Vậy mà, tôi gái Bắc lấy chồng trai Trung và chúng tôi sống ở Miền Nam. Những ngày Tết sắp đến, câu hỏi mà tôi gặp nhiều nhất là "năm nay Tết nội hay Tết ngoại?".
Tính ra tôi có hẳn 3 quê, nhưng chuyện ăn Tết ở đâu, Tết nội hay Tết ngoại không phải nỗi bận tâm của gia đình tôi. Vì trước khi cưới, hai vợ chồng đã tự ra "luật hôn nhân", bao gồm cả chuyện Tết về nhà ai. Cả hai vợ chồng đều có tư tưởng khá thoáng, thêm nữa chồng cũng thích nhà ngoại và yêu thương vợ, nên nhà tôi chia đều, năm nay Tết ngoại năm sau Tết ngoại, cứ vậy luân phiên không cần bàn cãi. Đó là văn hóa gia đình tôi, nhưng cũng có rất nhiều gia đình, Tết phải về quê nội.
Cô bạn tôi năm nào cũng thở dài than thở, 10 năm rồi từ ngày lấy chồng chưa được ăn Tết cùng bố mẹ đẻ. Và 10 năm ấy, năm nào vợ chồng cũng lục đục cãi nhau vì chuyện ăn Tết ở đâu, cô bạn năm nào cũng đấu tranh nhưng đều thất bại. Chồng nó luôn lấy lý do, đi xa cả năm có mỗi ngày Tết về với bố mẹ báo hiếu.
Có lẽ anh chỉ cần báo hiếu với bố mẹ mình, rồi ai báo hiếu với bố mẹ vợ? Anh muốn trở thành người con có hiếu nhưng lại đẩy vợ anh thành đứa bất hiếu? Trong khi đó gia đình anh đông con đông cháu, còn gia đình cô bạn tôi chỉ có 2 cô con gái, thì bạn tôi lấy chồng xa, còn cô em lấy chồng gần không biết Tết có về được với bố mẹ không, hay cũng phải lo báo hiếu cho gia đình chồng?
Ngày Tết, ai cũng muốn trở về với gia đình mình, với nơi mình đã gắn bó cả tuổi thơ, nơi có cha mẹ mỗi ngày đang già đi. Ông bà nội mong con cháu về sum vầy, thì ông bà ngoại cũng vậy thôi. Chúng ta không thể chỉ vì sự ích kỷ bản thân, hay trọng nội khinh ngoại mà không nghĩ cho người vợ, cho gia đình bên ngoại.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi may mắn vì có bố mẹ chồng hiện đại, biết năm nay gia đình tôi về ngoại ăn Tết, mỗi lần gọi điện ông bà đều nhắc chúng tôi mua vé máy bay sớm không sợ hết vé, rồi nhắc phải chuẩn bị quần áo ấm cho các cháu, vì Tết ngoài Bắc thường lạnh, thậm chí còn gửi cả quà quê bắt vợ chồng tôi xách ra để biếu thông gia.
Dù Tết năm nào ông bà cũng có chút muộn phiền, vì cô em chồng lấy chồng xa nhưng chưa năm nào được về ăn Tết với bố mẹ, vì nhà bên ấy ít con cháu, nếu hai vợ chồng về nhà ngoại thì ông bà nội ăn Tết một mình. Ông bà hiểu chuyện đó nên cũng không trách móc gì, chỉ là thấy thương và nhớ con gái.
Thế nên, nếu trong trường hợp của gia đình cô em chồng tôi mà cứ nhất quyết năm nay Tết nội năm sau Tết ngoại thì hợp lý chứ không hợp tình. Cũng có khá nhiều trường hợp các cô vợ nghe bảo Tết nội Tết ngoại thì cứ một mực đòi chồng phải cho về nhà ngoại ăn Tết, nhưng lại quên mất rằng hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác, không thể vì thấy nhà người ta được như thế mà mình cũng đòi hỏi chồng y chang như vậy.
Nhà neo người, cả nhà về ngoại hết rồi ông bà nội buồn hiu những ngày Tết không thương sao? Thay vào đó, có thể sắp xếp về quê ngoại những ngày sau Tết hoặc vào những kỳ nghỉ khác trong năm. Về thăm ông bà bố mẹ có nhiều dịp, không nhất thiết phải là Tết, chỉ cần ông bà thường xuyên được gặp con cháu là đủ vui rồi.
Tết đoàn viên, Tết sum họp chứ đừng để Tết đến giận hờn không vui vẻ với nhau, chỉ vì một người không được đón Tết với bố mẹ đẻ của mình. Cặp vợ chồng đồng nghiệp của tôi, chỉ vì hai vợ chồng không thống nhất được chuyện ăn Tết ở đâu, nên cuối cùng quê ai nấy về, mỗi người mang theo một đứa con, thành ra đoàn viên được với bố mẹ đẻ thì lại chia ly với vợ/chồng. Có đáng không?
Đừng quá bận tâm đến chuyện Tết quê nội hay Tết quê ngoại. Cũng đừng mang quê nội hay quê ngoại ra so sánh, bởi nếu so sánh là công bằng. Dù là đón Tết ở đâu thì quan trọng nhất là chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ, cùng nhau thông cảm và nghĩ cho đối phương một chút, như vậy Tết sẽ trọn vẹn niềm vui! Nên nếu ai hỏi tôi "Năm nay ăn Tết quê nội hay quê ngoại", tôi sẽ không cần phải suy nghĩ mà trả lời ngay "cả hai".
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.
Theo Khánh An (kinhtedothi.vn)