Trong cuộc sống hiện đại, mọi người thường tập trung vào ăn gì để sống khỏe. Nhưng ít ai để ý rằng ăn như thế nào – đặc biệt là ăn nhanh hay chậm cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống mỗi ngày.
Theo chuyên gia hành vi ăn uống Leslie Heinberg từ Trung tâm Sức khỏe hành vi, Bệnh viện Cleveland (Mỹ), nếu bạn thường xuyên “xử lý gọn” bữa ăn trong chưa đầy 20–30 phút, thì bạn đang ăn quá nhanh và đây là một thói quen cần báo động.
Bởi lẽ, cơ thể cần ít nhất 20 phút để gửi tín hiệu “đã no” lên não. Khi ăn quá nhanh, bạn thường ăn vượt quá nhu cầu trước khi cảm giác no kịp đến, dẫn đến tăng cân, đầy hơi, khó tiêu, thậm chí nguy cơ béo phì cao hơn đáng kể so với người ăn chậm.
Chưa hết, ăn vội còn khiến bạn nuốt nhiều không khí – dễ gây chướng bụng, và vì không nhai kỹ, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém hiệu quả, làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất. Ngoài ra, bạn cũng dễ bị nghẹn với các miếng thức ăn lớn chưa được xử lý kỹ.
Ăn nhanh còn có thể làm tăng đột ngột insulin trong cơ thể sau khi ăn. Insulin là hormone giúp cơ thể chuyển đổi đường huyết thành năng lượng hoặc lưu trữ thành mỡ. Khi insulin tăng mạnh, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch.
Để tránh những tác hại này, hãy tập trung vào việc ăn chậm, thưởng thức thức ăn một cách cẩn thận. Hãy nhai kỹ, tận hưởng từng khẩu phần thức ăn một cách tự nhiên.
 |
Ảnh minh hoạ/Internet |
Các chuyên gia cũng đưa ra một số mẹo đơn giản mà cực kỳ hiệu quả để thay đổi thói quen xấu này, như tránh ăn khi xem ti vi, lướt điện thoại hoặc làm việc. Bà Heinberg giải thích: “Khi chúng ta phân tán sự chú ý, ta dễ ăn nhiều hơn mà không nhận ra”.
Ngoài ra, việc dùng dụng cụ ăn uống không quen thuộc cũng góp phần giúp làm chậm tốc độ ăn một cách tự nhiên. Uống nước giữa bữa ăn cũng giúp bạn có thời gian “nghỉ giải lao” trong khi ăn và nhận biết tín hiệu no sớm hơn.
Bình Nguyên