Mức độ nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết bắt nguồn từ châu Phi và Đông Nam Á sau đó lan rộng tới các khu vực khác trên thế giới do khách du lịch và hoạt động thương mại. Ở Việt Nam, cao điểm dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào khoảng tháng 6 tới tháng 9.
Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng giống như bệnh cúm, thường kéo dài từ 2 – 7 ngày, do vậy rất dễ bị nhầm lẫn. Sau khi bị muỗi mang virus đốt từ 4 – 10 ngày, các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện.
Ban đầu, người bệnh sẽ bị sốt cao đột ngột, kèm theo ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau đây: đau đầu, nhức sau hốc mắt, buồn nôn, sưng hạch, phát ban, đau mỏi cơ xương khớp… Giai đoạn biến chứng thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 3 – 7 sau khi các triệu chứng xuất hiện. Sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nặng, suy đa tạng, xuất huyết ồ ạt dẫn tới tử vong.
|
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua muỗi đốt |
Bệnh sốt xuất huyết được điều trị như thế nào?
Hiện nay, chưa có cách điều trị kháng virus cụ thể cho bệnh sốt xuất huyết. Chủ yếu người bệnh cần các giải pháp chăm sóc hỗ trợ để giảm các triệu chứng, nghỉ ngơi để cơ thể tự tạo kháng thể chống lại virus sốt xuất huyết.
|
Dịch sốt xuất huyết đang lan nhanh ở Việt Nam. |
Dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện chưa có dấu hiệu ngừng lại khiến cho hầu hết bệnh viện lớn đều trở nên quá tải. Do vậy, các bác sĩ sẽ khám sàng lọc để phân loại, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu bệnh ở mức nguy hiểm mới nhập viện. Bởi vậy, việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà là điều rất quan trọng.
Tầm quan trọng của việc nhận biết cách hạ sốt xuất huyết và bù dịch
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, 3 ngày đầu bệnh nhân sẽ bị sốt cao tương tự như các loại sốt virus khác và chưa có biến chứng. Người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng cách kết hợp hạ sốt và bù dịch.
Khi sốt cao nhiệt tăng lên hãy nhanh chóng tìm cách hạ sốt xuất huyết:
Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, tốt nhất nên ở trong phòng có điều hòa.
Chườm mát ở các vị trí nách, bẹn và trán.
Lau ấm toàn bộ cơ thể để nhiệt tỏa qua da nhanh hơn.
Nên mặc quần áo thoáng mát, tránh mặc ấm hoặc đắp chăn khi có cảm giác ớn lạnh do đây là việc làm phản tác dụng, hạn chế cơ chế tỏa nhiệt của cơ thể.
Uống thuốc hạ sốt paracetamol để hạ thân nhiệt khi sốt cao trên 38,5 độ C với liều dùng như hướng dẫn.
Lưu ý: Người bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không được dùng thuốc aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt, bởi những loại thuốc này gây ức chế kết tập tiểu cầu, tăng nguy cơ chảy máu, khiến người bệnh bị xuất huyết dạ dày, nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng.
Các phương pháp bù dịch khi bị sốt xuất huyết:
Uống nước điện giải oresol theo chỉ dẫn (khoảng 2 lít nước/ngày)
Uống nước hoa quả, sinh tố.
|
Chú ý bù nước điện giải oresol khi bị sốt xuất huyết. |
Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn những món có nhiều nước và dễ tiêu như súp, vừa để bổ sung nước vừa cung cấp thêm các dưỡng chất cho cơ thể, để nhanh chóng phục hồi.
Trong ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, nếu người bệnh sốt xuất huyết có các dấu hiệu như: mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, rong kinh,… thì cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị để ngăn ngừa biến chứng.
Những sai lầm dễ mắc phải trong cách hạ sốt xuất huyết tại nhà
Hạ sốt bằng mọi cách
Bạn nên biết sốt là phản ứng tốt của cơ thể để chống lại virus. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết lại cố gắng hạ sốt bằng mọi cách để giảm tới nhiệt độ bình thường dẫn đến lạm dụng paracetamol liều cao. Hậu quả là gây ngộ độc gan đồng thời làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
|
Lạm dụng thuốc hạ sốt có thể dẫn đến ngộ độc gan. |
Pha nước điện giải không đúng liều lượng
Việc pha dung dịch oresol không đúng liều lượng cũng gây phản tác dụng khi bù dịch. Nhiều người cho rằng oresol là thuốc nên chỉ uống 2 gói pha trong một lượng ít nước. Điều này có thể gây rối loạn điện giải trong cơ thể.
Uống quá nhiều nước sau khi hết sốt
Không uống đủ nước khi bị sốt là không tốt nhưng uống quá nhiều nước khi đã hết sốt cũng gây ra tác dụng phụ: phù phổi cấp, có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Truyền thêm dịch khi đã khỏi bệnh
Một số người cho rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết sau khi đã khỏi bệnh thì cần truyền thêm dịch để bù nước, điện giải và đạm, giúp bồi bổ sức khỏe. Tuy vậy, đây là điều không nên làm, bởi sẽ làm tăng nguy cơ thừa dịch, rất nguy hiểm. Hơn nữa, truyền dịch tại nhà hoặc cơ sở tư nhân khi chưa có kiến thức bệnh sốt xuất huyết cũng gây nguy hiểm tới tính mạng.
Mong khỏi bệnh ngay lập tức
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết không nên quá sốt ruột, thực hiện tốt việc bù dịch bằng đường uống, biết cách hạ sốt khi nhiệt độ lên cao thì triệu chứng sau 5 – 7 ngày sẽ giảm. Thời gian hồi phục sẽ mất khoảng 1 tuần sau đó. Nên cho bệnh nhân ăn những món mềm, dễ tiêu hóa, giàu vitamin, tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng.
Theo Đời sống Plus/GĐVN