Sự thật khó tin về ý nghĩa bài thơ "Khóc Tổng Cóc"

Google News

Với người Tứ Xã, bài thơ Khóc Tổng Cóc ai cũng thuộc và đều hiểu rằng, Hồ Xuân Hương khóc cho mối tình đã chết chứ không phải vì Tổng Cóc đã chết.

Kỳ 4 (kỳ cuối): Sự thật bài thơ "Khóc Tổng Cóc"
Chính sự yêu chiều vợ ba thái quá của ông Tổng Cóc, đã đẩy bà Hồ Xuân Hương và mối tình của họ vào bi kịch. Dân làng nhìn thấy rõ ràng, trong khi vợ cả, vợ hai suốt ngày lội đồng, lại quán xuyến chuyện nhà cửa, thì bà vợ bé chỉ biết rong chơi, thơ phú giễu đời, lại còn hay kết bạn với đám giai.
Cái thú phung phí xa hoa kiểu con gái kinh kỳ trở thành cái gai trước mắt đám dân làng ở vùng đầm lầy nước đọng chỉ quen ăn no vác nặng, phong tục lại cổ hủ. Chính vì bị dân làng ghét bỏ, xỏ xiên, nên cuộc sống của nữ sỹ Hồ Xuân Hương mỗi ngày lại thêm cô độc. Tổng Cóc đi đến đâu cũng phải nghe người đời nhiếc móc thị phi về vợ nên ông rất buồn.
Su that kho tin ve y nghia bai tho
 Ngôi nhà cổ của Tổng Cóc ở Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ). 
Cũng đã có lần, ông Tổng Cóc khuyên vợ nên sống hòa đồng với gia đình, làng xóm, không làm được việc nặng, thì cũng nên tham gia việc nhẹ. Giai thoại trong làng còn kể chuyện bà Hồ Xuân Hương đi tập xách nước. Hai tay xách hai lọ nước bé tẹo mà dáng đi cứ õng à õng ẹo, đi được đoạn lại nghỉ, mà xách được lần thứ ba đã ngồi thở dốc.
Có hôm trời mưa, đường trơn, các cụ già đang ngồi trong điếm Minh Hạc (điếm Minh Hạc nằm trước chùa Vắp Cổ, hiện không còn) bàn việc xóm thấy Hồ Xuân Hương ngã chổng vó ra giữa đường, hai lọ nước vỡ tung tóe. Mọi người nhìn thấy cảnh ấy thì cười giễu cợt. Hồ Xuân Hương liền chống thẹn với các cụ bằng câu thơ: “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”.
Tổng Cóc dù có tính cách nghệ sĩ đến đâu cũng không vượt khỏi lề thói cổ hủ của làng mình, nhất là lại nằm trong giới nhà nho cố chấp. Tổng Cóc cũng đã khuyên can vợ bớt tính nghệ sĩ đi, chịu khó làm lụng, nhưng không ăn thua, thành thử, vợ chồng sinh ra xung khắc.
Su that kho tin ve y nghia bai tho
 Căn buồng được cho là nơi bà Hồ Xuân Hương ở. 
Một lần, có ông thầy bói bảo với bà vợ cả của Tổng Cóc: "Bà thử đặt lá chuối dưới chiếu cô vợ ba, nếu hôm sau, tàu lá chuối bị nhăn nhúm, rách nát thì là người bình thường, nếu tàu lá chuối còn lành lặn, đích thị cô ta là quỷ".
Người đàn bà lịch lãm như Hồ Xuân Hương, chứ có giống đâu mấy chị ăn no ngủ kỹ mà lăn bên nọ, lộn bên kia làm nát tàu lá chuối được. Chuyện này cả nhà, cả tổng đều biết, thế là Tổng Cóc sinh nghi, rồi nản lòng. Chàng liền bỏ lại gia đình, để bức thư có ý trách móc dưới gối Hồ Xuân Hương, rồi lang bạt kỳ hồ.
Khi Tổng Cóc trở về mới biết nàng cũng đã bỏ đi trong cảnh bụng mang dạ chửa. Tổng Cóc đi dò la thì té ngửa nàng đã làm vợ lẽ ông phủ Vĩnh Tường.
Dân làng Sơn Dương vẫn còn kể chuyện rằng, ông phủ Vĩnh Tường đã đưa cả ngựa xe võng lọng đến đón Hồ Xuân Hương đi.
Su that kho tin ve y nghia bai tho
Đôi lộc bình gỗ mít cổ có khắc bài thơ được cho là do bà Hồ Xuân Hương sáng tác, hiện thuộc sở hữu của anh Thắng  
Chuyện Hồ Xuân Hương rũ bỏ ông Tổng Cóc đi lấy ông phủ Vĩnh Tường một cách nhanh chóng lẽ ra phải biến thành chuyện “xỏ xiên” của dân làng, nhưng chuyện ngược lại hoàn toàn. Dân làng Tứ Xã lại ca ngợi và trân trọng hành động của bà, bởi họ biết rằng, bà Hồ Xuân Hương bỏ đi là hy sinh hạnh phúc của mình, để giữ uy tín cho ông Tổng Cóc trước việc làng, việc nước, giữ cho gia đình ông Tổng Cóc được trong ấm ngoài êm.
Đến nay, người dân trong làng vẫn khẳng định rằng, bà Hồ Xuân Hương vì quá yêu chồng nên phải dứt tình ly biệt, một mình ra đi ôm theo nỗi đau câm lặng.
