Theo bản tin tối 19/2 của Bộ Y tế, hôm qua, Việt Nam ghi nhận 41.980 ca nhiễm mới. Trong đó, 12 người nhập cảnh và 41.968 F0 ghi nhận trong nước (giảm 459 trường hợp so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 29.831 ca trong cộng đồng).
Số ca mắc COVID-19 trên cả nước có dấu hiệu giảm nhẹ so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao kỷ lục so với quãng thời gian trước đây với nhiều đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.
Hà Nội lần đầu vượt mốc 4.800 ca
Tối 19/2, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong 24 giờ qua thành phố ghi nhận 4.869 ca mắc mới, gồm 1.206 F0 ngoài cộng đồng. Đây là con số cao nhất của Hà Nội từ khi dịch bùng phát cho đến nay.
Các bệnh nhân được phân bổ tại 468 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (389); Hoàng Mai (355), Nam Từ Liêm (282), Bắc Từ Liêm (271), Hà Đông (244).
Như vậy, từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 196.416 ca COVID-18 với 893 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong chiếm 0,46% tổng ca mắc.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính tới hết ngày 18/2, ngành y tế thành phố đang điều trị, theo dõi 167.194 ca, tăng gần 24.000 ca so với một ngày trước đó. Trong số này, 161.400 F0 điều trị tại nhà, tăng 23.000 ca so với ngày 17/2 và 1.101 ca điều trị tại khu cách ly, tăng hơn 100 ca so với một ngày trước đó.
Hiện tại, 97% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Còn lại, 3% bệnh nhân (4.600 ca) phải nhập viện. Trong đó, gần 4.300 người được điều trị ở các tầng 2, 3 tại bệnh viện trên địa bàn. 345 F0 khác được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trong số các bệnh viện phải nhập viện điều trị, 2.855 ca ở mức độ trung bình, tăng hơn 26% so với trung bình 7 ngày trước. 810 ca bệnh trong tình trạng nặng, nguy kịch (tăng hơn 26%), gồm 705 ca thở oxy mask, gọng kính; 46 ca phải thở máy không xâm lấn, 36 ca thở máy...
Tỷ lệ tiêm chủng hai mũi cho người dân từ 12 tuổi trở lên được đánh giá là rất cao, gồm 99,6% trẻ 12-17 tuổi; 98,8% người từ 50 tuổi trở lên (850.000 người đã tiêm mũi nhắc lại/bổ sung).
Tổng số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi là 5.324.224 người, đạt 99,8%. Trong đó, 243.054 người đã tiêm mũi bổ sung (đạt 98,2%) và hơn 2,94 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại (đạt 64,0%). Hà Nội phấn đấu hết quý I sẽ tiêm nhắc lại cho tất cả người dân đủ điều kiện.
Ngoài Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục phức tạp ở khu vực phía Bắc. Trong ngày 19/2, 16 tỉnh, thành phố có trên 1.000 ca mắc gồm: Hà Nội (4.869), Bắc Ninh (2.002), Quảng Ninh (1.990), Hòa Bình (1.871), Thái Nguyên (1.852), Nam Định (1.798), Phú Thọ (1.567), Hải Phòng (1.555), Ninh Bình (1.516), Lào Cai (1.410), Vĩnh Phúc (1.394), Nghệ An (1.360), Hải Dương (1.328), Yên Bái (1.150), Bắc Giang (1.042), Sơn La (1.040).
Các địa phương này đều có số ca mắc mới tăng nhanh sau Tết Nguyên đán, chủ yếu tập trung ở khu công nghiệp, trường học. Tỷ lệ tiêm chủng ở những tỉnh, thành nói trên cũng ở mức cao.
F0 tại TP.HCM tăng nhanh sau khi học sinh trở lại trường
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc COVID-19 xác định (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và số ca nghi nhiễm phát hiện trên địa bàn thành phố thời gian gần đây có chiều hướng tăng.
Từ con số thấp nhất là 24 ca được ghi nhận ngày 5/2, đến nay, số lượng F0 trên địa bàn tăng gấp hơn 10 lần. Theo dự đoán của ngành y tế và các chuyên gia, số ca nhiễm tại TP.HCM có thể sẽ tiếp tục tăng.
Ngày 19/2, theo bản tin của Bộ Y tế, TP.HCM có thêm 849 bệnh nhân mới. Trong số này, TP Thủ Đức nhiều nhất với 194 ca. Một số địa phương còn lại là Bình Thạnh (90), Tân Phú (58), quận 4 (55), quận 10 (51), quận 7 (44), Phú Nhuận (43), Gò Vấp (41)...
Trung bình, số ca mắc trong vòng 7 ngày qua của thành phố là 496. Ngoài ra, TP.HCM còn phát hiện một ổ dịch mới tại một tu viện quận Gò Vấp.
Thành phố có 948 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị. Trong đó, 205 người đang điều trị tại bệnh viện tầng 3, 183 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp, 50 bệnh nhân được thở máy xâm lấn.
Số lượng trẻ em F0 trên địa bàn thành phố thời gian gần đây cũng có xu hướng tăng sau khi trường học mở cửa trở lại. Hiện 35 trẻ dưới 16 tuổi được điều trị.
Trong khi đó, số F0 tử vong của TP.HCM giảm sâu, chỉ 2 trường hợp ghi nhận vào ngày 19/2 và trung bình 7 ngày qua là 3 ca.
Đến nay, thành phố đã tiêm tổng cộng 20.076.842 mũi vaccine COVID-19, gồm 667.042 mũi bổ sung, 3.984.427 mũi nhắc lại.
Quy định mới về mức giá dịch vụ xét nghiệm
Ngày 19/2, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo thông tư mới có hiệu lực từ ngày 21/2, mức giá trần mới sẽ giảm cao nhất khoảng 30% so với giá hiện hành.
Trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, mức giá được quy định như sau:
Thông tư này áp dụng với các trường hợp: Thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả và các trường hợp được ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thông tư không áp dụng với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Theo Thiên Nhan/Zing.vn