Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Đan Phượng (Hà Nội) đến thăm khám trong tình trạng ngứa kéo dài, không thuyên giảm, sắc tố da thay đổi, rối loạn tiêu hóa, gầy, sụt nhẹ cân và đã chữa nhiều nơi không tìm được căn nguyên...
Bệnh nhân là bà N.T.H, ở Đan Phượng, Hà Nội làm nghề phụ hồ. Cách đây hơn 1 năm, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện triệu chứng ngứa, sắc tố da thay đổi, bệnh nhân đi chữa trị bằng nhiều phương pháp nhưng chỉ giảm ngứa, sau một thời gian bệnh nhân tái phát lại.
Những tháng trở lại đây, người bệnh thấy vết ngứa lan rộng, không có dấu hiệu giảm cộng thêm ăn kém, rối loạn tiêu hóa, gầy, sụt nhẹ cân. Sau khi được người quen giới thiệu, bệnh nhân đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để kiểm tra.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và kết quả xét nghiệm mẫu phân phát hiện có trứng sán Hymenolepis diminuta - bệnh sán dây chuột.
|
Thăm khám cho người bệnh mắc sán dây chuột tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - Ảnh BVCC |
ThS.BS Văn Thị Thơ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh sán dây chuột. Bệnh do 2 loài sán là Hymenolepis nana (bệnh sán dây lùn) và Hymenolepis diminuta (bệnh sán dây nhỏ) gây nên.
Chuột vừa là vật trung gian vừa là vật chủ chính gây bệnh. Sán dây chuột có thể đi trực tiếp vào cơ thể con người hoặc gián tiếp thông qua đường ăn uống, tiếp xúc.
Người mắc sán dây chuột do nuốt phải trứng sán dây nhỏ có trong ngũ cốc đã nấu sẵn, các loại thực phẩm, nước uống hoặc bàn tay có nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng chưa trưởng thành có trong các loại động vật gặm nhấm (chuột), động vật chân đốt như gián hoặc mọt cám có trong ngũ cốc… hoặc có thể người mắc bệnh này chưa điều trị cũng chính là nguồn lây bệnh.
BS Thơ cho hay, khi người bệnh vô tình nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm sán, trong vòng 10 ngày sẽ phát triển thành sán.
Khi bị nhiễm nguồn lây, bệnh thường diễn tiến âm thầm, người nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm như mọt cám nhiễm sán dây nhỏ, mầm bệnh sẽ vào dạ dày, khu trú và gây bệnh ở nhung mao của ruột non, hồi tràng phá vỡ nhung mao ruột gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn…chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới…
Đôi khi có dấu hiệu thần kinh: mất ngủ, chóng mặt, co giật. Chính vì biểu hiện như vậy, người bệnh thường nhầm với bệnh lý về đường tiêu hóa, và các tình trạng bệnh lý khác. Chính vì thế, thường bị bỏ qua và người bệnh tốn kém đi khám điều trị các bệnh theo triệu chứng gặp phải.
|
Trứng sán dây chuột trong mẫu phẩm của một bệnh nhân khi soi qua kính hiển vi. Ảnh BVCC |
"Nếu không được phát hiện và điều trị số lượng sán trưởng thành sẽ gia tăng nhanh chóng trong ruột, để lại nhiều hậu quả về sức khỏe cho bệnh nhân như gây ra chán ăn, đau quặn bụng. Nếu số lượng sán trong cơ thể nhiều sẽ thải ra các độc tố gây ảnh hưởng tới thần kinh như đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, với trẻ nhỏ thì ngứa vùng thân dưới..." - bác sĩ Thơ nói.
Đặc biệt, người mắc sán dây chuột nếu không được điều trị triệt để sẽ là nguồn lây cho những người xung quanh. Với người từng mắc và đã điều trị khỏi bệnh sán dây chuột, bác sĩ Thơ lưu ý vẫn có thể tái nhiễm nếu ăn phải trứng sán dây nhỏ vì thế trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày không nên chủ quan...
Cách phòng tránh sán dây chuột
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường nơi ở. Đặc biệt cần đậy kín đồ ăn thừa đậy kín để ngăn chuột, gián xâm nhập vào. Nếu thấy gạo có hiện tượng mối, mọt không nên sử dụng vì đó là ổ chứa mầm bệnh....
- Rửa tay bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn;
- Thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh chung, đối với trẻ em cần hướng dẫn trẻ em về tầm quan trọng của việc rửa tay để phòng chống bệnh;
- Khi đi du lịch đến các quốc gia có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao hơn, hãy rửa, gọt vỏ hoặc nấu tất cả rau và trái cây sống bằng nước an toàn (nước khử trùng, chẳng hạn như nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc) trước khi ăn;
- Khi thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng thì không nên sử dụng.
Thúy Nga