Vợ chồng tôi cưới nhau hơn 4 năm, có một con trai vừa tròn 3 tuổi. Từ ngày yêu nhau, chúng tôi đã nhận ra cả hai "khắc khẩu".
Hễ cứ gặp nhau, nói chuyện một lúc là tranh cãi. Vợ tôi nói dai, tôi thì nóng tính nên giận nhau như cơm bữa. Thế nhưng không gặp vài ngày là rất nhớ.
Vợ tôi vốn mê tín. Đi xem bói, thầy bói nói chúng tôi duyên nợ gắn liền, "khắc khẩu" nhưng kết hôn thì con có, của có.
Vợ tôi tin nhưng bố mẹ vợ không tin. Họ khuyên con gái nên dừng lại mối quan hệ này. Bố bạn gái thậm chí còn tìm gặp tôi, nói thẳng rằng tính cách hai đứa không phù hợp. Nếu lấy nhau, sớm muộn cũng bỏ nhau.
Ngày đó, tôi đã phải vận dụng hết những ngôn từ đẹp đẽ, dễ nghe nhất để lấy lòng bố vợ tương lai. Tôi còn không ngại ngần thề, hứa sẽ cố gắng hết sức đem lại cho con gái của bố một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Đúng lúc tôi đang "dạy vợ" thì bố vợ sang khiến tôi bất ngờ, bối rối. (Ảnh minh họa: Sohu).
Bố mẹ cô ấy phản đối là vậy nhưng ai ngăn được kẻ đang yêu. Thế nên cuối cùng, chúng tôi cũng dắt tay nhau vào cuộc sống hôn nhân với niềm tin mình lựa chọn đúng.
Thời gian đầu, vì mới về chung một nhà, mới học sống chung nên cả hai vẫn còn nhìn sắc mặt đối phương mà cư xử. Nhưng dù có cố gắng thế nào, tính cách vẫn là thứ không thể thay đổi.
Nhất là từ sau khi sinh con, vợ tôi bỗng trở nên xấu tính hẳn. Cô ấy hay cáu gắt, cằn nhằn, "bóng gió" nọ kia. Cô ấy còn đem "chồng nhà người ta" về so sánh với chồng mình.
Nhiều người cứ nghĩ đàn ông sướng, thực ra gánh nặng và áp lực trên vai họ nặng hơn các bà vợ nghĩ nhiều. Ra ngoài, đàn ông thường phải tỏ ra mạnh mẽ, họ cần sự bình yên khi về nhà. Thế nhưng các bà vợ không hiểu, hễ thấy mặt chồng về là miệng hoạt động y như là "máy nói".
Họ đâu chỉ nói chuyện cần nói, họ còn mang chuyện hàng xóm, chuyện công ty, chuyện ngoài đường, chuyện trên mạng về nhà kể. Sau đó, họ "bóng gió" quàng sang chồng để đe nẹt, rào trước đón sau. Như vậy, ai mà không bực bội, không nổi cáu.
Điển hình như chiều hôm kia, sau một ngày mệt mỏi vì tiến độ công việc đình trệ, cấp trên phê bình, tôi về nhà trong tâm trạng cực kỳ tồi tệ. Lúc bước chân vào nhà, tôi chỉ mong có thể mau chóng tắm rửa, rồi nằm ra giường mà nghỉ một lúc.
Thế nhưng vừa bước chân vào tới cửa, vợ tôi đã đón tôi với bộ mặt không thể cau có hơn:
- Anh làm gì mà em gọi hàng chục cuộc không nghe máy? Anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?
- Anh bận, có chuyện gì mà gọi tới hàng chục cuộc? Anh đi làm, có phải đi chơi đâu.
- Đấy, em biết mà, anh quên nay sinh nhật con đúng không? Có người bố nào mà vô tâm như anh không? Nhìn anh Tân hàng xóm kia kìa, sinh nhật con xin về sớm, đặt bánh đặt hoa, đưa con đi ăn, đi chơi. Còn anh, chẳng nhớ nổi ngày, đừng nói là mua quà bánh cho con.
- À thì nay anh nhiều việc quá nên không nhớ.
- Anh lúc nào chả thế, chả lý do. Với anh, công việc luôn là quan trọng nhất, ưu tiên số một, còn vợ con luôn luôn xếp sau cùng.
