Trẻ tử vong sau ăn bánh đêm Trung thu
Thông tin trên Vietnamnet cho biết, hiện có khoảng 50 người có triệu chứng đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy sau tiệc Trung thu tối 29/9, tại chung cư Palm Heights (Thành phố Thủ Đức). Nhân viên tạp vụ của chung cư này được cho 5 phần bánh kem su dư sau tiệc. Chiều hôm sau (30/9), chị mang về phòng trọ ăn cùng 2 con.
Sáng sớm ngày 1/10, người này cùng 2 con (trong đó có bé P.N.Q, 6 tuổi) có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy. Tại một phòng khám tư, 2 người con được chẩn đoán theo dõi nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa, được kê đơn thuốc về điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, tình trạng của bé P.N.Q không giảm. Khoảng 17h45 cùng ngày, bé Q. được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu với tình trạng tím tái toàn thân, xác định đã tử vong ngoài viện chưa rõ nguyên nhân.
|
Cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng bánh su kem. Ảnh: NAD/Vietnamnet. |
Liên quan đến vụ việc, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã kiểm tra cửa hàng và xưởng sản xuất bánh su kem, lấy 6 mẫu đi gửi kiểm nghiệm.
Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 3/10, ông Lê Minh Hải - Phó Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP HCM - có báo cáo khẩn tình hình điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức vào ngày 29/9.
Về điều tra nguồn gốc thực phẩm, 230 bánh su kem hiệu G. (Choux tròn) được bà T. (chủ hộ kinh doanh quán cà phê trong khuôn viên chung cư – nơi tổ chức tiệc Trung thu) mua tại cửa hàng bánh G. (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh). Đây là nhà phân phối của Công ty CP bánh G. có xưởng sản xuất tại khu công nghiệp Tân Bình.
Các lực lượng chức năng đã kiểm tra cửa hàng bánh G, xưởng sản xuất bánh su kem G. và chưa phát hiện vi phạm tại 2 cơ sở. Đoàn kiểm tra đã lấy 6 mẫu để đi kiểm nghiệm (1 mẫu bánh và 5 mẫu nguyên liệu).
Hiện, UBND TP Thủ Đức tiếp tục điều tra, khắc phục sự cố; phối hợp các bệnh viện điều trị tốt nhất cho các nạn nhân; thực hiện lấy mẫu bánh còn sót lại, xét nghiệm truy tìm nguyên nhân.
Nhiều học sinh nhập viện sau tiệc liên hoan Trung thu
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình cho biết, vào khoảng 10 giờ 20 ngày 28/9, lớp 4A1 Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải tổ chức liên hoan Tết Trung thu 2023 cho 37 học sinh.
Thực phẩm được sử dụng trong bữa liên hoan gồm 2 bánh bông lan trứng muối đặt mua tại cơ sở sản xuất bánh kem Trang Moon (xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). 28/37 học sinh lớp này ăn bánh bông lan trứng muối đều bị ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo, học sinh đầu tiên bị ngộ độc có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt. Đến khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, có 28 học sinh ăn bánh đều có triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 25 học sinh phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải; 3 học sinh có triệu chứng nhẹ được điều trị tại gia đình.
|
Học sinh lớp 4A1 điều trị tại bệnh viện. Ảnh cắt từ clip người dân cung cấp/PLO. |
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình sau đó phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện Tiền Hải tiến hành điều tra tại cơ sở sản xuất bánh và khai thác thông tin từ các học sinh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải.
Sau khi thu thập các mẫu, sáng 29/9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình đã gửi các mẫu thực phẩm đến Viện kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm.
Hàng trăm người nhập viện vì ngộ độc bánh mì Phượng
Cũng trong tháng 9/2023, vụ hàng trăm người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An (Quảng Nam) gây xôn xao dư luận.
Theo kết luận điều tra của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam, khoảng 3.600 người ăn bánh mì Phượng ở Hội An trong 2 ngày 11-12/9, trong đó có 313 người bị ngộ độc, 273 ca phải nhập viện.
Thịt heo xíu và rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo trong hai bữa ăn ngày 11 và 12/9 được xác định là thức ăn nguyên nhân khiến hàng trăm người bị ngộ độc. Nhà chức trách xác định căn nguyên gây ngộ độc là vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm mẫu cũng phát hiện trong chả heo có nhiễm khuẩn E.coli.
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, ngày 3/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Theo quyết định xử phạt, tiệm bánh mì Phượng có tổng cộng 5 hành vi vi phạm.
Tổng cộng mức phạt hành chính đối với 5 hành vi là 96 triệu đồng, trong đó hành vi vi phạm thứ 5 có mức phạt cao nhất là 80 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, trong thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm nhận được quyết định xử phạt.
Trong quyết định, UBND tỉnh Quảng Nam buộc tiệm bánh mì Phượng chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm, chi phí vận chuyển mẫu cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam theo quy định...
48 người ngộ độc thực phẩm sau tiệc cưới
Tháng 5/2023, 48 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới ở tỉnh Quảng Trị.
Như tin tức đã đưa, vào lúc 11h ngày 15/5, hơn 500 người dùng bữa tại tiệc cưới của gia đình bà N.T.K.P. (ở thôn Thượng Phú Phường, xã Triệu Sơn) do cơ sở nấu ăn lưu động của bà C. (thôn Phương An, xã Triệu Sơn) chế biến. Sau đó, có 48 người bị ngộ độc thực phẩm.
|
Vi khuẩn Bacillus cereus. Ảnh: Food Safety News. |
Liên quan đến vụ 48 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới, TTXVN đưa tin, kiểm nghiệm mẫu thức ăn tại tiệc cưới, cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu bê thui, bò nấu típ, cua để làm tiết canh cua, rau sống, đá viên có số lượng lớn nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố trong mẫu bê thui, bò nấu típ, rau sống; nội độc tố Staphylococcal enterotoxin trong mẫu cua để làm tiết canh cua, mẫu rau sống.
Ngày 1/6, thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết, 48 người tại thôn Thượng Phú Phường, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm
P.V (Tổng hợp)