Nguy kịch sau khi ăn hải sản
Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ngày 15/8 cho biết, các bác sĩ gần đây cấp cứu thành công cho bệnh nhi T.Đ.H.P (9 tuổi) bị sốc phản vệ rất nặng do dị ứng hải sản.
Vietnamnet dẫn lời mẹ của bệnh nhi cho hay, con trai bị sốc phản vệ độ 3 nhưng gia đình nhầm tưởng bị dị ứng mề đay và cho uống 2 viên thuốc chống dị ứng.
Sau khi cho con uống thuốc nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, chị đã đưa con đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc phản vệ độ 3 với cua cá, mạch đập chậm, có lúc không bắt được mạch, huyết áp tụt, chân tay lạnh ngắt và tím tái, co giật...
|
Ảnh minh họa. |
Sau khi tiêm bắp hai lần, huyết áp của cháu bé vẫn giảm và có chiều hướng xấu, các bác sĩ đã kịp thời điều xe cấp cứu đưa xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để tiếp tục cứu chữa.
Nhờ được xử trí ban đầu đúng hướng, chuyển tuyến kịp thời, bệnh nhi T.Đ.H.P được các bác sĩ nỗ lực điều trị. Hiện sức khỏe cháu bé hồi phục.
Trước đó, vào tháng 1/2023, một bệnh nhân bị sốc phản vệ hai lần, chỉ cách nhau hơn một tuần, sau khi ăn tôm.
Theo thông tin trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân này là ông K.A.T. (59 tuổi, Việt kiều Úc). Sau Tết, ông T. ăn tân niên cùng bạn tại một quán hải sản ở quận Tân Bình (TP HCM) bỗng nổi mề đay, miệng sưng vù sau 10 phút ăn món tôm hấp. Ông nghĩ dị ứng bình thường nhưng có con trai làm bác sĩ tại Úc nên gọi điện thoại hỏi thăm. Con trai ông liên tục giục ông đến viện gần đó để được cấp cứu ngay.
Khai thác bệnh sử ghi nhận ông T. có cơ địa dị ứng hải sản, cùng với kết quả đo huyết áp 91/55 mmHg (bình thường 140/80mmHg), bác sĩ nhanh chóng nhận định bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 với tôm. Người bệnh được tiêm adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau 10 phút, người bệnh giảm sưng miệng, hết ngứa, được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để tiếp tục theo dõi sát.
Sau 24 giờ theo dõi, bệnh nhân không còn diễn ra sốc phản vệ, da không còn nổi ban, ăn uống bình thường.
|
Người đàn ông sốc phản vệ nặng sau khi ăn món tôm hấp. Ảnh: BV/Dân Trí. |
Được biết, chỉ trước đó hơn 1 tuần, vừa trở về từ Úc, ông T. cùng bạn bè đi Vũng Tàu. Khi ăn tôm nướng, ông bị ngứa, nổi mẩn đỏ, được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu với chẩn đoán sốc phản vệ nhẹ.
Triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay
Sốc phản vệ là tình trạng dị ứng nặng xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên từ vài phút đến vài giờ. Các trường hợp sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ, sốc phản vệ được chia thành 4 mức độ. Ở mức độ 1, người bệnh sẽ nổi mề đay, phù môi, mặt, mắt. Khi ở mức độ 2 sẽ thêm triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy. Tại mức độ 3, người bệnh tụt huyết áp, trụy mạch. Ở mức độ 4, người bệnh ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và tử vong.
Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, khi xuất hiện những triệu chứng sốc phản vệ sau, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay:
- Khó thở
- Đau, tức ngực
- Huyết áp thấp
- Mạch yếu và nhanh
- Chóng mặt
- Người bệnh lú lẫn, lơ mơ…
Những dấu hiệu báo động cho cơn sốc phản vệ thường sẽ lặp đi lặp lại, trong đó có thể thấy các biểu hiện sẽ xuất hiện vài phút sau khi bạn ăn những thứ gây dị ứng.
Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể xấu đi rất nhanh chóng. Khi đó, người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 đến 60 phút vì các triệu chứng có thể gây tử vong.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm
P.V (Tổng hợp)