- Cô có thôi đi không. Chỉ là sinh nhật con thôi, có gì to tát đến mức cô phải làm ầm ĩ thế?
Đến lúc này, tôi không thể nhịn được nữa. Tay tôi còn đang cầm đôi giày vừa cởi chưa kịp đặt lên kệ, tôi ném vèo về phía vợ đang đứng. Chiếc giày bay qua mặt vợ tôi, trượt qua thái dương, để lại một vệt rách rướm máu.
Tôi thấy điều đó nhưng vợ tôi quá lắm rồi. Sức chịu đựng của tôi cũng có hạn.
Tôi chỉ tay về mặt vợ: "Tôi nói cho cô biết, tôi đi làm, không phải đi chơi. Sinh nhật con, cô không mua bánh, mua quà cho con được à? Cô không biết đưa con đi chơi à? Lúc nào cũng so sánh với anh Tân, anh Hùng. Sao trước đây còn chọn lấy tôi? Chán thằng này rồi thì đi tìm thằng nào ngon hơn mà lấy".
Tôi không hề biết bố vợ tôi đã đứng ở cửa tự bao giờ. Ông chứng kiến những chuyện đã diễn ra.
Nét mặt ông rõ ràng vô cùng tức giận: "Anh nói đúng ý tôi rồi đấy. Tôi cũng định nói với con tôi rằng khổ quá thì bỏ đi. Đời còn dài, tội gì mà chịu khổ. Anh xem, sức đàn ông tay dài vai rộng, anh ném đôi giày như thế, trúng mặt nó thì nó có còn là người nữa không?".
Trong lúc tôi còn bất ngờ và bối rối chưa kịp đáp lời, bố vợ đã đến bên cạnh vợ tôi hỏi: "Con có đau lắm không? Nay mẹ con ốm không sang sinh nhật cháu được. Bố sang mua cho cháu ít quà. Chứng kiến cảnh này, bố đau lòng lắm. Con xem ở được thì ở, không thì giải tán sớm đi. Sống với người chồng vũ phu thế này, sợ rằng mất mạng lúc nào không biết".
Bố vợ nói xong, đặt gói quà lên bàn rồi quay lưng về. Đến lúc này, tôi mới thấy mặt vợ tôi vệt máu rỉ loang dài. Tôi định dùng khăn lau cho cô ấy nhưng bị gạt đi. Tối hôm ấy, vợ tôi dắt con sang nhà ngoại.
Ở nhà một mình, tôi có thời gian tĩnh tâm nghĩ lại những việc đã xảy ra. Tôi thừa nhận tôi hành động như vậy là sai.
Nhưng tại sao tôi sai nếu không phải là vì vợ tôi cố tình gây chuyện. Tôi chỉ muốn làm căng một lần, coi như "dạy vợ", cho vợ một bài học mà nhớ, đừng lúc nào cũng "tiếng to tiếng nhỏ" với chồng.
Cặp vợ chồng nào chẳng có lúc nọ lúc kia, đến bát đũa còn xô nhau nữa là. Vậy mà bố vợ tôi chưa gì đã khuyên con gái bỏ chồng, chẳng quan tâm đến việc cháu mình sẽ ra sao nếu vợ chồng tôi "giữa đường đứt gánh".
Mà xét cho cùng, chuyện có gì to tát lắm đâu. Làm vợ, việc quan trọng nhất là phải hiểu tính chồng. Tính tôi hay nổi khùng, cô ấy biết điều này rất rõ.
Thấy chồng đi làm về muộn, dáng vẻ mệt mỏi, không hỏi han chồng một câu lại đi so sánh với chồng người khác, ai mà không nổi điên. Bố vợ là đàn ông, đáng lẽ hiểu rõ điều đó. Đằng này, mới tí chuyện đã xui con gái ly hôn.
Chuyện xảy ra vào hôm sinh nhật con, tôi định gác lại mọi việc mà sang nhà bố mẹ vợ. Thế nhưng nghĩ lại lời bố vợ nói, tôi vẫn cảm thấy khó chịu.
Thôi thì tôi cứ chờ xem cô ấy có thể ở bên nhà bố mẹ bao lâu. Để rồi xem, bố mẹ vợ sẽ vun vào cho con ấm êm hay là muốn con mình "giữa đường đứt gánh".
Theo Lê Giang/ Dân Trí