Thấm thoát 10 năm trôi qua, vì mải lo chuyện cơm áo gạo tiền nên chị quên luôn việc về thăm nhà. Có lẽ nỗi lo lớn nhất của chị là không có tiền mua quà cáp cho ba mẹ dưới quê nên nhiều năm rồi chị vẫn ngần ngại không muốn về.
16 tuổi chị lên thành phố học nghề may và giúp việc cho gia đình người họ hàng. Đẹp người đẹp nết nên chị được nhiều thanh niên trong xóm để ý. Và anh cũng là một trong số những người theo đuổi chị. Sau nhiều lần tán tỉnh, chị đem lòng thương anh vì tính thật thà, chất phác.
Đến ngày gia đình anh về quê hỏi cưới chị, ba mẹ chị thấy con rể là dân thành thị nên cũng ưng bụng. Không lâu sau, chị và anh đám cưới. Hai người có công việc ổn định nhưng lương bổng thì không khá khẩm gì, chỉ đủ ăn đủ mặc.
Đến khi những đứa con lần lượt ra đời, anh và chị làm nhiều việc hơn để có tiền lo cho con cái. Quanh năm làm việc vất vả, cả hai cố gắng tằn tiện nhưng vẫn không đủ. Chị giục anh vay mượn người thân nhưng không ai cho vì sợ anh nghèo không có tiền trả. Mang tiếng là chị em ruột nhưng họ luôn tính toán với anh từng đồng từng cắc.
Rồi những đứa con lớn lên, cuộc sống cũng khá hơn. Đứa con trai lớn của chị nghỉ học sớm đi làm lo kinh tế phụ gia đình. Còn chị thì sáng đi phụ hồ với anh, chiều tối lại nhận thêm quần áo may tại nhà. Mới ngoài 30 tuổi mà nhìn chị héo hon, gầy gò, làn da sạm đen và nếp nhăn cũng ngày càng hiện rõ.
Do thời trẻ chỉ lo làm việc đến khi có tuổi, anh bệnh nhiều hơn, sức khỏe cũng dần yếu đi. Một lần, anh đột quỵ và mất đi khả năng lao động. Thế là, chị trở thành trụ cột của gia đình, mọi gánh nặng oằn lên đôi vai gầy gò của chị. Mỗi tháng ngoài tiền ăn học của con trai út, chị còn phải chạy đôn chạy đáo lo chữa bệnh cho chồng.
Thấm thoát 10 năm trôi qua, vì mải lo chuyện cơm áo gạo tiền nên chị quên luôn việc về thăm nhà. Có lẽ nỗi lo lớn nhất của chị là không có tiền mua quà cáp ba mẹ dưới quê nên nhiều năm rồi chị vẫn ngần ngại không muốn về. Một lần nữa bi kịch lại ập đến, con trai cả của chị bị tai nạn lao động bị liệt hai chân. Đều đặn mỗi tháng, chị phải thuốc thang cho chồng rồi chạy chữa cho con.
|
Suốt một đời chị tận tụy, hết lòng vì chồng con - Ảnh minh họa: Internet |
Lúc này, họ hàng của anh ai nấy đều làm ăn khấm khá, nhà xây cao chót vót. Do gia cảnh ngày càng túng thiếu nên chị đành hỏi mượn nhưng họ lại không cho mà còn sỉ vả chị nặng nề. Chị bấm bụng, nuốt nước mắt vào trong và quyết định gọi về quê mượn ít tiền của thằng em út. Đó có lẽ là cuộc gọi đầu tiên suốt bao nhiêu năm xa nhà của chị, mà xấu hổ thay lại là cuộc gọi mượn tiền. Những năm qua, chị không dám điện thoại cho ba mẹ vì chị sợ bản thân không chịu được mà khóc rồi ông bà sẽ lo lắng.
Nhiều lúc nhìn chồng con, chị chỉ muốn chết đi cho xong. Cứ tưởng lấy chồng thành phố sẽ được yên nhờ tấm thân, nào đâu lại oằn lưng gánh chịu những nỗi đau này. Suốt ngần ấy năm, chị không dám than thở hay tâm sự với bất kỳ ai, một phần là sợ mình yếu lòng, và cũng một phần là chị đã sớm chấp nhận số phận của mình. Chị luôn tự động viên bản thân để vượt qua những tháng ngày tăm tối này.
Phận đàn bà hơn nhau ở tấm chồng, cưới được chồng tốt thì được nương nhờ, không thì cũng phải biết học cách chấp nhận sự thật. Vì ở cuộc đời này, gặp gỡ nhau là duyên và trở thành vợ chồng là nợ. Và chị đang sống để trả nợ cho anh.
Theo Phụ nữ sức khỏe