Những gạch đầu dòng dù rất nhỏ về nữ thi sĩ tài hoa ấy cho đến nay vẫn tốn không ít giấy mực của người đời. Nó gây sự tò mò, khát khao khám phá và hơn hết là thỏa một niềm cảm phục với bà chúa thơ Nôm. Cái thanh, cái tục trong mỗi vần thơ của bà hòa quyện với nhau, vấn vít ra những điều phá cách say lòng người. Ai đọc thơ bà một lần thì vỗ đùi, hả hê như gọi đúng nhân tình thế thái, đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Nỗi truân chuyên trong cuộc đời người con gái tài sắc rồi cũng đi vào thơ nôm của “bà chúa” với những trúc trắc rất đời thường. “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”… Ấy là thơ nhưng cũng là đời thực hiện hữu, mà lại là sự hiện hữu rất chân thật nên trải qua bao sóng gió của tư tưởng cũ hà khắc, thơ nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn tìm được đúng chỗ đứng của mình sau bao thăng trầm lịch sử.
Thơ Hồ Xuân Hương, nhiều người thuộc, thuộc rồi đem vận vào đời thường mà răn dạy cháu con, mà tự răn mình, thuộc để tìm ý tứ nương tựa nhưng hoàn cảnh trớ trêu. Nhưng bà Hồ Xuân Hương là ai? Cuộc đời của bà như thế nào thì không phải ai cũng biết, ngay cả với những người đã nằm lòng bàn tay hàng trăm bài thơ của bà.
Theo như sử sách chép lại, có sự thống nhất từ nhiều tài liệu cũ thì nữ thi sĩ quê gốc ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau này, bà cùng gia đình di chuyển ra kinh thành Thăng Long, một vùng đất ở cạnh Hồ Tây sinh sống. Có lẽ, đó là giả thuyết khiến nhiều người tin rằng, nơi bà sống cũng là nơi bà mất. Và, cho đến nay, vẫn có rất nhiều lời đồn thổi về mộ phần của Hồ Xuân Hương nằm lại dưới đáy Hồ Tây.
|
Nhiều lời đồn đoán cho rằng, mộ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương còn nằm lại dưới Hồ Tây. Ảnh minh họa |
Nhiều người dòng tộc họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu ngày nay vẫn lắc đầu thắc mắc chung một câu hỏi, rằng không biết mộ phần thật của bà chúa thơ nôm nay nằm ở đâu? Nhiều nơi, kể cả nơi “chôn rau cắt rốn” của bà bây giờ, người ta cũng chỉ dựng bia để tưởng nhớ về bà chứ không hề có mộ phần.
Theo như ghi chép trong tộc phả của dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi thì, ông Hồ Phi Diễn (1703- 1786) đỗ tú tài năm 24 tuổi, ra Bắc dạy học, lấy người con gái họ Hà quê Hưng Yên rồi sinh được con gái là Hồ Phi Mai (bút danh sau này là Hồ Xuân Hương) ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (nay ở vườn Bách Thảo gần hồ Tây).
Có người nói lại cho rằng, Hồ Xuân Hương là con ông Hương cống Hồ Sĩ Danh (1706- 1783), em ruột Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống. Tuy nhiên, phả hệ Quỳnh Đôi không thừa nhận điều này, vì ông Hồ Sĩ Danh sau khi đỗ Hương cống không ra làm quan, cũng không đi đâu xa khỏi làng nên không thể có con là Hồ Xuân Hương được.
Cũng theo tộc phả, thì Hồ Xuân Hương và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm) là anh em cùng có chung ông tổ 5 đời, cùng đời thứ 27 của Đức Nguyên tổ Hồ Hưng Dật. Dòng họ Hồ làng Quỳnh Đôi vốn nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt và làm quan.
Sau khi chuyển ra kinh thành sinh sống, cha mất, mẹ bà tái hôn với người khác. Mặc dù ít được cha mẹ quan tâm, song Hồ Xuân Hương là người phụ nữ có học và thông minh. Bà lớn lên trong thời cuối nhà Lê sơ và đầu nhà Nguyễn, giai đoạn mà xã hội phong kiến Việt Nam đương thời có nhiều biến động và bắt đầu mục rũa. Do đó, bà đã chứng kiến được những thăng trầm của thời đại và chứng kiến cảnh người phụ nữ bị những tư tưởng "trọng nam khinh nữ" chà đạp. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng lên các sáng tác của bà sau này.
Tài năng là vậy, tuy nhiên, đời riêng của người nữ sĩ họ Hồ lại vô cùng trúc trắc khi lấy đến hai đời chồng đều mang danh làm lẽ. Cũng có những dư luận cho rằng, sau này, bà lấy đến người chồng thứ ba nhưng lại có người nói bà ở vậy đến suốt đời.
Tôi đem câu chuyện của nữ thi sĩ tài hoa có số phận long đong, lận đận duyên tình đi dọc Hồ Tây để khám phá sự thật về mộ phần bà dưới đáy hồ mà nhiều người vẫn tò mò đặt câu hỏi. Tuy nhiên, có rất ít người biết đến phần mộ đặc biệt này.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, người gốc làng Nghi Tàm, gia đình có 18 đời sinh sống ở mảnh đất sát Hồ Tây cho biết: “Từ cách đây nhiều năm đã có rất nhiều người tìm đến làng cổ Nghi Tàm để xác minh về mộ phần nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Mấy chục năm trước, có gia đình nhà nọ thờ một tấm bia và tin rằng đó là bia gắn dưới mộ của bà. Tuy nhiên, sau này, khi gia đình đó chuyển đi nơi khác, ngôi nhà sang tên đổi chủ và người ta tìm hiểu về tấm bia đó thì lại hoàn toàn không phải.
Ông Diệp nói: “Tôi cũng không biết vì sao mà nhiều người lại tìm mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở làng này. Tuy nhiên, chúng tôi sống ở đây nhiều năm thì không hề thấy có, từ đời ông cha truyền lại cũng không thấy nói. Dù có thể nơi đây có liên quan đến tuổi thơ của bà chúa thơ nôm nhưng cũng không có điều gì chứng minh là mộ phần của bà ở làng này. Dù vậy, biết đâu đấy, mộ của bà cũng đã tan hòa cùng sóng nước Hồ Tây. Như thế, chúng tôi cũng thấy được gần bà mỗi ngày khi nhìn vào sóng nước”.
Qua những tư liệu ít ỏi của ông thủ từ đình Nghi Tàm, tôi tiếp tục lần tìm những manh mối về ngôi mộ đặc biệt này. Và, tôi được biết, có những cuộc tìm kiếm bằng phương pháp tâm linh xác định vị trí chính xác của ngôi mộ đặc biệt này.
(còn tiếp)
Theo Người Đưa Tin