"Khi nghe tin được tiêm vắc xin Covid-19, tôi mơ mọi người đều được tiêm và ước rằng cuộc sống sẽ quay trở lại bình thường như trước, được đi học, đi làm, đi du lịch mà không còn nỗi lo sợ về dịch bệnh", bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), chia sẻ.
|
Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM |
Bác sĩ Xuân là người được chọn tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên tại TP.HCM vào sáng 8/3 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Bác sĩ Xuân cho biết, lúc tiêm không thấy đau vì mũi tiêm rất nhỏ, lượng vắc xin ít. Sau 30 phút, cô không thấy tác dụng phụ, không chóng mặt nhức đầu.
Bác sĩ Xuân là người đã 2 lần hoãn tổ chức đám cưới để chống dịch Covid-19. Đến tháng 7/2020, khi dịch tạm lắng, cô và chồng làm lễ thành hôn.
Lý do bác sĩ Xuân là người được chọn tiêm đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nên những bác sĩ, nhân viên y tế nữ là những người được ưu tiên.
Trong đó, bác sĩ Xuân là người không chỉ công tác ở vị trí có nhiều nguy cơ mà còn tạm gác lại hạnh phúc cá nhân của mình để chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm cũng là một trong 21 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên trong sáng 8/3.
Anh từng điều trị cho bệnh nhân Việt Kiều Mỹ và bệnh nhân 91 (phi công người Anh mắc Covid-19). Bác sĩ Phong chia sẻ, Khoa Nhiễm D là nơi tiếp nhận điều trị cho cả khu vực phía Nam vì vậy, cán bộ, nhân viên y tế tại khoa được ưu tiên chích ngừa trước.
|
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D |
“Suốt hơn 1 năm qua, tôi cùng đồng nghiệp chịu áp lực lớn vì mức độ lây nhiễm, tỷ lệ tử vong phức tạp của Covid-19. Mong mỏi lớn nhất của tôi và đồng nghiệp là có vắc xin đã trở thành hiện thực”, bác sĩ Phong vui mừng nói.
“Khi được tiêm vắc xin, chúng tôi được trang bị thêm một hệ thống giống như áo giáp sinh học bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus. Điều này cũng giúp cho nhân viên y tế có đủ sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân, quan trọng hơn là không mắc bệnh để lây ngược lại cho người bệnh và cộng đồng”, bác sĩ Phong cho biết.
Bác sĩ Phong cũng mong rằng thời gian tới Việt Nam sẽ có đủ vắc xin chích ngừa cho toàn bộ người dân, đẩy lùi dịch bệnh.
Là người cuối cùng được tiêm vắc xin Covid-19 trong sáng 8/3, bác sĩ Danh Thơm, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: "Tôi cảm thấy hồi hộp khi là người tiêm cuối cùng. Hy vọng sắp tới tất cả mọi người đều được tiêm vắc xin để cuộc sống trở lại bình thường như trước kia”.
Ngày tiêm chủng đặc biệt và duy nhất cả nước
Trong ngày 8/3, 100 nhân viên y tế là bác sĩ, điều dưỡng của các khoa trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân dương tính nCoV là Khoa Nhiễm D, Khoa Hồi sức cấp cứu người lớn, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã được tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, trong đợt này, bệnh viện có tổng cộng 900 nhân viên y tế được tiêm ngừa vắc xin Covid-19. Sau ngày hôm nay, số nhân viên còn lại sẽ được tiêm lần lượt trong tuần này.
|
Tất cả nhân viên y tế đều được khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm chủng |
Có mặt tại buổi tiêm đầu tiên tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hôm nay là ngày đặc biệt, đầu tiên là Quốc tế Phụ nữ 8/3 và thứ 2 là Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên, lớn nhất cả nước tại 3 điểm Hà Nội, Hải Dương và TP.HCM.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã được kiểm soát tốt, được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và các hãng thông tấn báo chí có uy tín trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
“Để tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trong đó tiêm vắc xin phòng Covid-19 là vô cùng cần thiết, là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, từ rất sớm Bộ Y tế đã chủ động, tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để được cung cấp vắc xin Covid-19 và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nhận được vắc xin này”, ông Sơn cho biết.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, vắc xin Covid-19 là vắc xin được phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng nhanh nhất, theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa cho người dân.
Đây là chiến dịch tiêm vắc xin có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Vì thế, Bộ Y tế trong thời gian qua đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm bảo đảm an toàn cao nhất.
“Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á tiếp nhận vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Ngày hôm nay sẽ là khởi động chiến dịch để Bộ Y tế tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để tiếp tục có vắc xin về Việt Nam nhằm để người dân sớm được tiếp cận với vắc xin Covid-19”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Để đảm bảo công tác tiêm chủng được thuận lợi và an toàn, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: “Với các loại vắc xin Covid-19 hiện nay, chúng ta không thể khẳng định an toàn 100%. Những phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, chúng tôi chuẩn bị quá trình triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế rất thận trọng. Bệnh viện đã chuẩn bị khu vực dành riêng để tiêm chủng theo đúng quy định của ngành y tế. Đầu tiên sẽ khám sàng lọc trước khi tiêm để bảo đảm an toàn”.
Theo bác sĩ Châu, bệnh viện sử dụng phần mềm và hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế xây dựng để quản lý từng cá nhân sau tiêm.
“Bộ Y tế có thể quản lý xuyên suốt và đồng bộ trong suốt chiến dịch tiêm chủng. Khâu tiêm vắc xin được thực hiện bởi các nhân viên chuyên thực hành tiêm chủng vắc xin lâu nay của bệnh viện và đã được cấp phép thực hành tiêm chủng của ngành y tế”, bác sĩ Châu cho biết.
Sau tiêm, ngươi được tiêm vắc xin sẽ ngồi nghỉ ngơi và theo dõi trong vòng 30 phút theo quy định trước khi ra về.
“Nhân viên tiêm chủng cũng hướng dẫn chi tiết người được tiêm về các biểu hiện bất thường cần quay lại hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Khu vực tiêm chủng cũng trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu và nằm cạnh Khoa Cấp cứu để kịp thời xử lý những sự cố ngoài ý muốn sau tiêm chủng”, bác sĩ Châu nói.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hiện là nơi tiếp nhận điều trị ca nghi nhiễm, xét nghiệm virus nCoV và nghiên cứu về chủng virus này.
Ngoài điều trị bệnh nhiễm khu vực phía Nam, bệnh viện còn thực hiện tiêm chủng ngừa một số loại vắc xin nên có kinh nghiệm trong tiêm và xử lý các tình huống sau tiêm.
Theo Liên Anh/ Vietnamnet