BS Lê Đình Hưng – Trưởng khoa Tai mũi họng – Bệnh viện E tư vấn cách phát hiện sớm và điều trị viêm tai giữa ở trẻ.
Nguyên nhân viêm tai giữa
Dưới 7 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Do đó, cơ thể của bé khó chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, một số yếu tố khác dẫn tới bệnh viêm tai giữa ở trẻ như tiếp xúc với khói thuốc lá, bú bình và đi nhà trẻ. Yếu tố thường gặp nhất là nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc rối loạn chức năng màng nhĩ.
|
Ảnh minh họa: Healthplus. |
Biểu hiện của bệnh viêm tai giữa
Một số triệu chứng khác của bệnh viêm tai giữa là sốt, buồn nôn, nôn, hoa mắt và chóng mặt. Bệnh viêm tai liên quan chặt chẽ với các bệnh viêm đường hô hấp trên. Vì thế, nó cũng có thể kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Trẻ biết nói sẽ thấy khó chịu ở tai và kêu đau ù tai. Trẻ chưa biết nói hay lắc lư đầu, đưa tay ngoáy tai, khi ngủ không yên giấc, khóc thét trong đêm, sốt cao.
Biến chứng của viêm tai giữa
Thủng màng nhĩ. Nước nhầy tụ sau màng nhĩ sẽ dần hết đi. Tuy nhiên, một số trường hợp nước vẫn đọng lại và có thể dẫn đến hỏng màng nhĩ. Nếu như dịch này tích tụ quá nặng sẽ làm cho màng nhĩ bị thủng.
Lan vào xương, ăn lên não và màng não. Nếu viêm tai giữa không được chữa lâu ngày sẽ lan đến xương gây viêm xương chẩm, tức phần xương sọ nằm ngay sau tai.
Phòng chống viêm tai giữa cho trẻ
Các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng bất kỳ dung dịch nào nhỏ tai cho bé. Khi có dấu hiệu chảy dịch ở tai, người nhà nên đưa bé đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai mũi họng để bác sỹ hướng dẫn săn sóc và làm sạch tai. Vào những ngày giao mùa, bố mẹ nên giữ ấm cho con và đặc biệt với trẻ viêm mũi họng nên được điều trị dứt điểm để bệnh không biến chứng vào viêm tai giữa.
Mi Trần (ghi theo VOV2)