Sốc phản vệ nặng sau khi thái một củ hành

Google News

10 phút sau khi thái một củ hành để chuẩn bị nấu ăn tối, nam thanh niên 25 tuổi (Phú Thọ) đột ngột xuất hiện sưng nề mặt, mắt. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Sùng Đức Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ thông tin, khi nhập viện, người bệnh đã ở trong tình trạng sốc phản vệ nặng với với biểu hiện phù nề toàn bộ mặt và hai mắt, mắt không thể mở, tức ngực, khó thở.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau khi tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ), bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng mặt và hai mắt vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu, bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức của bệnh viện.

Theo bác sĩ Long, việc dị ứng, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào thể trạng của từng người.

Bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Soc phan ve nang sau khi thai mot cu hanh

Bệnh nhân thời điểm nhập viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cấp cứu - Ảnh: BVCC

Thông tin từ Thông tư hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế, phản vệ là một phản ứng dị ứng, xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Phản vệ gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

Nên nghĩ đến phản vệ khi xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau: mày đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức.Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.

Phản vệ được phân thành 4 mức độ (mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự):

- Mức nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

- Mức nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; Đau bụng, nôn, ỉa chảy; Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

- Mức nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau: Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn; Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

- Mức ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Khi xảy ra sốc phản vệ, người dân cần ngay lập tức: ngừng tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có); nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái nếu có nôn; gọi ngay cho cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo Nguyễn Liên/ Vietnamnet