Thực phẩm bẩn rình rập, cách gì bảo vệ sức khỏe?

Google News

Người tiêu dùng không thể hoàn toàn tránh khỏi rủi ro thực phẩm bẩn, nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ nếu biết cách lựa chọn, chế biến.

Cụm từ “thực phẩm bẩn” đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Càng đáng lo hơn, đó không còn là nỗi sợ mơ hồ mà là thực trạng hiện hữu trong từng bữa ăn, từng quầy chợ và thậm chí cả trong các siêu thị lớn. Từ các loại thịt bị bơm nước, rau củ ngậm thuốc trừ sâu, hải sản tẩm ướp hóa chất độc hại… tất cả khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin và hoang mang khi lựa chọn thực phẩm mỗi ngày.
Khi thực phẩm bẩn đang rình rập khắp nơi, người dân không chỉ cần tỉnh táo mà còn cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân và gia đình trước hiểm họa tiềm tàng này.
Thuc pham ban rinh rap, cach gi bao ve suc khoe?
 Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet
Thực phẩm bẩn, hiểm họa không phân biệt ai
Thực phẩm bẩn được hiểu là những loại thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, chứa hóa chất độc hại, nhiễm vi sinh vật nguy hiểm hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc tiêu thụ những loại thực phẩm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ ngộ độc cấp tính (nôn mửa, tiêu chảy, co giật…) đến những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, viêm gan, suy thận, rối loạn nội tiết hay vô sinh.
Điều đáng lo là không chỉ người dân vùng nông thôn hay khu vực thu nhập thấp mới bị ảnh hưởng. Thực phẩm bẩn hiện nay xuất hiện ở nhiều nơi, từ quán ăn, bếp ăn tập thể, nhà hàng sang trọng đến cả những cửa hàng thực phẩm tự xưng là “sạch”. Chính sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng khiến người tiêu dùng gần như không thể kiểm soát hoàn toàn nguồn gốc thực phẩm mình đang tiêu thụ.
Vì sao thực phẩm bẩn vẫn “ đắt hàng”
Có nhiều nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn vẫn tràn lan dù các chiến dịch kiểm tra, xử phạt vẫn diễn ra thường xuyên:
Lợi nhuận ngắn hạn: Một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp đạo đức, sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại để bảo quản, tăng trọng hoặc “làm đẹp” thực phẩm nhằm thu hút khách hàng.
Thiếu kiểm soát hiệu quả: Công tác thanh tra, kiểm tra đôi khi còn hình thức, chưa triệt để và thiếu tính răn đe. Một số địa phương còn xảy ra tình trạng “làm ngơ” hoặc xử lý nhẹ tay với các cơ sở vi phạm.
Người tiêu dùng thiếu thông tin: Nhiều người vẫn chọn mua thực phẩm theo thói quen, theo cảm tính hoặc đơn giản là vì… rẻ. Điều này vô tình tiếp tay cho các loại thực phẩm bẩn tồn tại và phát triển.
Người tiêu dùng nên làm gì để bảo vệ mình?
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng không thể hoàn toàn tránh khỏi rủi ro thực phẩm bẩn, nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ nếu biết cách lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thông minh.
Lựa chọn nơi mua uy tín: Ưu tiên mua tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nếu mua ở chợ truyền thống, nên chọn những sạp hàng quen, có uy tín lâu năm và quan sát kỹ thực phẩm trước khi chọn.
Quan sát và cảm nhận bằng giác quan: Tập thói quen kiểm tra màu sắc, mùi, kết cấu của thực phẩm. Thịt tươi có màu hồng nhạt tự nhiên, không có mùi lạ, bề mặt khô ráo. Rau củ quả sạch thường không quá bóng bẩy, không đồng đều tuyệt đối về hình dáng và không có mùi lạ. Hải sản tươi có mắt trong, mang đỏ hồng, thịt săn chắc.
Đọc kỹ nhãn mác và hạn sử dụng: Với thực phẩm đóng gói, người tiêu dùng nên chú ý đến hạn sử dụng, nơi sản xuất, chứng nhận an toàn thực phẩm, đặc biệt là các thành phần có trong sản phẩm. Nên cẩn trọng với các sản phẩm không có thông tin rõ ràng, bao bì sơ sài hoặc sai chính tả.
Sơ chế và bảo quản đúng cách: Một số hóa chất có thể giảm đi phần nào nếu thực phẩm được sơ chế kỹ: rửa rau với nước muối loãng, ngâm thực phẩm trong nước sạch… Ngoài ra, bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh, tránh để quá lâu khiến vi khuẩn phát triển.
Trồng rau sạch tại nhà nếu có thể: Nhiều gia đình hiện nay đã tận dụng không gian nhỏ ở ban công, sân thượng để trồng rau sạch. Dù số lượng không nhiều, nhưng vừa có rau ăn mỗi ngày, vừa yên tâm hơn về chất lượng.
Cảnh báo và chia sẻ thông tin: Khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, người tiêu dùng nên lên tiếng. Việc báo cho cơ quan chức năng hoặc phản ánh trên mạng xã hội sẽ góp phần cảnh tỉnh cộng đồng và tạo sức ép lên những người làm ăn gian dối.
Không ai có thể kiểm soát hết được những gì đang diễn ra trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, nhưng mỗi người hoàn toàn có thể lựa chọn trở thành người tiêu dùng thông minh. Đừng vì ham rẻ hay tiện lợi trước mắt mà đánh đổi sức khỏe lâu dài.
Khi người dân biết tự bảo vệ mình và cùng nhau lên tiếng trước thực phẩm bẩn, đó chính là sức mạnh cộng đồng để đẩy lùi mối nguy hiểm này. Bữa ăn an toàn không bắt đầu từ mâm cơm, mà bắt đầu từ ý thức lựa chọn thực phẩm ngay từ lúc đi chợ.
Ngày 21/4, Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất một kho lạnh tại khu vực gần chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, huyện Thường Tín, Hà Nội. Lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm.
Số thực phẩm bẩn này thuộc sở hữu của một phụ nữ sinh năm 1992, trú tại huyện Thường Tín. Người này khai nhận, số thực phẩm đông lạnh được thu mua trôi nổi trên thị trường, không có bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn mác hàng hóa, được đóng gói sơ sài và cất giấu sâu bên trong kho lạnh.

Trương Hiền/ VietnamDaily