|
Hà Nội tập trung điều trị cho bệnh nhân nặng. Ảnh: minh họa
|
Liên tục 3 ngày qua, số ca F0 ở Hà Nội liên tục tăng cao, ngày 19/2 ghi nhận xấp xỉ 5.000 ca.
Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những ngày qua, số ca F0 nặng nhập viện tăng nhanh, đa số là người cao tuổi, có bệnh lý nền, chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều. Để đáp ứng số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện, bệnh viện đã chuẩn bị 500 giường, chia thành nhiều đơn vị và triển khai hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Hà Nội tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I/2022.
Để đảm bảo điều trị bệnh nhân F0 triệu chứng nặng, Sở Y tế Hà Nội đã điều chỉnh lại phân tầng tiếp nhận bệnh nhân theo triệu chứng, phù hợp với bối cảnh số ca nhiễm tăng cao. Riêng các bệnh viện thuộc tầng hai, ba (mức độ bệnh nhân nặng trung bình đến nguy kịch) chuẩn bị số giường điều trị tích cực.
Thành phố yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện tập trung đảm bảo giường thuộc tầng 2, tầng 3; chuẩn bị sẵn sàng tình huống 100-500 ca nặng một ngày. Sở Y tế bảo đảm cung cấp túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là F0 tại nhà để hạn chế chuyển tầng điều trị. Tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng 100.000 ca nhiễm/ngày đã ban hành trước đó…
Tập trung điều trị bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tỉ lệ ca bệnh có dấu hiệu nặng của Hà Nội chỉ 5%. Hà Nội cũng nằm ngoài danh sách 10 địa phương có số ca nặng cao nhất dù liên tục dẫn đầu về số mắc mới. Ngoài ra, gần 100% dân số đã được tiêm hai mũi vắc xin.
Theo bà Hà, ưu tiên trọng tâm của thành phố hiện nay là bảo vệ người nguy cơ cao mắc COVID-19, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vắc xin nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Bà nói: “Giai đoạn này nên thay đổi cách đánh giá dịch, dựa trên số ca chuyển nặng, tử vong… chứ không cần thiết công bố số ca nhiễm vì hiện số ca mắc trong cộng đồng cao”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, cùng với việc mở cửa trường học, các hoạt động du lịch…, việc số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng vọt đã được dự báo. “Khi mở cửa chúng ta chấp nhận số mắc tăng cao nhưng phải kiểm soát, phải dự báo được. Trường hợp nào cần thiết phải nhập viện điều trị, giảm nguy cơ tử vong”, ông Phu nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện khẩn số 1 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương sau khi đã nới lỏng các hoạt động kinh tế, tôn giáo... tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tập trung vào các khu vực đông người, cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục và đào tạo.
Theo TRẦN HOÀNG/Tiền phong