Tiết lộ kinh ngạc về Tổng Cóc và bà chúa thơ Nôm

Google News

Tổng Cóc là người hào hoa phong nhã, văn võ toàn tài, là ước mơ của tất cả các cô gái trong tổng, còn Hồ Xuân Hương thì xấu xa đủ thứ!

Kỳ 2: Sự thật lạ lùng về Tổng Cóc
Trong những ngày lang thang tìm hiểu về ông Tổng Cóc và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, ở vùng Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ), khi gợi chuyện về bà Hồ Xuân Hương và ông Tổng Cóc, những người già đều bất bình về một... vở kịch! (vở kịch "Hồ Xuân Hương" của tác giả Thùy Ninh và Bùi Đức Hạnh - PV).
Những người hậm hực nhiều nhất với vở kịch này tất nhiên là con cháu ông Tổng Cóc. Ai cũng nói một câu "toàn xuyên tạc, toàn bóp méo". Lý do là vở kịch này đã mô tả Tổng Cóc là một tên trọc phú, hình thù xấu xí, đần độn, ngu si, dốt nát và là kẻ phàm phu tục tử...
Tóm lại, nhân vật Tổng Cóc trong vở kịch là một người không những xấu cả người mà xấu cả tính, còn Hồ Xuân Hương phải cam chịu cảnh vợ lẽ côi cút, bị cả chồng lẫn vợ cả hành hạ, chà đạp.
Thực tế, trong con mắt của người dân Tứ Xã, ông Tổng Cóc là một người hào hoa phong nhã, văn võ toàn tài, là ước mơ của tất cả các cô gái trong tổng, còn Hồ Xuân Hương, vợ lẽ của ông thì xấu xa đủ thứ!
Tiet lo kinh ngac ve Tong Coc va ba chua tho Nom
 Ông giáo Phú bên chiếc bậu cửa chạm trổ công phu.
Nghe người dân đều nói một giọng như vậy, tôi cũng thấy giật mình. Tuy nhiên, khi tìm hiểu mới thấy, chuyện người dân Tứ Xã nhận định về ông Tổng Cóc và bà Hồ Xuân Hương như thế cũng không có gì lạ.
Hỏi chuyện về ông Tổng Cóc và bà Hồ Xuân Hương, người dân Tứ Xã và Sơn Dương, ai cũng có thể kể dăm ba chuyện. Người dân trong vùng giới thiệu tôi đến gặp hai người cháu của ông Tổng Cóc là ông Nguyễn Bình Ngạn, cháu 6 đời, hiện sống ở khu 20 và ông Nguyễn Bình Phúc, cháu 7 đời, hiện sống ở khu 19, xã Tứ Xã.
Ông Nguyễn Bình Phúc vẫn đang sống trên mảnh đất mà xưa kia là của cụ Tổng Cóc. Đất nhà cụ rộng ngút tầm mắt, chiếm tới nửa làng, nhưng giờ ông Phúc được thừa hưởng chưa đầy sào đất cùng với một tấm bia đá cổ.
Tấm bia này được tạc bằng đá trắng, chữ còn chữ mất rất khó đọc. Một số nhà khoa học đã tận mắt tấm bia, chụp lại chữ nghĩa, nhưng đến giờ vẫn không luận nổi. Ông Ngạn và ông Phúc kể cho tôi rành rẽ mọi chuyện về cụ Tổng Cóc nhà mình.
Tiet lo kinh ngac ve Tong Coc va ba chua tho Nom-Hinh-2
 Ông Ngạn và ông Phúc là con cháu của cụ Tổng Cóc.
Ông Tổng Cóc có tên thường gọi là Nguyễn Bình Kình. Khi đi lính, lên chức Đội gọi là Đội Kình. Làm Lý trưởng được gọi là Lý Kình. Khi làm phó tổng được gọi là Tổng Kình.
Tên chữ của ông là Nguyễn Công Hòa. Cóc là tên gọi xấu xí từ bé mà cha mẹ đặt cho tà ma đỡ quấy. Cũng có vài ý kiến của các cụ già trong làng cho rằng, từ bé Kình đã có tính gan lỳ cóc tía, nên gọi là Cóc để biểu hiện tính gan góc, kiên cường.
Sau này, vì Hồ Xuân Hương có bài thơ "Khóc Tổng Cóc" nên dân làng mới gọi ông là Tổng Cóc, và cũng chính vì cái tên này, mà hình tượng ông bị bóp méo, xuyên tạc hoàn toàn. Lại thêm mấy văn nghệ sĩ, mấy ông giáo có óc suy luận thích thêm mắm thêm muối cho câu chuyện tình thêm bi kịch, nước mắt, thành ra, Tổng Cóc đã mang tiếng xấu lại càng xấu hơn, đã bị hiểu lầm là ác bá lại càng ác hơn.
Tiet lo kinh ngac ve Tong Coc va ba chua tho Nom-Hinh-3
 Ông Phúc bên tấm bia cổ tương truyền có từ thời cụ Tổng Cóc.
