nhật báo Ming Pao của Hong Kong cho biết ông Vương dễ dàng có cơ hội vào Thường vụ Bộ Chính trị vì nhận được sự tin tưởng từ ông Tập.
Tuy nhiên, tờ báo này bổ sung: "Ông không phải là một nhân vật nổi bật và có nguồn tin cho rằng ông không quan tâm tới việc được đề bạt thăng tiến".
Uông Dương - Phó Thủ tướng
|
Uông Dương - Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Ảnh: GETTY IMAGES |
Ông Uông Dương hiện là một trong bốn phó thủ tướng và là một thành viên đã tham gia Bộ Chính trị được hai nhiệm kỳ.
Chính khách kỳ cựu này từng là Bí thư Quảng Đông giai đoạn 2007-2012 và hỗ trợ cho cho tham vọng của ông Tập trong Sáng kiến “Một vành đai và một con đường”.
Giống như ông Hồ Xuân Hoa, ông Uông xuất thân phái Đoàn Thanh niên và đang được coi là một trong những ứng viên hàng đầu cho một ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị, theo truyền thông Hong Kong.
Hiện đang có những chỉ dấu ngày càng tăng cho thấy ông Uông có thể thay thế ông Lý Khắc cường trong vị trí thủ tướng. Điều này có thể phá vỡ truyền thống hai nhiệm kì của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Hàn Chính - Lãnh đạo Thượng Hải
|
Hàn Chính - Lãnh đạo của Thượng Hải. Ảnh: GETTY IMAGES |
Ông Hàn Chính hiện là ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông từng làm thị trưởng rồi phó bí thư Thượng Hải.
Một số người cho rằng ông Hàn có thể thay ông Vương Kỳ Sơn ở cương vị đứng đầu cơ quan chống tham nhũng đầy quyền lực, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nếu như ông được thăng chức, thì điều này sẽ "là bằng chứng chứng minh rằng sự kiên trì bền bỉ sẽ được đền đáp, khi mà gương mặt 63 tuổi này cách đây một thập niên chưa từng được coi là chiến mã tiềm năng trong danh sách các ngôi sao đang lên trong nền chính trị tại đại lục", báo South china Morning Post bình luận.
Thượng Hải từng là bệ phóng cho một số cựu lãnh đạo, trong đó ông Tập Cận Bình từng giữ chức Bí thư thành ủy trước khi vào Thường vụ Bộ Chính trị hồi 2007.
Một số ứng viên tiềm năng khác:
Lý Hồng Trung: Bí thư thành phố cảng Thiên Tân
Trần Toàn Quốc: Bí thư Khu tự trị Tân Cương
Triệu Nhạc Tế: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng đầy quyền lực, là cơ quan chịu trách nhiệm thăng chức, luân chuyển quan chức
Lưu Hạc: Giám đốc Văn phòng Kinh Tài Trung ương.
Minh Châu (Theo BBC Monitor)