Tình hình chiến sự giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga tiếp tục khiến các nhóm cảnh sát tới từ Hà Lan và Australia gặp trở ngại trong việc tiếp cận hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17.
Các nhà điều tra hàng không quốc tế đã tỏ ra khá thất vọng khi không thuyết phục được các dân quân tự vệ miền đông cho họ vào tiếp cận hiện trường. Một điều ít ai biết được rằng, ngoài việc lo toan tìm cách ứng phó với quân chính phủ, các lãnh đạo phe ly khai cũng đang đau đầu trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ của mình.
Do vậy, dư luận đang khá bận tâm xem ai là người chỉ huy lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Một số nguồn tin cho hay, họ chủ yếu là người Nga, chứ không phải Ukraine. Họ từng là các nhân viên an ninh hay tình báo, tham gia các cuộc chiến của Nga trên khắp Liên Xô.
Lãnh đạo Igor Strelkov “khủng khiếp”
Trong vòng vài giờ sau khi máy bay MH17 bị bắn hạ, một trong những lãnh đạo phe nổi dậy là Igor Strelkov (còn có biệt danh là Igor Khủng khiếp) đã gây sự chú ý trên toàn thế giới khi đăng tải đoạn thú nhận mình là người bắn chiếc máy bay đó.
|
Lãnh đạo Igor Strelkov (đứng giữa).
|
Một trang mạng xã hội liên quan đến ông Streklov, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho rằng, các dân quân tự vệ bắn hạ máy bay là do nhầm lẫn. Họ tưởng đó là một máy bay vận tải quân sự của Kiev.
Sinh ra và lớn lên tại Nga, chỉ huy 43 tuổi Strelkov (tên thật là Igor Vsevolodovich Girkin) có thời gian phục vụ quân ngũ trong giai đoạn hoàng kim của nước Nga và từng tham chiến ở Bosnia và Chechnya.
Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, ông chính là cựu nhân viên của GRU (cơ quan tình báo Nga). Ông lần đầu tiên xuất hiện ở Ukraine trong thời gian diễn ra cuộc xung đột ở bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014 dưới vai trò là “cố vấn an ninh” cho lãnh đạo ly khai ở vùng này.
Ông Strelkov không phải là một nhân vật duy nhất trong giới lãnh đạo của quân ly khai đông Ukraine. Vậy, thực sự họ là những ai trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ Nga?
Tổng thống Nga Putin nhiều lần phủ nhận sự dính líu trực tiếp hay gián tiếp của Moscow với phong trào ly khai ở Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính trị luôn nghi ngờ và dõi theo từng động thái của Nga trong vấn đề này.
“Hiện có một sự thay đổi đáng kể trong giới lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk trong nhiều tuần qua, trong đó thể hiện vai trò định hướng nhiều hơn từ Nga”, Đại sứ Mỹ tại Kiev Goefrey Patt cho hãng Reuters biết. “Những cá nhân này đang liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng ở Nga”.
Thủ tướng DPR Alexander Borodai
Đầu tháng 7, khi lực lượng Kiev tăng cường hoạt động quân sự chống lại quân ly khai, Thủ tướng DPR Alexander Borodai tuyên bố rằng, họ đang khẩn cầu sự tham vấn của Nga.
|
Thủ tướng DPR Alexander Borodai (áo xanh).
|
Cũng sinh ra tại Nga, ông Borodai trở thành gương mặt công chúng cho phong trào đòi ly khai ở miền đông Ukraine và xuất hiện khá dạn dĩ trước ống kính phóng viên báo đài trên khắp thế giới.
Trong những năm 1990, ông là một phóng viên lầm việc cho một tờ báo ở Moscow có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chính môi trường này đã giúp ông phát triển lòng nhiệt thành đối với phong trào ly khai và dẫn đưa ông trở nên nổi tiếng với danh xưng là người ủng hộ phong trào này trên khắp các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây.
Borodai thực sự thu hút cộng đồng quốc tế hồi năm 2002 khi mà tờ báo Nga Pravda đưa tin về việc ông ta được thăng cấp lên làm Phó Giám đốc Cơ quan an ninh Nga (FSB). Vào thời điêm đó, ông Borodai và FSB nhanh chóng bác bỏ tin trên và nói rằng, đó chỉ là một trò đùa của Pravda nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 30 của ông.
Đầu năm 2014, ông xuất hiện ở miền đông nam Ukraine dưới vai trò là người ra mặt để thương thảo và giải quyết các rắc rối chính trị (political fixer). Chưa kể, hồi mới tuần trước đây thôi, ông ta còn tiết lộ với BBC rằng, ông “luôn liên lạc” với các thành viên của cơ quan an ninh Nga.
Sau khi nhận sự tham vấn từ Moscow, Borodai liền cách chức Trưởng ban an ninh của mình, Alexander Khodakovsky, một người dân gốc Ukraine.
Cũng bị thanh trừng trong đợt đó còn có Chủ tịch của DPR Denis Pushlin, một người con gốc Ukraine từng dính líu tới vụ lừa đảo “kim tự tháp tài chính” Ponzi hồi năm 2003. Tuy nhiên, Alexander Borodai còn là một chỉ huy cao cấp của Tiểu đoàn Vostok.
Lãnh đạo chính trị Vadim Shevtsov
Thay thế vị trí của ông Khodakovsky trong bộ máy lãnh đạo của phe ly khai là một nhân vật chính trị dạn dày kinh nghiệm đủ năng lực để không mắc lại sai lầm chính trị. Người đó là Vladimir Antyufeyev (hay còn gọi là Vadim Shevtsov) được bổ nhiệm làm Giám đốc an ninh DPR. Ông năm nay 63 tuổi và là người vùng Siberia.
|
Phó Thủ tướng DPR Vladimir Antyufeyev.
|
Là một nhân vật cốt cán trong phong trào ly khai, ông Antyufeyev đã được liệt vào danh sách trừng phạt của EU và Canada lần này.
Antyufeyev bắt đầu sự nghiệp của mình như là một điều tra viên hình sự cao cấp trong thành phố Riga của Latvia. Khi Liên Xô sụp đổ, ông từ chối công nhận chủ quyền của Latvia đối với Riga và trốn sang Moscow.
Sau đó, ông nổi lên trong cuộc chiến ở hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô là Moldova và Transnistria, nơi ông đã xây dựng một mạng lưới an ninh đáng sợ trong 2 thập kỉ. Reuters đưa tin rằng, ông Antyufeyev nổi tiếng với vai trò là một nhà thẩm vấn đáng sợ.
Thanh Nga (theo ABC)