Ông Nguyễn Bình Ngạn bức xúc với tôi khi kể về cụ tổ Tổng Cóc nhà mình: “Thật không thể chịu nổi. Họ cứ ra sức chửi bới, nói xấu tổ tiên tôi, xuyên tạc lịch sử. Họ bảo ông Tổng Cóc là loại vô học, ác ôn, cường hào ác bá, thì đúng là thêm một lần nữa họ sỉ nhục bà Hồ Xuân Hương nhà tôi. Chẳng lẽ một người xinh đẹp, tài hoa, có tư tưởng tiến bộ như bà Hồ Xuân Hương lại đi lấy một người vừa xấu như cóc, nhái bén, chẫu chuộc, lại bỉ ổi, ác ôn?”.
Tổng Cóc là con cháu ba đời của quan nghè làng Gáp (thuộc Tứ Xã ngày nay) Nguyễn Quang Thành. Điều này được ghi rõ trong gia phả họ Nguyễn Bình ở Tứ Xã, chỉ tiếc cuốn gia phả đã bị bom giặc Pháp thiêu cháy năm 1951. Tuy nhiên, các cụ già trong họ Nguyễn Bình vẫn nhớ nội dung và chép lại rõ ràng.
Trong cuốn "Lịch triều tạp kỷ" ghi: "Ông Nguyễn Quang Thành có tiếng thần đồng. 24 tuổi thi đỗ tiến sĩ. Xuất thân năm Canh Thân, Lê Chính Hòa (1680). Ông làm quan trong triều giữ chức Thiểm đô ngự sử đời vua Lê Hy Tông" (Nay còn ghi ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Nguyễn Hữu Nhàn xác minh và ghi lại). Ông còn được vua ban cho câu đối: “Thạch Cáp (tên chữ của làng Gáp) thần đồng danh vị ngãi/ Lê triều tiến sĩ lộc do tồn” (dịch nghĩa: Tiếng tăm vị thần đồng Thạch Cáp chưa hết/ Phúc lộc của vị tiến sĩ triều Lê hãy còn).
Là con cháu bậc danh gia, Tổng Cóc đã từng theo cửa Khổng sân Trình và lều chõng đi dự thi hương. Tổng Cóc kết thân với Tú Điếc người làng Xuân Lũng và nho Trâm người làng Kinh Kệ.
Tiet lo kinh ngac ve Tong Coc va ba chua tho Nom-Hinh-4
 Cửa phòng bên trong ngôi nhà của Tổng Cóc.
Ba người quen biết Hồ Xuân Hương trong dịp đi thi hương ở kinh thành Thăng Long. Nhờ sự mối manh của họ mà cụ Đồ Xứ (đỗ đầu xứ nên khi dạy học gọi là Đồ Xứ) người Nghệ An đã dẫn con gái Hồ Xuân Hương về làng Sơn Dương, cạnh làng Gáp để dạy học.
Thời đó, dân gian truyền tụng câu: “Lý Lạng Hồ, đồ Sơn Dương, hương Sơn Thị”. Có nghĩa, làng Lạng Hồ có nhiều chức lý nhất, làng Sơn Thị có nghề se hương, còn “đồ Sơn Dương” có nghĩa là làng này có rất nhiều ông đồ dạy chữ Hán.
Tổng Cóc và bạn hữu thường xuyên sang Sơn Dương ngâm vịnh thơ phú cùng Hồ Xuân Hương để tìm cách tán tỉnh nàng. Một lần, vào đúng đêm 30 Tết, ba anh chàng Tú Điếc, nho Trâm và Tổng Cóc đến tán tỉnh, Xuân Hương đã mời trầu rồi ra một vế đối. Nghe vế đối, hai chàng Tú Điếc và nho Trâm hết gãi đầu lại gãi tai, còn Tổng Cóc chỉ cười tủm tỉm, mà không đối lại.
Sớm hôm sau, tức mùng một Tết, Cóc ta mò đến nhà cụ Đồ Xứ một mình cùng với lời chúc Tết. Cụ Đồ Xứ tỏ vẻ không hài lòng, bảo: “Thưa ông Tổng Cóc, trong xứ Nghệ tôi thì: Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba mới tết thầy”.
Tổng Cóc liền lễ phép thưa: “Chả là tối qua con có hẹn với Xuân Hương, giải câu đối của nàng thì sáng nay ở đây mới là đúng chỗ. Tối qua Xuân Hương ra câu đối: "Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới", thì sáng nay Kình con xin đáp lại: "Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào".
Nghe vế đối thông minh, hoàn chỉnh của Tổng Cóc, cụ Đồ Xứ đã phải reo lên khen ngợi rằng: “Đúng là con cháu một nhà: Trâm cốt cơ cừu lưu thế trạch/ Thi thư lễ dịch chấn gia phong” (ý nói nhà ấy mãi mãi giữ được các của quý vua ban, cũng như mọi kinh sách của đạo thánh hiền).
