Nữ sinh liên tục ăn đá viên, nguyên nhân không ngờ

Google News

Nhìn con liên tục ăn đá viên trong bữa cơm, người mẹ cảm thấy kì lạ, quyết định đưa con đi khám. Sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ nhận định nữ sinh thiếu máu do thiếu sắt, hàm lượng máu “thấp đến mức không thể đo được”.

Sự việc được Ettoday đưa tin. Theo đó, bệnh nhân là một nữ sinh cấp 2. Trong bữa cơm ngày nắng nóng, cô gái liên tục ăn đá viên khiến người mẹ cảm thấy bất thường, quyết định đưa con đi khám.
Sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu sắt. Hàm lượng sắt trong máu “thấp đến mức không thể đo được”. Bệnh nhân được chỉ định uống bổ sung sắt liều lượng gấp đôi bình thường. Sau ba tháng, tình trạng sức khỏe cô gái ổn định, thói quen ăn đá viên cũng tự bỏ.
Nu sinh lien tuc an da vien, nguyen nhan khong ngo
Thiếu máu do thiếu sắt khiến nữ sinh cấp 2 có thói quen lạ ăn đá viên liên tục. Ảnh: ET 
Thực tế, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt giống nữ sinh Ettoday đưa tin không hiếm.
Bác sĩ Luo Jialin từng nhấn mạnh trong chương trình “Doctor Are Hot” rằng, thói quen cắn vật cứng giúp giảm căng thẳng. Nếu vật cứng là “đá viên” thì có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu sắt. Bác sĩ từng gặp nhiều trường hợp tương tự như nữ sinh ở trên.
Trong số đó, bác sĩ Luo nhớ nhất trường hợp nữ sinh trung học có thói quen ăn đá viên ba bữa mỗi ngày. Nồng độ hemoglobin của bệnh nhân đo được chỉ đạt 7gm/dl (nồng độ hemoglobin người khỏe mạnh dao động từ 12-14gm/dl). Khi phát hiện bệnh, bệnh nhân được bổ sung sắt hàm lượng gấp đôi trong 3 tháng. Nhờ vậy, hành động bất thường cũng không còn.
Thông qua những trường hợp bệnh trên, bác sĩ Luo khuyên nếu phát hiện mình “thích ăn đá viên”, bạn nên đi khám để xác định cơ thể có thiếu máu do thiếu sắt không. Khi thiếu sắt, máu trong cơ thể loãng, nhịp tim nhanh. Lúc này, cơ thể sẽ có cảm giác hơi nóng, có xu hướng ăn đá để giải nhiệt. Đồng thời, đá viên kết cấu cứng, nhai chúng khiến người bệnh giải tỏa căng thẳng, bồn chồn trong người.
Bác sĩ Luo nhấn mạnh nên hạn chế uống cà phê, trà. Thức uống này khiến cơ thể khó hấp thụ sắt, dễ tiêu hao sắt. Ngược lại, vitamin C có khả năng cải thiện hấp thụ sắt. Khi dùng thuốc bổ sung sắt, tuyệt đối không dùng chung cùng viên uống bổ sung canxi, thuốc dạ dày và sữa. Việc kết hợp sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt.
Được biết, thiếu máu do thiếu sắt tương đối phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp đôi so với nam giới. Nguyên nhân chính gây thiếu máu do thiếu sắt là “mất máu” và “tiêu thụ không đủ lượng sắt cần thiết hoặc cơ thể khó hấp thụ sắt”. Thiếu máu nhẹ thường không có triệu chứng. Vậy nhưng, lượng huyết sắc tố suy giảm mạnh có thể tăng nguy cơ hen suyễn, mệt mỏi, chóng mặt, đánh trống ngực, bồn chồn.
Thiếu máu do thiếu sắt nặng không được can thiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển và chức năng tim, dẫn đến suy tim mãn tính. Phương pháp điều trị thiếu máu do thiếu sắt phổ biến là bổ sung sắt qua đường uống. Có thể kết hợp vitamin C để thúc đẩy hấp thu sắt. Trường hợp bệnh nhân kém hấp thu sắt qua đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm sắt hoặc truyền máu nếu thiếu máu nghiêm trọng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Tác dụng của đậu xanh đối với sức khỏe

Nguồn video: Hanoitv

Định Tâm (Theo ET)