Sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế do các Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn dẫn đầu.
117.000 liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được được chia thành 49 kiện đã được chuyển đến 4 điểm tiêm chủng gồm Hà Nội, TP.HCM và 2 điểm ở Hải Dương. Lô vắc xin đầu tiên này được đưa đến Việt Nam từ ngày 24/2 theo hợp đồng đặt mua giữa Hệ thống VNVC và AstraZeneca.
Đối tượng được ưu tiêm trong đợt tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.
Tại Hà Nội, 100 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW sẽ được tiêm những mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên.
|
Công tác chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TW. Ảnh: SKĐS. |
Họ là cán bộ, nhân viên y tế tại các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Nội Tổng hợp, Virus Ký sinh trùng, Khám bệnh Kim Chung, Nhi, Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Viêm gan, Dược, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh và Sinh học phân tử, Huyết học Truyền máu, Gây mê...
Tất cả nhân viên y tế đều được thông báo và khám sàng lọc trước tiêm. Những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ không được đến buổi tiêm.
Sau khi tiêm, những người này sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi trong vòng 30 phút và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 24 giờ tiếp theo tại nhà.
Mời độc giả xem video "Công bố giá bán vắc xin Covid-19 triển vọng nhất nước Mỹ". Nguồn: THDT.
Tại TP HCM, khoảng 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là những người đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19 trong đợt này.
7 nhóm đối tượng được lựa chọn tiêm vắc xin gồm nhân viên y tế của khoa Nhiễm D, khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh, phòng Công tác xã hội, phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc bệnh viện.
|
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị tiêm ngừa vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: SKĐS. |
Ở Hải Dương, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế, cho biết 80 người được tiêm vắc xin thuộc 9 nhóm ưu tiên gồm: Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân; Thành viên tổ truy vết; Nhân viên tham gia điều tra dịch tễ; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Tổ "Covid cộng đồng"; Cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; Nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung; Cán bộ trực tiếp tiêm vắc xin COVID-19.
Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành là hai điểm đầu tiên của tỉnh thực hiện tiêm vắc xin. Sau đó, tỉnh này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai tiêm đồng loạt tại các địa phương khác.
|
Người đầu tiên tiêm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương. Ảnh: SKĐS.
|
Theo kế hoạch, Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vắc xin cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người.
Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho hay do chương trình tiêm vaccine trùng với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nên mỗi địa điểm sẽ chọn một phụ nữ để tiêm đầu tiên.
Vắc xin COVID-19 của Oxford-AstraZeneca đã được cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phê duyệt sử dụng tại Việt Nam bởi Chính phủ. Vắc-xin này được phát triển và thử nghiệm bởi Đại học Oxford phối hợp với công ty liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca.
Những loại vắc xin được WHO phê duyệt sử dụng đã trải qua quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt về mức độ an toàn và hiệu quả trong kiểm soát bệnh. Mỗi quốc gia đều có cơ quan quản lý làm nhiệm vụ giám sát an toàn và hiệu quả vắc-xin trước khi chúng được sử dụng rộng rãi. Ở cấp quốc tế, WHO hợp tác với các cơ quan kỹ thuật độc lập để thẩm định tính an toàn của các loại vắc xin trước và thậm chí là sau khi triển khai vắc xin. Dù đang được phát triển với tốc độ khẩn trương nhất có thể, các loại vắc xin COVID-19 chỉ có thể được phê duyệt khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về mức độ an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiêm vắc xin COVID-19 không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc xin của Astrazeneca có hiệu quả bảo vệ là 76% khi tiêm mũi 1, 81% mũi 2. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm ngoài thực tiễn.
Thảo Nguyên