Tiet lo kinh ngac ve Tong Coc va ba chua tho Nom-Hinh-5
 Cụ Dương Văn Thâm là người viết lại sự thật về cụ Tổng Cóc và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
Được thấy tài năng của Tổng Cóc, nên sau này Hồ Xuân Hương ngỏ ý với cha được lấy Tổng Cóc làm vợ ba. Ông Đồ Xứ không những không phản đối gì mà còn ủng hộ con gái lấy được người xứng mặt anh hào.
Khi có bài thơ "Khóc Tổng Cóc", thì Tổng Cóc được cả nước biết đến, còn trước đó Tổng Cóc, tức Tổng Kình, đã nổi tiếng cả vùng từ hồi còn làm Lý trưởng.
Người Tứ Xã kể rành rọt rất nhiều chuyện về ông Chánh tổng làng mình. Chuyện rằng, hồi Lý Kình đi viếng đám ma mẹ tên Đội Bính làng Tứ Mỹ. Đội Bính hống hách khét tiếng nên không thèm đáp lễ lại người vào viếng trước linh cữu mẹ mình.
Biết chuyện, Lý Kình thắp hương khấn vái xong, đứng ì ở chiếu không chịu ra. Mọi người đều ngơ ngác kinh hãi. Trong lúc ấy, anh Gié đứng bên ngoài cố ý nói to: "Ông Lý nhà tôi còn phải chờ Quan đội đáp lễ theo đúng cổ lệ mới ra được".
Đội Bính hống hách phải vái tạ anh Lý làng Gáp đã lưu truyền cả một vùng. Đến nay, trong những đêm mùa đông bên bếp lửa, các cụ già ở Tứ Xã vẫn kể cho con cháu nghe và tự hào về ông Lý làng mình.
Lại còn chuyện huyền thoại nữa: Ở làng Thạch Hà (huyện Phong Châu ngày nay) có Tú Đanh hợm mình quá đỗi, khinh bỉ dân thường, ra điều có chút văn chương, lại hơn tài võ nghệ. Tại ngôi hàng nước đầu làng, hắn ra lệnh cho bà chủ quán phải để dành một cánh phản, rải chiếu miến sạch sẽ, không cho khách nào được ngồi, để khi nào qua đường hắn vào đó nghỉ ngơi.
Nghe dân gian bàn tán chuyện ấy, không chịu nổi, Tổng Cóc đã cùng anh Gié lên làng Thạch Hà tìm gặp Tú Đanh. Ông Gié, tên thật là Bùi Văn Chẩn (cụ tổ của ông Bùi Phục Hưng, hiện vẫn đang sống ở Tứ Xã. Ông Hưng là người thờ cúng ông Chẩn. Gọi là ông Gié, vì gọi theo tên con gái cả, đó là tục gọi theo tên con ở Tứ Xã). Ông Gié là con nhà nghèo, được Tổng Cóc nhận về nuôi, dạy võ, theo hầu cắp tráp, điếu đóm cho Tổng Cóc và đi du ngoạn khắp nơi cùng chủ.
Tổng Cóc vào quán, giả như vô tình, ngồi chễm chệ trên tấm chiếu miến đó. Bà chủ quán hoảng hốt van lạy, nhưng Cóc chẳng chịu lui. Bà hàng quán phải vào tận nhà Tú Đanh bẩm báo “quan Tú”.
Tú Đanh gầm lên với bà chủ quán: “Ra bảo thằng ấy có giỏi dẫn xác vào đây”. Chỉ đợi có thế, Cóc cùng anh Gié vào nhà hắn. Cóc từ tốn bảo: “Nghe nói trong nhà có điếu đẹp, thuốc ngon, vào hút nhờ điếu thuốc”.
Tú Đanh chỉ nói một tiếng “được” rồi sai người nhà mang lửa lên. Tú Đanh ngồi trên sập gụ, quần vén cao. Người hầu mang hòn than đang cháy đỏ lên. Tú Đanh đặt hòn than đỏ lên đùi thổi lửa. Mùi thịt cháy khét lẹt tỏa khắp phòng.
Tổng Cóc khuôn mặt tỉnh bơ, nhanh như chớp, phóng dao găm cắm "phập" lên xà nhà. Tú Đanh gọi người mang đóm lên châm lửa từ hòn than đang đỏ rừng rực trên đùi để mời khách hút thuốc.
Anh Gié vỗ đùi bạch một tiếng, nhảy phốc lên mái nhà rút con dao xuống, chẻ đóm mềm mại như xé lụa trước mặt Tú Đanh.
Tú Đanh biết không dọa được thầy trò Tổng Cóc, bèn xuống giọng mời Tổng Cóc dùng trà, thuốc mà không đả động gì đến sự việc diễn ra ở chiếc quán đầu làng.
Câu chuyện này có vẻ hoang đường, nhưng nó là niềm tự hào của người dân Tứ Xã, bởi câu chuyện khẳng định rằng, Tổng Cóc là người trượng nghĩa, thương dân, ghét kẻ cường hào, chứ không phải hạng tầm thường ham sống sợ chết.
Còn tiếp…
Theo VTC News