Channel 12 hôm 21/8 đưa tin, 230 tình nguyện viên tiêm vaccine Brilife liều cao của Viện Nghiên cứu Sinh học Israel ở Ness Ziona được thông báo rằng họ không cần đến liều vaccine thứ ba vì khả năng miễn dịch còn cao, 6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Báo cáo không nêu chi tiết cách đo lường khả năng miễn dịch, dù có lẽ điều này dựa trên số lượng kháng thể.
Trong khi đó, những người tham gia tiêm liều thấp hoặc trung bình được khuyên tiêm nhắc lại mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna, vì những liều đó dường như không có hiệu quả bảo vệ đáng kể.
Israel đã khởi động chiến dịch tiêm chủng "tăng cường" cách đây ba tuần, kêu gọi những người Israel trên 60 tuổi tiêm liều thứ ba vaccine Pfizer hoặc Moderna với hy vọng bảo vệ gười dân khỏi biến thể mới rất dễ lây lan, và do mức độ kháng thể ở người đã tiêm hai mũi giảm trong vài tháng sau.
Vaccine Brilife do Israel sản xuất vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm sâu. Vào tháng 12, Viện Nghiên cứu Sinh học Israel (IIBR) đã hoàn thành thành công giai đoạn thử nghiệm đầu tiên và bắt đầu giai đoạn hai, hiện đang được tiến hành.
Ở Israel, các chuyên gia cho rằng sự phát triển của vaccine trong nước đã tụt hậu đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến chủng mới dễ lây lan như Delta đã thúc đẩy các chuyên gia bắt tay vào sản xuất các loại vaccine trong nước.
Trong khi Bộ Quốc phòng Israel cho rằng cần đảm bảo khả năng tiếp cận độc lập đối với các chủng khác nhau của virus SARS-CoV-2, giới chức nước này đã đề cập đến kế hoạch mua bổ sung vaccine dự phòng từ các công ty nước ngoài.
Bộ Y tế Israel hôm 21/8 cho biết, trong dân số 9,3 triệu người Israel, hơn 5,8 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, gần 5,4 triệu người đã tiêm hai liều và 1.365.887 người đã được tiêm mũi nhắc lại.
Theo Song Long/ Saostar