Ngày càng nhiều phụ nữ TQ thích lấy 'phi công trẻ"

Google News

Thái độ đối với hôn nhân tại Trung Quốc đã dần dần thay đổi, Nhật báo Quảng Châu cuối tuần trước dẫn nghiên cứu của Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học Xã hội.

SCMP cho hay, đó là vào năm 1985, bà Zhu khi đó 25 tuổi và đang sống tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc.
Mặc dù người yêu của bà chỉ kém bà có 2 tuổi, nhưng theo quan niệm về tuổi tác vào thời điểm đó thì ông ấy còn quá trẻ để trở thành một đức lang quân phù hợp. Vì thế, hai người buộc phải chia tay.
Ngay cang nhieu phu nu TQ thich lay 'phi cong tre"
Ảnh: SCMP 
"Ngày ấy, nếu một người đàn ông kết hôn với một phụ nữ lớn tuổi hơn, thì dù cho họ yêu nhau thực sự, anh ấy vẫn bị coi là một kẻ bại trận", bà Zhu nói, đồng thời cho biết những ông chồng luôn được mặc định là giỏi giang hơn và già hơn vợ của mình.
"Đó là một quan niệm thực sự cực đoan, kéo dài mãi tới những năm 2000. Tôi không muốn gia đình tôi bị hàng xóm chê cười nên tôi đành từ bỏ mối quan hệ của mình".
Thái độ đối với hôn nhân tại Trung Quốc đã dần dần thay đổi, Nhật báo Quảng Châu cuối tuần trước dẫn nghiên cứu của Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Theo nghiên cứu, chỉ có 13% các cuộc hôn nhân vào những năm 1990 liên quan tới những chú rể ít tuổi hơn cô dâu. Nhưng tới những năm 2010, con số này đã tăng lên 40%.
Cơ hội giáo dục, việc làm tốt hơn đối với phụ nữ cũng như sự bình đẳng giới đã góp phần khiến cho quan niệm chồng phải già hơn vợ dần biến mất.
Con gái bà Zhu, chị Yang Siwei (31 tuổi) là bằng chứng sống về những thái độ sống trong một gia đình Trung Quốc đã thay đổi chỉ trong một thế hệ. Nữ quản lý quan hệ công chúng tại một doanh nghiệp công nghệ ở Thượng Hải đã kết hôn với một người đàn ông kém cô 4 tuổi.
"Đối với thế hệ của mẹ tôi, những người đàn ông thành công và lớn tuổi hơn được coi là những yếu tố để trở thành một người chồng tốt", Yang nói.
"Các đức ông chồng thường kiểm soát vợ của họ, nhưng ở thế hệ tôi, mọi chuyện không như vậy nữa. Tình yêu không liên quan gì tới tiền bạc, sự giáo dục hay tuổi tác mà là sự chia sẻ và một mối quan hệ bình đẳng".
Luo Aiping, một luật sư gia đình kiêm đồng tác giả của cuốn "Điều tra về phụ nữ ế chồng tại Trung Quốc", cho biết hôn nhân không ràng buộc đã giúp đàn ông và phụ nữ bình đẳng với nhau.
Những mối quan hệ như vậy đang ngày càng phổ biến tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, chị Luo nói thêm. "Xu hướng đàn ông lấy phụ nữ hơn tuổi mình đồng nghĩa với việc quan niệm truyền thống tại Trung Quốc đã thay đổi. Chị em chúng ta nên ăn mừng vì điều đó".
Theo Sầm Hoa/Vietnamnet