Đến ngày Xuân Hương khai hoa nở nhụy, Tổng Cóc đến gặp Hồ Xuân Hương với mục đích đón giọt máu của mình về nuôi, nhưng con sen nhà ông phủ Vĩnh Tường bảo rằng con gái của hai người đã chết ngay lúc lọt lòng. Chàng Cóc đành ra về tay không, lòng sầu vô hạn. Thời gian sau, chàng nhận được bài thơ "Khóc Tổng Cóc".
Bài thơ là một lời giã biệt, vừa mang vẻ hờn oán, giận người bỏ đi, vừa như một lời khóc thương cho số kiếp của mình.
Với người dân Tứ Xã, bài thơ đó ai cũng thuộc và đều hiểu rằng, Hồ Xuân Hương khóc cho một mối tình đã chết chứ không phải khóc vì ông Tổng Cóc đã chết với nước mắt ráo hoảnh, lời lẽ khinh bỉ (gọi ông với giọng coi thường là giống cóc, nhái bén, nòng nọc, chẫu chuộc) như cái ý thô thiển mà chúng ta vẫn hiểu.
Cũng chính vì khóc cho mối tình dang dở mà những câu chữ như mang nỗi lòng vừa chảy nước mắt vừa chảy máu của con người bạc phận: "Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/ Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!". Nghe người Tứ Xã kể, rồi ngẫm lại nội dung bài thơ, thấy người Tứ Xã nói đúng hơn so với lối phân tích thơ kiểu suy diễn của các giáo viên và hầu hết các nhà thơ, nhà văn.
Mặc dù không có chứng lý khoa học nào, nhưng cả làng cả tổng Tứ Xã cũng như những vùng lân cận đều kể những câu chuyện giống nhau như thế, khiến người ta không thể không tin đó là sự thực.
Mong rằng, các nhà nghiên cứu cần quan tâm đến vấn đề này, để giải oan cho ông Tổng Cóc, một người vẫn bị gọi là trọc phú thô bỉ, một cường hào ác ôn, dốt nát chữ nghĩa. Và, cũng là để nhân dân trong vùng Lâm Thao, đặc biệt là tổng Gáp ngày xưa, Tứ Xã ngày nay, hiểu và thông cảm hơn cho một thân phận đa đoan, tủi hổ của của một nữ nghệ sĩ tài năng phải chịu hai lần kiếp vợ lẽ: "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng" (thơ Hồ Xuân Hương).
Qua câu chuyện của nhân dân kể về những ngày bà chúa thơ Nôm ở Tứ Xã, ta cũng hiểu hơn về thân phận làm dâu với "ba chìm bảy nổi", "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn" của nữ sĩ tài ba Hồ Xuân Hương.
Su that kho tin ve y nghia bai tho
 Khu vực hậu ngôi chùa Vắp Cổ này có mộ của ông Tổng Cóc. 
Sau khi gặp gỡ con cháu ông Tổng Cóc, một thời gian sau, tôi nhận được thông tin từ ông Nguyễn Bình Ngạn rằng, dòng họ Nguyễn Bình đã tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bình Kình, tên tục là Tổng Cóc.
Cụ Nguyễn Bình Chấn, 84 tuổi, hiện sống ở xã Minh Phú, Đoan Hùng, Phú Thọ, cứ mỗi lần về ăn giỗ họ, lại dẫn dòng tộc tới khu vực mà theo cụ, đó là nơi chôn ông Tổng Cóc. Cụ Chấn cũng như con cháu cụ Tổng Cóc nhớ rõ được nơi đặt mộ cụ là bởi mộ cụ Tổng Cóc nằm trong hậu cung chùa Vắp Cổ.
Theo các cụ già, phải là người có uy lớn với dân làng, được dân làng kính trọng thì mới được chôn trong hậu cung của chùa.
Cụ Chấn kể rằng, trước năm 1945, cứ vào 25 tháng Chạp hàng năm, cụ Chấn lại được cha, chú dẫn đi tảo mộ, trong đó có mộ ông Tổng Cóc. Mộ ông Cóc rất to, xây bằng đá ong (xã Sơn Vi, cách Tứ Xã 2km có rất nhiều đá ong). Tuy nhiên, năm 1960, người ta đã phá khu mộ, phá hậu cung chùa Vắp Cổ để xây nhà kho Hợp tác xã nông nghiệp Thạch Vỹ (Tứ Xã). Con cháu ông Tổng Cóc đều biết chuyện này, nhưng không thể khai quật mộ cụ, bởi nếu khai quật, cần phải phá bỏ ngôi nhà.
Thật may mắn, cái trụ sở của hợp tác xã ấy đã nằm trúng vào dự án xây dựng trường mầm non số 1 của Tứ Xã. Sau khi phá bỏ nhà kho, dòng họ Nguyễn Bình đã tiến hành đào bới theo chỉ dẫn của ông Chấn và các cụ già trong họ và quả thực, họ đã tìm thấy một tiểu sành lớn, có dáng dấp và họa tiết khá cổ, không giống với những loại tiểu có cách nay vài chục năm.
Con cháu ông Tổng Cóc, dòng họ Nguyễn Bình đều tin chắc rằng, đó là mộ của cụ Tổng Cóc.
Theo Dương Phạm Ngọc/VTC