Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Chiến dịch bắt đầu từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.
Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ,
quận 11, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vaccine ưu tiên cho địa phương có dịch
Trong chiến dịch này, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và bốn nhóm tỉnh, TP được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine COVID-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay, đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới nhận tổng cộng 5,5 triệu liều từ nhiều nguồn phân phối, do đó kế hoạch tiêm chủng lớn nhất lịch sử sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vaccine. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19.
Để đạt mục tiêu này và trong bối cảnh vaccine về Việt Nam với số lượng lớn trong thời gian tới, Việt Nam cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành.
Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.
Chiến dịch triển khai trên quy mô toàn quốc, ưu tiên cho bốn nhóm tỉnh, TP, gồm: Các tỉnh, thành đang có dịch; các tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm; các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư và các tỉnh, TP có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện trung ương, tỉnh, TP, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm, đặc biệt là ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.
Các bệnh viện đa khoa tỉnh, TP cũng phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực (tối thiểu năm giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.
50% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine
Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021. Hết quý I-2022, trên 70% dân số được tiêm vaccine. Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vaccine phòng COVID-19.
16 nhóm đối tượng được Bộ Y tế mở rộng tiêm chủng, trong đó có cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...);
Lực lượng công an; quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)…;
Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;
Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế hoặc chủ tịch UBND các tỉnh, TP và đề xuất của các đơn vị viện trợ vaccine cho Bộ Y tế...•
580.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca
vừa đến Việt Nam
Sáng 9-7, 580.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để hỗ trợ khẩn cấp cho đợt bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam.
Đây là lần giao vaccine thứ ba trong hợp đồng của Hệ thống tiêm chủng VNVC đặt mua trước 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca và ĐH Oxford.
Tính đến nay, đã có hơn 5,7 triệu liều vaccine của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua hợp đồng đặt mua trước, cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước, trong đó có gần 1 triệu liều từ hợp đồng của VNVC và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Theo Hà Phượng/Plo