Vỏ khoai tây
Nhiều người khi chế biến khoai tây trong các món nướng, hấp, luộc thường có thói quen để cả vỏ khoai. Nhưng việc này về lâu dài có thể gây tổn hại sức khỏe. Trong vỏ khoai tây có chứa glycoalkaloids, một chất khi ăn vào sẽ tích lũy dần trong cơ thể, đến một lượng nhất định sẽ phát độc tính. Bởi không gây ngộ độc tức thì và không có triệu chứng rõ ràng, nên nhiều người vẫn tưởng rằng ăn vỏ khoai tây là không có vấn đề gì. Khi bị ngộ độc, người bệnh sẽ có biểu hiện da xanh xao, nhợt nhạt, sức khỏe kém.
Với những củ khoai tây đã mọc mầm hoặc có vỏ xanh còn nguy hiểm hơn thế. Khi đó, chất độc sản sinh trong khoai tây càng cao. Nếu thấy hiện tượng này thì tuyệt đối không nên ăn cả thịt và vỏ.
Cà chua
Khi xanh axit tannic chủ yếu tập trung trong phần ruột cà chua, tuy nhiên, khi chín loại axit này lại dồn chủ yếu về phần vỏ. Sau khi vào cơ thể, axit tannic phản ứng mạnh với protein trong các thực phẩm khác tạo chất kết tủa, gây các chứng: tức bụng, trướng bụng, giảm cảm giác thèm ăn. Hơn nữa, vỏ cà chua không thể tiêu hóa được, do đó, trước khi chế biến nên bóc bỏ toàn bộ vỏ cà chua.
Vỏ khoai lang
Là loại củ cùng họ với khoai tây và vỏ của nó cũng có hại cho sức khỏe. Vỏ khoai lang hại gan do chứa nhiều chất kiềm, ăn nhiều sẽ gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu vỏ củ khoai có đốm nâu hoặc nâu đen, đồng nghĩa với việc khoai đã bị vi khuẩn đốm đen xâm nhập. Chúng sản sinh ra độc tố saponone và saponol làm tổn thương gan, gây ngộ độc.
Vỏ khoai mỡ
Khoai mỡ là loại củ bạn nên loại bỏ vỏ trước khi chế biến. Tương tự như vỏ khoai lang, vỏ khoai mỡ có thể dễ dẫn đến tình trạng khó tiêu và tiêu chảy.
Củ mã thầy
Vỏ củ mã thầy chứa rất nhiều vi sinh vật nhỏ gây hại cho các cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra, vỏ mã thầy có thể chứa ký sinh trùng, do đó cần phải rửa sạch bằng nước đun sôi để tránh các vi sinh vật, ký sinh trùng còn bám trên vỏ rồi mới gọt vỏ, để tránh nhiễm vi sinh vào ruột củ.
Những quả hồng chín đỏ mọng, căng tròn là loại quả được nhiều người ưa thích. Đặc điểm của loại quả này khi chín là rất mềm, việc gọt vỏ gây nhiều khó khăn. Hãy cố gắng loại bỏ vỏ trước khi ăn, bởi vỏ quả hồng có thể làm bạn bị đau dạ dày.
Khi quả hồng còn non, axit tannic tập trung ở phần thịt quả. Nhưng khi quả chín, chất này sẽ chuyển hướng tập trung ở phần vỏ.
Axit tannic khi xâm nhập vào dạ dày sẽ tạo ra hóa chất kết hợp với protein trong thực phẩm, tạo ra những cục u lớn nhỏ, gọi là sạn trái hồng trong dạ dày, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Vỏ bạch quả
Vỏ bạch quả chứa các chất độc hại như ginkgo acid, hydrogenated ginkgo acid, hydrogenated ginkgo acid và ginkgo alcohol. Sau khi vào cơ thể người, các chất này sẽ làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và dễ gây ngộ độc. Vì vậy, khi chế biến loại quả này, bạn chỉ nên sử dụng phần thịt và loại bỏ đi phần vỏ nhé.
Vỏ quả lê
Trong thành phần dinh dưỡng của quả lê chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, khi ăn lê bạn không nên ăn cả vỏ. Nguyên nhân là trong vỏ quả lê có chứa nhiều chất xơ gây khó tiêu cho dạ dày của bạn. Nếu ăn nhiều có thể gây vón cục khó tiêu, sỏi thận…
Theo Thanh Huyền/Tiền Phong