Bệnh tay chân miệng tăng đột biến, lo ngại bùng phát ở TP HCM

Google News

Số trẻ bị bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở TP HCM. Dự đoán số lượng trẻ nhập viện sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
 
 
 

Tại TP HCM vừa xảy ra một trẻ tử vong do bị bệnh tay chân miệng. Bệnh nguy hiểm này hiện đang tăng đột biến gấp nhiều lần năm trước và đang là mối lo ngại cho trẻ em trên địa bàn.
Cháu Nguyễn Thanh An, 4 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh sau khi đi nhà trẻ một tuần thì khởi phát các triệu chứng của bệnh tay chân miệng như sốt nhẹ, nổi vết loét ở miệng, lòng bàn tay, đầu gối, mông. Hiện cháu đang được điều trị tại khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP HCM.
Benh tay chan mieng tang dot bien, lo ngai bung phat o TP HCM
 
Số trẻ bị bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở TP HCM Chị Đào Hải Liên, mẹ cháu An cho biết: “Lúc bé sốt thấy có nổi vài nốt lên, nhà trường báo về kêu đi khám. Sáng bác sĩ nói cháu ở cấp độ 1, nhưng khuya về bé không giảm, sốt cao nên đành phải vào nhập viện ở đây”.
Cùng với bệnh nhi Nguyễn Thanh An, tại khoa Nhiễm-Thần kinh đang điều trị cho gần 180 em bị nhiễm tay chân miệng. Đặc biệt trong đó có hơn 25 trẻ bị nặng cần phải được theo dõi rất sát sao.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Trong vòng 1 tuần qua, số ca nhập viện do tay chân miệng tăng đột biến. Cao nhất vào ngày thứ 2 đầu tuần qua, bệnh viện đã điều trị cho 222 bệnh nhi. Tại đây cũng đã có 1 trường hợp tử vong do tay chân miệng, 10 trẻ phải thở máy, trong đó có những trẻ chỉ vài tháng tuổi đến năm tuổi. Dự đoán số lượng trẻ nhập viện sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Điều tra dịch tễ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, so với những năm trước, năm nay có hơn 50% ca nhập viện vì tay chân miệng do nhiễm chủng virus EV 71 nguy hiểm.
Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như: thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca nhập viện do tay chân miệng cũng tăng đột biến.
Từ ngày 1-25/9, số lượt bệnh nhi mắc tay chân miệng khám ngoại trú hơn 6.900 lượt, số ca nội trú điều trị 664 lượt.
Benh tay chan mieng tang dot bien, lo ngai bung phat o TP HCM-Hinh-2
 
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: Bệnh tay chân miệng được cảnh báo rất nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay do số ca mắc tăng, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi khám.
Bác sĩ Khanh cũng lưu ý một dấu hiệu khác của bệnh tay chân miệng mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ.
“Nếu thấy trẻ giật mình, đặc biệt là lúc thiu thiu ngủ trên 2 lần trong 30 phút, chắc chắn phải nhập viện ngay, đi khám ngay chứ đừng để đến sáng mai. Trường hợp nặng nữa là có thể run tay run chân, mạch nhanh, huyết áp tuột, thở mệt, tay chân lạnh”.
Theo trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, số trẻ mắc tay chân miệng tuần vừa qua tăng 45% so với trung bình các tuần trước đó. Đây là thời điểm dễ bùng phát bệnh này. Vì vậy trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố lưu ý: “Khi trường học có bệnh tay chân miệng phải khử khuẩn hằng ngày với nồng độ 2 % Cloramin trong một lít nước và cứ khử khuẩn liên tục như vậy trong vòng 10 ngày đối với các đồ chơi của trẻ, sàn nhà, rồi các bề mặt, các kệ đồ chơi, rồi cánh cửa, tay nắm cửa trong lớp học”.
Các chuyên gia về dịch tễ khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
Mỗi gia đình nên thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống hay đồ chơi chưa được khử trùng.
Thông thường, bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch, đợt 1 là vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12.
Hiện nay các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện địa phương đã có phác đồ điều trị, có đủ nhân lực cũng như thiết bị để điều trị bệnh này nên bệnh nhân không cần phải chuyển hết về bệnh viện tuyến cuối./.
Theo Kim Dung/VOV