Trẻ nhập viện tăng đột biến
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, số ca nhập viện do tay chân miệng tăng nhanh trong những tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần thành phố ghi nhận 286 ca, tăng 47% so với 4 tuần trước đây. Tổng số ca trẻ bị tay chân miệng ghi nhận được tại TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay là 3.195 ca.
|
Bệnh viện quá tải, 2 - 3 bệnh nhi phải nằm một giường.
|
Tại khoa Nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh những ngày gần đây rất đông trẻ nhập viện do bị tay chân miệng, trong đó có nhiều trẻ bị nặng phải thở máy và lọc máu. Theo thống kê, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận, điều trị nội trú cho khoảng 80 bé mắc tay chân miệng, trong đó khoảng hơn 20 ca là nặng, độ 2b, độ 3.
Chăm đứa con gái mới 26 tháng tuổi bị mắc bệnh tay chân miệng độ 4 nằm ở bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Nguyễn Thị Hằng (huyện Hóc Môn) cho biết, lúc 11 tháng tuổi bé đã bị tay chân miệng một lần nhưng bị nhẹ và hết ngay. Lần này thấy bé có dấu hiệu mắc bệnh như đau bụng, đau miệng, sốt, gia đình đã đưa bé vào viện ngay nhưng bệnh tình của bé diễn tiến rất nhanh. Chỉ sau 1 đêm bé đã co giật, hôn mê, phải thở máy và lọc máu trong 2 ngày. Hiện tại bé đã tỉnh táo, hết sốt nhưng vẫn phải điều trị thêm vì biến chứng phù phổi.
|
Bị tay chân miệng trẻ thường xuất hiện mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hiện trong khoa đang có 179 ca bệnh, trong đó có 25 - 30 ca nặng phải theo dõi.
“Bệnh tay chân miệng đã được cảnh báo rất nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay do số ca mắc nhiều, nhiều ca nặng. Bệnh nhi tay chân miệng mới chỉ tăng đột biến khoảng 3 tuần nay. Đỉnh điểm là ngày 24/9, khoa Nhiễm điều trị cho 222 bé mắc. Lượng bệnh nhân nhập viện, nhất là các ca nặng vẫn đang tiếp tục tăng. Đã có 10 trẻ phải thở máy và 4-5 trẻ phải lọc máu”, bác Khanh cho biết thêm.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết mặc dù tính từ đầu năm tới nay, số ca nhiễm bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng trong vài tuần trở lại đây, số trẻ bị tay chân miệng lại tăng nhanh. Trong tháng 8, số ca nhập viện điều trị tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Cụ thể, số trẻ bị tay chân miệng trong tháng 8 là 4.511 trẻ, tăng hơn 100% so với tháng trước đó.
Tương tự, tại bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, trong những tuần qua cũng rất đông trẻ đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng. Hiện tại bệnh viện cũng có 48 ca bị tay chân miệng điều trị nội trú, trong đó có 2 ca nặng đang phải thở máy.
Vi rút lây lan nhanh và nguy hiểm đến tính mạng
|
Chủng vi rút Ev71 tái xuất hiện khiến cho nhiều trẻ trở bệnh nặng. |
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành theo mùa ở các nước nhiệt đới, ghi nhận 20 - 100 nghìn ca mỗi năm. Bệnh tay chân miệng thường rơi vào tháng 5 đến tháng 11, đối với năm 2018 so với cùng kỳ thì giảm 31% nhưng trong tháng 8-9 tăng rất nhanh, khoảng 50% so với cùng kỳ tháng của năm 2017 và các năm trước đó.
Bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Gọi là tay chân miệng vì bệnh có biểu hiện chính là các mụn nước nổi ở vùng tay, chân, miệng. Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng khi nuốt phải thức ăn, thức uống hay khi ngậm đồ chơi có chứa siêu vi trùng gây bệnh.
Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ. Hiện nay tay chân miêng chưa có vắc xin phòng ngừa nên cách phòng ngừa hiện nay là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống.
Theo điều tra dịch tễ, những năm trước, số trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 rất thấp, nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc vi rút Ev71. Đặc tính của loại vi rút này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, vì thế số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Ông Phan Trọng Lân nhìn nhận, thường có sự thay đổi về chủng thì sẽ xảy ra dịch. Chẳng hạn vào năm 2011 tại Việt Nam có hơn 70.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong. Ở các nước lân cận có những năm lên đến gần 400 trường hợp tử vong. Như vậy, chúng ta thấy rằng sự gia tăng đột biến đó do sự chuyển đổi các thứ nhóm gen C4.
PGS.TS. Phan Trọng Lân cho biết bệnh tay chân miệng hiện đang vào mùa nên việc phòng chống phải thường xuyên kiên trì, từng hộ gia đình, nhà trẻ cơ quan y tế. Đặc điểm của bệnh này chủ yếu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi dễ dẫn đến các biến chứng của chủng EV71. Đối với người lớn là người lành mang trùng thì có tới 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng lây cho trẻ.
Loại vi rút này tương đối bền, có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học, nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày. Nhà trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
Theo Đan Phương/Báo Tin tức